Ấn tượng về Thủ tướng Phan Văn Khải ở nghị trường Quốc hội

Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Song Hà ghi
19/03/2018 08:50

Dấu ấn của Thủ tướng Phan Văn Khải tại diễn đàn QH gắn liền với Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 1999 là bước đột phá trong xây dựng pháp luật của nước ta vì từ trước tới nay, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự được coi trọng. Tuy nhiên, khi trình dự án Luật ra QH, Chính phủ đã báo cáo khá tỉ mỉ, chặt chẽ. Trong quá trình QH thảo luận, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng báo cáo, giải thích nhiều nội dung cụ thể mà ĐBQH đặt ra đối với dự luật. Nhưng trước khi QH biểu quyết thông qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu trước QH với tinh thần cởi mở và tư duy đổi mới, hoan nghênh ý kiến của các ĐBQH, cảm ơn QH và khẳng định, Chính phủ đã cố gắng tiếp thu tối đa ý kiến của QH.

Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trước Quốc hội
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trước Quốc hội

Quá trình chuẩn bị, soạn thảo dự án Luật này cũng không hề đơn giản, gặp nhiều rào cản từ nhận thức của cơ quan quản lý và nhận thức của cả cán bộ, các cơ quan có liên quan. Lúc đó, chúng ta có ý tưởng, mong muốn xây dựng một đạo luật đối với doanh nghiệp nhưng chưa có thực tiễn cuộc sống. Trong suốt quá trình này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kiên trì lắng nghe ý kiến đóng góp và chỉ đạo nghiên cứu rất sâu sắc để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Tinh thần cốt lõi của đạo luật này còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, đó là, phải coi trọng các thành phần kinh tế trong xây dựng đất nước, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Hạn chế lúc đó là trong quan niệm, chúng ta vẫn coi trọng doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước, có “hé” mở ra doanh nghiệp tư nhân nhưng chưa hoàn thiện. Nhưng tư tưởng đổi mới thể chế pháp lý về kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải được các ĐBQH ủng hộ nhiều, bởi từ thực tiễn cuộc sống, từ ý nguyện của cử tri, các đại biểu đã nhận thức được rằng, muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển kinh tế nhiều thành phần, mô hình, loại hình và phải tạo điều kiện, tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển.

Tôi và ông Phan Văn Khải có 5 nhiệm kỳ cùng là Ủy viên Trung ương và nhiều năm cùng là ĐBQH. Trong hoạt động của QH, ông Phan Văn Khải đã có dấu ấn rất quan trọng trong việc tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng như truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên họp này. Đó là vào kỳ họp giữa năm 1994 của QH Khóa IX, chúng ta bắt đầu có chủ trương tiến hành truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của QH. Đây có thể nói là sự kiện rất quan trọng trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị của nước ta. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải bàn với lãnh đạo QH để triển khai. Ở thời điểm đó, ngoài ý kiến đồng tình cũng có nhiều ý kiến phản đối. Họ lo ngại, nếu truyền hình trực tiếp khi người hỏi, trả lời nói thoải mái làm lộ bí mật quốc gia thì sao, hay trả lời của Bộ trưởng, kể cả Thủ tướng nếu có sơ suất trong trình bày trực tiếp sẽ bị đánh giá thấp, mất uy tín… Trước các vấn đề đặt ra, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải rất thận trọng. Sau khi nghiên cứu Đề án Truyền hình và phát thanh trực tiếp trả lời chất vấn đã được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải không phản đối và đã đồng tình ủng hộ cho triển khai.

Có thể nói, ông đã vượt qua e ngại của các thành viên Chính phủ lúc đó về trả lời chất vấn trước QH và thể hiện là một con người có tư duy đổi mới. Kể từ sau đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại QH được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã được thực hiện thường xuyên hơn và đến nay, đã trở thành phiên họp được đông đảo cử tri cả nước chờ đợi.

Trong thời gian ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, có vấn đề được ĐBQH liên tục chất vấn liên quan đến điện nông thôn. Trước đó, do nhu cầu điện của nông thôn rất lớn mà Nhà nước không có tiền để đầu tư nên nông dân cả nước đã đóng góp một số tiền rất lớn. Nhưng về sau, tình hình tài chính của đất nước đã tương đối ổn định. Nông dân cho rằng, họ cũng phải trả tiền điện như người dân ở thành thị là không công bằng bởi ở thành thị thì người dân không phải đầu tư lưới điện. Cử tri kiến nghị Nhà nước phải giải quyết thỏa đáng, công bằng vấn đề này.

Trong 4 kỳ họp trước đó của QH, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư đã trả lời chất vấn về vấn đề này nhưng với thẩm quyền của mình, Bộ trưởng không thể trả lời thấu đáo, không thể giải quyết được kiến nghị của cử tri. Với trách nhiệm và tình cảm của mình, tôi đã thuyết phục Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp trả lời vấn đề này trước QH. Lúc đầu, Thủ tướng cũng có ý để Phó Thủ tướng trả lời nhưng sau đó, đã triệu tập cuộc họp gồm các thành viên Chính phủ có liên quan để chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn. Và tại Phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị QH đồng ý chủ trương trả lại số tiền đóng góp đầu tư điện lưới cho nông dân theo phương thức: Trước hết đầu tư vào nâng cấp đường điện nông thôn, còn lại sẽ tiếp tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng nông thôn. Ý kiến này của Thủ tướng đã được QH nhất trí và rất hoan nghênh, ủng hộ cao. Sau Phiên chất vấn ấy, tôi đã tổ chức gặp gỡ các phóng viên báo chí và nói rằng, đây là bài phát biểu hay nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải trong 20 năm qua.

Vũ Mão - <i>Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại</i><br>Song Hà ghi