Loa kèn tháng Tư
Ít nhất, tôi đã bắt đầu nhận thấy tháng Tư đã về, khi người đàn ông của tôi tìm đến cùng với một bó loa kèn búp trắng. “Anh có thể xin em một bát mì được không?”/ “Không, em có thể nấu một bữa cơm”...
Mùi gạo mới đang sôi lục bục trong nồi gặp phải những con phố nhỏ ngoằn nghèo cứ loanh quanh luẩn quẩn mãi không tan mà rỉ rách bò lan trong không khí. Bấy nhiêu đủ làm xao lòng những kẻ bị đô thị cuộn xô vào chuỗi tất bật đến độ mặc nhiên đóng vai du mục trong chính thành phố của họ. Đồ ăn nhanh và những thức món bày biện trên bàn trải khăn trắng muốt nhanh chóng biến cuộc sống con người thành ngắn ngủi, khi người ta quên hẳn rằng bữa cơm không chỉ là bổ sung nhiên liệu theo chu kỳ để tồn tại, mà còn là một hoạt động cần được thụ hưởng để tiếp thêm năng lượng sống từ tình cảm gia đình.
Có một sự khác biệt triệt để giữa các thế hệ, giữa nông thôn và thành thị trong việc ăn uống mà tôi vẫn thường nói vui là những nghi lễ phức tạp hàng ngày. Núi giấy A4 chạy sầm sập tuôn ra từ máy in liệt kê hàng tỉ đầu việc phải hoàn thành luôn là lý do chính đáng nhất để tôi trốn chạy khỏi những nồi canh có thời gian hầm xương không dưới 6 tiếng, những món salat hoa lá cong queo chẻ cành gọt dáng công phu, những mâm cỗ truyền thống tám bát tám đĩa và cả những bữa cơm tám thơm đầy đủ rau cá thịt mẹ bày biện sẵn...
Ẩm thực là một thứ tôn giáo mà kẻ vô thần nhất cũng không thể nào chối bỏ. Và thói quen hành lễ của mỗi dân tộc hay cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào tư duy sống. Tôi phó mặc cho mình trôi nổi theo văn hóa du nhập hổ lốn của những đô thị luôn luôn vật lộn với dòng chảy di cư và quằn quại phát triển, mỗi ngày đều tích hợp vào trong những khác lạ ồ ạt nhiều chiều.
![]() |
“Mẹ tôi không ngớt nhắc đi nhắc lại rằng mỗi gia đình cần phải ổn định từ những bữa cơm hàng ngày, và người đàn bà cần phải học làm chủ trong chính ngôi nhà của mình với thói quen duy trì một căn bếp ấm áp đủ đầy...” |
Cơm bụi một xào hai luộc khuyến mại canh nhanh chóng trở nên thất thế khi các cô nàng công sở nhận ra chế độ ăn “low carb” (ít tinh bột) là bí quyết của vòng hai huyền ảo. Nhưng những tích cực thái quá của việc triệt tiêu cơm khoai bún phở cháo mì lại chỉ mang đến những xây xẩm mặt mày khi tuyến tuỵ thiếu trợ thủ để sản sinh Insulin đường huyết. Cơ thể được sinh ra và nuôi dưỡng bởi nền văn minh lúa nước bốn nghìn năm cơm gạo biểu tình trước những đổi thay cố ý luôn luôn méo mó và phản khoa học của chủ nhân vô trách nhiệm. Thay chỗ 60% tinh bột trong khẩu phần Á Đông hàng bữa là bia rượu tràn lan trước mỗi lúc đặt bút ký hợp đồng, hay những bữa ăn sặc mùi nướng rán trong những cuộc bù khú kéo dài hàng tiếng đồng hồ với bạn bè - như một sự gia ân cho bản thân sau ngày dài căng thẳng. Trái ngược với những rỉnh rang đó là triền miên sáng nhịn trưa nhịn, bữa lửng ngày thường đến vào hai giờ chiều khi mắt dán vào bàn phím và tay xúc cơm rang vội trong những hộp xốp sũng dầu mỡ. Khi các hàng quán đa đạng đủ loại đồ ăn lẫn đủ loại thành phần, các nhà nghỉ và các hãng taxi làm việc tẹt ga cho những kẻ “tranh thủ” đeo khẩu trang đi tìm khung trời riêng vài tiếng, thì đồ ăn nhanh và Pizza “mua 1 tặng 1” chuyển đến tận nơi dường như chỉ dành cho hai dạng người: Hoặc vật vã chạy đua với thời gian cho những dự án đang đi vào giai đoạn nước rút; hoặc quá tẻ nhạt, lười nhác và an phận đến độ không muốn nhấc chân ra khỏi cánh cửa văn phòng để hít thở chút không khí khác lạ không bóng dáng đồng nghiệp.
