Nắm bắt và chọn lọc thông tin

HUYỀN LOAN 09/04/2018 07:13

Trước ý kiến của đại biểu về khó khăn trong thu thập thông tin phục vụ giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Các thành viên Ban Pháp chế phải thường xuyên cập nhật các văn bản và điểm mới trong cải cách tư pháp; linh hoạt khi khai thác, tìm kiếm thông tin liên quan; chú trọng nắm bắt từ nhiều kênh và chọn lọc thông tin phù hợp.

Thiếu thông tin

“Thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND thành phố cần tổ chức các cuộc khảo sát chuyên sâu về kỹ năng, năng lực của cán bộ hoạt động chuyên trách tại quận, huyện, thị; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và giao ban chuyên đề ở cả 3 cấp để trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa thành phố và các quận, huyện, thị, từ nội dung các văn bản mới hay kinh nghiệm cho các ban HĐND cấp huyện nói chung và Ban Pháp chế nói riêng, nhất là các văn bản, quy định mới liên quan đến lĩnh vực hoạt động”.

Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài Đức NGUYỄN THANH TÚ

Có thể thấy, hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tích cực đổi mới theo hướng thiết thực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần khẳng định vị thế của HĐND, trong đó phải kể đến vai trò của Ban Pháp chế. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, hoạt động của Ban Pháp chế HĐND thành phố và một số quận, huyện, thị xã khá hiệu quả, luôn đổi mới. Trên cơ sở quy định của luật, hoạt động giám sát của HĐND nói chung và Ban Pháp chế nói riêng từ cấp thành phố đến các quận, huyện, thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát được nâng lên. Qua đó, vai trò, vị trí của Ban Pháp chế HĐND dần được khẳng định và hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động tại địa phương cho thấy, giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp là nhiệm vụ khó, mang tính chuyên môn sâu, phạm vi rộng, đòi hỏi các thành viên Ban, nhất là những đại biểu chuyên trách phải có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức pháp luật. Trong khi đó, các thành viên Ban Pháp chế HĐND có cơ cấu từ nhiều ngành, sự am hiểu pháp luật còn hạn chế, vì vậy khi giám sát các cơ quan tư pháp không đủ chuyên môn và tự tin để đặt câu hỏi. Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông Lương Huệ Minh, điều này thể hiện rất rõ trong hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp, rất ít chất vấn được đặt ra đối với cơ quan tư pháp, nếu có cũng chủ yếu để được cung cấp thông tin.

Cũng theo bà Minh, do chưa có cơ chế, quy định, hướng dẫn đồng bộ cho hoạt động của Ban Pháp chế nói chung cũng như việc triển khai giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp, nên Ban Pháp chế HĐND các quận, huyện, thị xã chưa triển khai sâu sát lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan liên quan cũng hạn chế. Dẫn chứng từ địa phương, bà Minh cho biết, việc thực hiện các quy định cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ kết quả công tác của các cơ quan tư pháp còn khó khăn.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông, Hà Nội Lương Huệ Minh phát biểu tại Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp Ảnh: Bảo Trâm
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông, Hà Nội Lương Huệ Minh phát biểu tại Hội nghị Trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp
Ảnh: Bảo Trâm

Chọn lọc thông tin phù hợp

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Đống Đa Nguyễn Phúc Bình cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thông tin phục vụ giám sát. Bởi, trên thực tế nhiều đại biểu chưa cập nhật kịp hoặc chưa đi sâu nắm bắt thông tin, bằng chứng xác thực khi đưa ra đối chất đơn vị chịu giám sát.

Theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND quận Đống Đa Nguyễn Phúc Bình, khi giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, cần kết hợp chặt chẽ giữa nghe báo cáo và xem xét, kiểm tra, khảo sát thực tế. Để có kết luận giám sát đúng, phải nắm được thông tin để đưa ra ý kiến phản biện, yêu cầu giải trình những vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Đồng thời, kết hợp xem xét các văn bản cần thiết và hồ sơ vụ việc mà dư luận, công dân phản ánh, KNTC; thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, xác minh tại chỗ để làm căn cứ kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Trước ý kiến của các đại biểu về khó khăn trong thu thập thông tin phục vụ giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, đây là nội dung chuyên sâu, khó, đòi hỏi các thành viên Ban Pháp chế phải thường xuyên phải cập nhật các văn bản và điểm mới trong cải cách tư pháp. Thông tin phục vụ giám sát lấy từ các đơn vị cùng cấp rất khó, vì vậy, các đại biểu cần linh hoạt khi khai thác, tìm kiếm thông tin liên quan. Trong đó, chú trọng nắm bắt thông tin từ nhiều kênh, như: Cơ quan cấp trên của đơn vị chịu sự giám sát; đơn thư, kiến nghị của các địa phương, cử tri và nhân dân; giám sát; qua báo chí và nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát. Tuy nhiên, cũng phải biết chọn lọc thông tin phù hợp - ông Nam nhấn mạnh.

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho rằng: Mỗi thành viên Ban Pháp chế HĐND các cấp cần nắm chắc, sâu nội dung, dành thời gian nghiên cứu vấn đề. Đặc biệt, không được có tâm lý ngại va chạm, phải theo đến cùng vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, lãnh đạo và thành viên Ban Pháp chế HĐND cấp huyện cần bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban cải cách tư pháp cùng cấp để có căn cứ đánh giá, giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp; đồng thời, quan tâm đến công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm, góp phần ổn định dư luận.

HUYỀN LOAN