“Sâu rễ bền gốc”

Quỳnh Chi 07/04/2018 08:12

Kết quả 3 trong số 6 chỉ số nội dung cơ bản của bộ chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) mới được công bố gần đây dù có “bước tiến” và “bước lùi” khác nhau nhưng đều phản ánh một thực tế: Sự công khai, minh bạch ở cấp cơ sở - cấp gần dân nhất, nơi mà mối quan hệ tương tác giữa người dân với chính quyền diễn ra thường xuyên nhất, trực diện nhất - vẫn còn rất thấp.

Cụ thể là, so với kết quả năm 2016, kết quả đo lường của năm 2017 cho thấy, 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tiến bộ trong chỉ số huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở nhưng lại có đến 14 địa phương thuộc diện giảm sút. Chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có 15 tỉnh, thành phố có tiến bộ nhưng số địa phương giảm sút cũng lên tới 11 tỉnh, thành phố. Với chỉ số về trách nhiệm giải trình với người dân, con số địa phương có tiến bộ đạt cao nhất, lên tới 27 tỉnh, thành phố nhưng số địa phương thuộc diện giảm sút cũng cao nhất, lên tới 18 tỉnh, thành phố.

Cần lưu ý rằng, các chỉ số thành phần của 3 chỉ số nội dung này mới chỉ là những lát cắt, tập trung vào những lĩnh vực, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân mà họ có thể cảm nhận được một cách đơn giản chứ chưa phải là những đánh giá, đo lường mang tính chuyên sâu. Nhưng cũng chính vì thế mà sự công khai, minh bạch ở cấp cơ sở càng trở nên đáng lo hơn.

Đơn cử như chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương chỉ tập trung đo lường hiệu quả của chính quyền cơ sở trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân đối với 3 lĩnh vực gồm: Danh sách hộ nghèo, ngân sách cấp xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá bồi thường thu hồi đất. Mặc dù cả 3 chỉ số thành phần đều “tăng nhẹ” nhưng tỷ lệ người trả lời cho biết họ tin vào tính chính xác của thông tin về thu chi ngân sách đã công bố hầu như không thay đổi qua hai năm (2016 và 2017); tỷ lệ người trả lời cho biết họ có dịp góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương ở mức cực kỳ thấp khi chỉ có khoảng 4% trong cả hai năm (2016 - 2017); việc sửa đổi quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất ở địa phương vẫn gây ảnh hưởng bất lợi tới người dân. Điều đáng nói là, kết quả của cả 3 chỉ số thành phần này trong hai năm 2016 - 2017 đều thấp hơn những năm trước đó. Và ngay cả địa phương đứng đầu bảng về công khai, minh bạch thì cũng mới chỉ đạt 6,47 điểm, thấp hơn nhiều so với thang điểm 10.

Những con số, xu hướng trên đây cũng cho thấy, công khai, minh bạch hiện vẫn đang là khâu rất yếu trong quản trị công ở nước ta, đặc biệt là đối với chính quyền cấp cơ sở, dù các văn bản pháp luật về vấn đề này là không hề ít. Thậm chí, chúng ta còn có hẳn một Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được UBTVQH ban hành từ tháng 4.2007 quy định rất rõ: Những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung phải công khai để nhân dân bàn, quyết định; những nội dung phải công khai để nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát và trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, thôn, tổ dân phố…

Rõ ràng, cần thiết phải tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết những “lỗ hổng” cả về pháp lý và thực tế trong việc thực hiện công khai, minh bạch của chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở, từ đó, xác lập những cơ chế, những công cụ hiệu quả hơn, bảo đảm tiếng nói của người dân thực sự hiện diện trong mọi công việc điều hành, quản lý, quyết định của chính quyền.

Công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đó không chỉ là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước mà hơn hết chính là kế sách “sâu rễ, bền gốc”, xây dựng và củng cố sức mạnh của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân từ cấp chính quyền gần dân nhất.

Quỳnh Chi