Những bất ổn trong sinh hoạt ẩm thực của tôi thường trực đến độ mặc nhiên trở thành một “tập quán”. Tôi vịn vào café tan để qua nhiều ngày, rồi lại đốt cho hết buổi tối trong các quán ăn mà thực đơn và giờ ăn chắc chắn phản khoa học. Bản năng của con thú bị thương muốn tìm chỗ trốn để tự chạy chữa vết thương cho mình khiến tôi giấu nỗi cô đơn vào trong đám đông thay vì tìm về bên mái ấm với những tinh tươm ngon lành chờ sẵn. Mẹ tôi không ngớt nhắc đi nhắc lại rằng mỗi gia đình cần phải ổn định từ những bữa cơm hàng ngày, và người đàn bà cần phải học làm chủ trong chính ngôi nhà của mình với thói quen duy trì một căn bếp ấm áp đủ đầy. Tôi an toàn tuyệt đối trong những bữa cơm nóng hổi ngon lành mẹ nấu, nhưng lại tự ti trước bức tranh hiền hòa vững chãi đến bình thản khắc họa hình ảnh mẹ ngồi bên ấm trà nghi ngút khói, một tay đặt lên đầu con mèo đã được bố tắm sạch trắng như bông, và bình hoa hồng mới cắt từ chậu rộ nụ hàm tiếu tỏa hương thơm nức. Đời sống đô thị với quá nhiều áp lực thời cuộc, những phức tạp trong lựa chọn lứa đôi, bạn bè hay đối tác, và cả những dằn vặt tích hợp mà mỗi ngày mới đều là một bài học mới đè nặng lên quan niệm về giá trị sống của thế hệ hiện tại tiếp diễn.
Sếp Tây sang Hà Nội. Câu hỏi đầu tiên: “Hà Nội vẫn mưa à? Tháng trước cũng mưa, tháng này cũng mưa là sao?”. “Đúng! Mưa cả tháng nay rồi, không những thế còn ẩm ướt suốt cả tháng, tủ lạnh cũng vã mồ hôi ra ấy chứ!”. “Thế ở Hà Nội số người tự tử có nhiều không?”. “Không! Sao tự nhiên lại tự tử”. “Mày (you) có chắc không? Vì ở Mỹ khảo sát ở những bang có tỷ lệ tự tử rất cao cho thấy mùa mưa và sương mù nhiều khiến người ta thấy ảm đạm và chán nản”. “Không đâu! Ở Hà Nội mà mưa và lạnh nhiều người sẽ trốn làm ở nhà ăn cơm với muối vừng và cá kho, sau đó nằm ôm nhau xem tivi. Dân số còn tăng ấy chứ, chẳng vơi đi tý nào đâu”...
Những đoạn mưa. Tôi lang thang trên phố. Nói dối có hẹn ăn cơm công việc khi màn hình điện thoại hiện lên số gọi từ “Mẹ” đổ dồn. Những trầm cảm có thật khi vắng mặt trời lâu ngày bị đè nghiến bởi những nhủ thầm lý trí rằng tâm trạng rụng rơi chỉ là cái bóng của “nhàn cư vi bất thiện”. Rằng những hùng hục cuốc đất gánh phân của cuộc sống khăn khó nếu xảy ra chắc chắn sẽ đánh bay những căn bệnh tâm lý xa xỉ đã được gọi tên bằng khoa học Tây phương. Hài kịch hóa bi kịch là một kỹ năng không thể thiếu trong công cuộc sinh tồn nơi đô thị, nhưng ngay cả trong những cơn say sâu nhất, tôi vẫn nhận ra dù hài hước đến đâu - cuộc sống cô đơn với quá nhiều giá trị ngược đảo cũng vẫn khiến những người phụ nữ độc lập khó có thể không hoang mang trên con đường chống chọi mọi áp lực một mình.
Mẹ tôi đã thôi càu nhàu về đứa con gái như cánh chim bay lạc giữa trời chiều. Thay vào đó, bà leo lên Facebook và đăng ảnh các món ăn được chế biến tinh tươm ngon lành vào những lúc dạ dày tôi đang gào réo như cách mà người ta nhử chuột. Những đồ ăn được sơ chế sẵn cũng được chất ních đầy tủ lạnh nhà riêng của tôi như một sợi dây trói ngọt ngào mà chắc chắc siết thẳng vào lương tâm, buộc tôi phải rời bỏ những cuồn cuộn công nghiệp hay ảo tưởng sợ hãi đơn côi mà chui lủi vào đám đông ồn ào mỗi tối.
Mẹ tôi nói đúng. Người đàn bà cần phải học làm chủ trong chính ngôi nhà của mình với thói quen duy trì một căn bếp ấm áp đủ đầy. Những người đàn bà mà tôi đã chép lại hình ảnh của họ trong đầu và trong đời đều là những nhà quản trị ẩm thực tài ba. Và quyền năng của phụ nữ, sự bình yên và tự chủ - cũng là những việc có thể tìm thấy trong bếp.
Ít nhất, tôi đã bắt đầu nhận thấy tháng Tư đã về, khi người đàn ông của tôi tìm đến cùng với một bó loa kèn búp trắng.
“Anh có thể xin em một bát mì được không?”
“Không, em có thể nấu một bữa cơm”.
Thành phố tối nay sẽ vắng đi một kẻ cơm đường cháo chợ. Chỉ đơn giản là một bữa chiều và hoàn toàn có thể chỉ có như vậy. Nhưng rất lâu rồi, tôi mới chợt nhìn thấy đời còn dễ thương…