Không nhụt chí

Đăng Quang 13/04/2018 07:30

Chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư, nghe báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hôm 10.4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua kiểm tra, các sai phạm đã được thẳng thắn chỉ ra, được khắc phục nhiều hơn và tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. “Tăng trưởng kinh tế quý I.2018 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “không cẩn thận sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm nữa”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Công cuộc chống tham nhũng rất trúng lòng dân, được dư luận ủng hộ. Có hay lửa lò chống tham nhũng nóng lên thì kinh tế - xã hội mới đi vào kỷ cương. Có thấy nhiều lĩnh vực đang bứt phá nhanh; Hàng loạt thủ tục hành chính được các bộ ngành “đột phá”, cắt giảm mạnh. Đó chính là câu trả lời đanh thép và đập tan luận điệu cho rằng chống tham nhũng, chống thao túng quyền lực quá mạnh sẽ làm cho xã hội nhụt chí!  Rõ ràng điều hành đất nước từ vĩ mô đến các cấp chính quyền phải có tư duy và chiến lược mới. Việc giám sát quyền lực trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội càng phải thực hiện bằng thể chế và pháp luật; lấy kỷ cương phép nước để soi, để nhìn vào từng vụ việc.

Phải hiểu, tham nhũng, thao túng quyền lực càng phức tạp và tinh vi hơn. Vì sao nhiều vụ việc nhỏ, rất nhỏ mà cứ đẩy lên Thủ tướng Chính phủ? Rất cần tăng cường giám sát, có biện pháp cụ thể, hiệu quả trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở các lĩnh vực “mỡ màu” của những bộ ngành nắm giữ nhiều nhà đất, bạc tiền dễ phát sinh tiêu cực!

Nói gì khi Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo về tình trạng chống lãng phí trước Quốc hội với những thông tin sơ sài đến nỗi nhiều ĐBQH phải lên tiếng không hài lòng? Không thể chấp nhận tình trạng 17/63 tỉnh, thành phố; 16/34 bộ ngành và 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí cho Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan đơn vị không gửi báo cáo kết quả thực hiện chương trình này. Không đủ số liệu, thì Bộ Tài chính lấy đâu ra cơ sở để tổng hợp, đánh giá tình hình?

Tham nhũng, thao túng quyền lực giờ ra sao? Lãng phí đang diễn ra thế nào rất cần một cách nhìn thẳng thắn và đánh giá trung thực. Người dân cả nước hoan nghênh cuộc chiến chống tham nhũng, thao túng quyền lực và lãng phí. Nhưng rõ ràng đã nhìn thấy dấu hiệu chưa nghiêm túc của một số bộ, ngành. Pháp luật không thiếu những điều luật, nhưng đưa luật vào cuộc sống lại chính từ hành động của các bộ, ngành và chính quyền các cấp!

Nói phải đi đôi với làm trong chống tham nhũng, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí! Phải dũng cảm đột phá mạnh mẽ vào thành trì, lô cốt mà một bộ phận cán bộ đang giữ quyền uy đã dựng lên và cố đeo bám. Không nhụt chí, phải quyết liệt chống vấn nạn nể nang, né tránh, chống thực trạng “à ơi” như việc của ai trong thi hành công vụ của một bộ phận công chức được trao quyền!

Đăng Quang