Văn chương như “của để dành”

Hải Đường 07/04/2018 08:31

Với chất giọng sắc cạnh nhưng cũng đầy nữ tính, người đọc gặp lại trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ những băn khoăn, khắc khoải về thân phận của giới và cả biến đổi của xã hội Việt Nam suốt hai thập niên qua. Tuyển tập “Của để dành” (NXB Trẻ), vì thế, ghi dấu ấn đậm nét về một thời kỳ văn chương đổi mới.

Bao lời tình tự

Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ xuất hiện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã mau chóng chiếm được sự chú ý của công chúng. Các câu chuyện riêng tư, nhìn sâu vào thân phận và những thay đổi tinh vi của tâm lý con người được tìm kiếm. Giọng của các nhân vật đa thanh, dòng ý thức, các câu văn bất thường trở thành “hương vị” vừa lạ, vừa quen. Sau một thời gian dài, người ta thấy không khí văn chương mới ùa vào không gian đang đầy ngột ngạt trước bao biến động xã hội bấy giờ. Ở đó, nhà văn lựa chọn các lát cắt nhỏ của cuộc sống, những mảnh ghép đời thường trong bức tranh gia đình, song có sức gợi nhiều suy ngẫm về số phận con người, đặc biệt là chiều sâu tâm hồn của phụ nữ.

Đó là bối cảnh xã hội vừa rời thời bao cấp, chạm đến cửa ngõ của kinh tế thị trường, một xã hội không hẳn đã no ấm, đủ đầy, nhưng con người bắt đầu tìm về bản ngã. Hình tượng người phụ nữ trong văn của Nguyễn Thị Thu Huệ là vậy. Một kiểu người đa đoan trong dòng đời đa sự đã nảy sinh nhu cầu sống cho mình, sống vì mình. Một kiểu người muốn trồi ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của cuộc sống gia đình để được yêu hết mình, để cảm nhận rõ mình là đàn bà. Nhưng đeo đuổi yếu tố ấy, nhân vật cũng buộc người viết phải chạm đến những sắc thái thật đời, bằng tông giọng riết róng và cả nỗi băn khoăn, khắc khoải. Để trong tột cùng các mặt xấu được phơi bày trên từng câu chữ, vẫn thấy lấp lánh vẻ đẹp từ tâm, rằng họ không tốt là có lý do và lý do ấy không phải ai cũng có thể nói ra.  

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tuyển tập “Của để dành” Ảnh: K.Linh
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tuyển tập “Của để dành”
Ảnh: K.Linh

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ, chị hay quan sát phụ nữ và cũng thường bắt gặp ở họ những dáng hình mà sau này đi vào văn chương của mình một cách rất tự nhiên. Những người chị, người mẹ trông có vẻ sung sướng, hạnh phúc, nhưng dường như vẫn chất chứa điều gì buồn khổ, không trọn vẹn. Cứ nhìn những người đi qua, cách họ ngồi ăn, dáng đi… và hình dung cuộc đời họ lúc về nhà. Hạnh phúc đâu cũng giống nhau nhưng bi kịch thì mỗi nhà một kiểu, khó có thể nhìn qua vẻ ngoài. Cứ theo mạch tình tự ấy để câu chuyện dẫn dắt mỗi người. Câu chuyện cho người ta chứng kiến cái rạn nứt, chênh chao trên nền tảng cuộc sống gia đình thời buổi kinh tế thị trường. Cho dù các lớp lang số phận nhân vật được bóc tách ra sao cũng là một cách để thương cảm và hiểu về con người hơn là phê phán. Có điều, mẫu hình phụ nữ với thế giới nội tâm đầy đủ hơn ấy, ở thời điểm Nguyễn Thị Thu Huệ bước vào văn đàn, đã lâu không được khắc họa.

Gieo những mùa sau

Trước đó, bộ phận văn học cách mạng, sự xuất hiện của nhân vật nữ nhiều nhưng chỉ như một nét chấm phá. Bước vào những năm đầu thời kỳ hậu chiến, khi văn học Việt Nam chuyển mình, người ta thường nhắc nhiều đến các tác giả Lê Lựu, Ma Văn Kháng… Sự xuất hiện của họ tạo nên những gương mặt điển hình, trong đó có dáng dấp người phụ nữ. Nhìn lại các tác phẩm văn học thời ấy, hình ảnh người đàn bà thời hậu chiến hầu như chỉ hiện diện qua quan sát của người đàn ông. Xuất phát từ cái nhìn ấy mà đôi khi hình tượng phụ nữ trong văn học có phần bị co hẹp lại. Hoặc được bảo toàn hóa trong vòng thiên chức của mình, hoặc trở thành đối tượng gợn cái nhìn về nhân cách, cuối cùng để đề cao lòng chung thủy, ca ngợi vẻ đẹp nhẫn nhục của người phụ nữ.

Phải đến cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, khi Nguyễn Thị Thu Huệ cùng một số cây viết như Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban… xuất hiện, văn chương Việt Nam như đón luồng gió mới. Giống như họa sĩ khắc họa gương mặt của mình, tác phẩm văn học khi đó bắt đầu có cái nhìn rõ hơn về thuộc tính nữ. Ở chiều sâu của nó, các tác giả nữ đã thách thức hình dung phổ biến bấy giờ về nam tính và nữ tính. Nhân vật không hẳn là gai góc, không bày tỏ sự nổi loạn khi ý thức mạnh về bản thân mà quay về bản gốc, căn tính của mình. Trong sắc màu hiện thực đời sống xã hội, họ được phác họa mang hình bóng thuần túy nhưng thường cô đơn, không được giải tỏa, không được lắng nghe và chia sẻ. Có thể thấy, tiếng nói chuyển mình của văn chương bấy giờ đã cho cái nhìn về người phụ nữ toàn vẹn hơn.

Người đọc gặp lại biến đổi của xã hội Việt Nam suốt hai thập niên qua trong tuyển tập truyện ngắn mới của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Đó cũng như một gợi nhớ về không khí văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới. Có ý kiến cho rằng, nền văn học nào, nhà văn nào cũng cần có “của để dành”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã thực sự có “của để dành”, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng đời sống xã hội luôn đòi hỏi chiều sâu trong văn chương, tâm thế của độc giả cũng cần nhiều hơn thế. Như nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: “Đời sống văn học giờ đây thay đổi rất nhiều. Một thế hệ nhà văn nữ cùng thời với Nguyễn Thị Thu Huệ bắt đầu dừng lại, một số người không viết nữa, một số chuyển sang thể loại khác, nhường sân khấu cho thế hệ 7x, 8x xuất hiện. Nhưng tôi hy vọng tương lai gần, văn chương sẽ có thêm “của để dành” nhờ sức sáng tạo không ngừng của các thế hệ nhà văn…”.

Hải Đường