Bài 3: Hội Chèm còn đó nét xưa

Hồng Nhung - Thái Minh 07/03/2018 09:20

Đình Chèm không chỉ thâm nghiêm, cổ kính mà còn là chứng tích về một vị anh hùng tài đức có công dẹp giặc cứu nước. Gắn với đình làng, hội Chèm từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội cổ, gồm nhiều nghi lễ đặc trưng cho nét sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng. Dân gian tới giờ còn lưu truyền: Thứ nhất là hội cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm.

>> Bài 2: Truyền thừa nét đẹp

>> Bài 1: Không thể thiếu múa bồng

Phù sa văn hóa sông Hồng

Không giống phần lớn lễ hội miền Bắc chủ yếu diễn ra vào dịp Giêng, Hai, hội Chèm (phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được tổ chức giữa cái nắng đổ lửa của tháng Năm Âm lịch. Chính hội ngày 14 - 16 nhưng việc làng đã bàn giao ngay từ đầu năm. Theo các cụ xưa, hội Chèm do ba làng kết nghĩa tổ chức. Làng Chèm thờ chính gọi là anh cả, làng Hoàng Xá và Hoàng Liên thờ vọng gọi là anh hai, anh ba. Xưng hô như vậy để thể hiện nghĩa tình của dân làng với nhau, cũng là thuận tiện cắt cử công việc. Trung tâm của lễ hội là đình Chèm, có niên đại khoảng 2.000 năm, thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng - đức thánh Chèm. Chính hội nhằm ngày thánh rước sắc phong về quê hương sau khi sang giúp Tần Thủy Hoàng đánh Hung Nô, được Thục An Dương Vương phong tước Đại vương.

Từng hoa văn, câu đối trong đình giúp người dân hiểu về truyền thống, duy trì giá trị đặc sắc của hội Chèm Ảnh: Thái Minh
Từng hoa văn, câu đối trong đình giúp người dân hiểu về truyền thống, duy trì giá trị đặc sắc của hội Chèm
Ảnh: Thái Minh

Hơn 8 năm làm công đức tại đình Chèm, thủ từ Lê Văn Hiệu cho biết, nhân dân bây giờ vẫn tổ chức hội làng cơ bản theo truyền thống. Ngoài tưởng nhớ ngày thánh nhận sắc phong, lễ hội vào tháng 5 là mùa nước trên sông Hồng để ghi ơn trị thủy của đức thánh. Con sông nước dữ năm xưa được thuần hóa giúp người làng bảo vệ đất đai trồng trọt. Ngày lễ hội, đoàn thuyền rước nước đi dọc sông, từ làng anh cả đến làng anh hai, anh ba, sau đó ra đến khúc giữa, xoay ba vòng rồi dừng lại, thả vòng càn khôn xuống để chặn nước. Chủ tế dùng gáo đồng múc nước vào chóe, mỗi chóe 3 gáo, chóe nào dùng gáo của chóe đó. Kỳ lạ là nước sông Hồng vốn đục phù sa nhưng nước trong vòng càn khôn lại rất trong. Nước ấy rước về đình chuẩn bị cho nghi thức bao sái - tắm tượng đức ông, đức bà.

Từng lễ nghi trong hội Chèm, từng chi tiết của ngôi đình cổ kính đều nối kết với con sông, với lối canh tác bao đời của cư dân nông nghiệp. Phù sa của sông Hồng bồi đắp sản vật nuôi sống con người và kết tụ thành chất phù sa văn hóa. Thủ từ Lê Văn Hiệu bảo, đình chùa các nơi thường kiến trúc đăng đối, riêng đình Chèm thì không. Bức cốn trước cửa chính nhà đại bái chạm khắc hoa văn cá chép hóa rồng, trong thì bên long ly quy phương, bên lại là phượng tha thơ, rồng hút nước. “Hình dung đến cả con cá cũng theo dòng nước đi lên. Cả tích cổ người xưa gửi vào đó. Gắn với hoạt động trong lễ hội để nói lên ước muốn của con người”. Nghi lễ thả chim bồ câu trong hội Chèm vì vậy cũng mang câu chuyện khác với hình thức thả chim hòa bình như nhiều người lầm tưởng. Ngày trước các cụ thi thả chim, đặt chậu nước hoặc mâm đồng to ở dưới, theo dõi từng đàn chim lượn thành vòng tròn tít trên trời cho đến khi bay đi. Đó vừa làm vui ngày hội, cũng là nét độc đáo cầu cho quốc thái dân an và thể hiện tấm lòng vọng về quê hương bản quán.

Giữ giá trị căn cốt

Khỏa chèo mình ngập bến Chèm/Viếng Lý Ông Trọng hoa chen mái đình/ Giò Chèm ai gói xinh xinh/ Chè kho, cháo cái đậm tình quê hương. Theo Trưởng ban quản lý di tích đình Chèm Nguyễn Mạnh Thìn, câu thơ nói lên nét đặc sắc của hội làng Chèm. Đặc trưng là ngày lễ hội chỉ cúng chay, gắn với lễ Phật. Đồ cúng chủ yếu là món chè kho đặc sản làng Chèm và hoa quả. “Lễ hội có nghi thức cúng phát tấu (cúng Phật) mang ý nghĩa cầu mong cho các linh hồn chiến sĩ tử trận được siêu thoát. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa đạo Phật với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nghĩ về các vị anh hùng có công với nước”. Thủ từ Lê Văn Hiệu cho biết thêm, lễ hội bây giờ nhiều nhà vẫn mang đồ mặn ra cúng thánh. Họ cho rằng cả năm mới có một ngày hội, con cháu anh em xa gần về làm mâm cỗ, trước cúng thánh, sau ăn, bảo đó là tự do tín ngưỡng. “Như vậy là không hiểu. Trong lễ hội, cái nào không phù hợp thì xóa bỏ, truyền thống tốt đẹp phải duy trì”, ông Hiệu nói.

Đời sống mới, nhiều nếp lễ nghi hội Chèm cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Chẳng hạn trước kia ngay từ sau Tết, 3 làng đã chọn ra người có uy tín, thạo văn chương để giao trọng trách tả văn. Đến ngày hội phải tổ chức lễ rước văn từ nhà người đó ra đình. Đến giờ, không có người tả văn như vậy, đành lấy văn người xưa gửi trong chùa rồi tổ chức rước từ chùa ra. Hay theo lời các cụ, hội Chèm xưa bao giờ cũng có thi thả diều trên đê, đặc sắc nữa là thi bơi chải trên sông Hồng. Ba làng anh em, mỗi làng cử hai đội thi, thắng giải được cờ. Sông Hồng cuồn cuộn nước, trai tráng bơi chải thể hiện sức khỏe của cư dân vùng ven sông, cũng là cầu cho mưa thuận gió hòa. Nét đẹp này nhiều năm chưa khôi phục được. “Bây giờ một số cái muốn khôi phục cũng khó. Chải ngày xưa để ở kho đình, giờ không giữ được cũng không làm mới được nữa và nhân lực cũng ít”, trưởng ban Nguyễn Mạnh Thìn trăn trở.

 “Tam hương đăng hỏa dẫn phong thanh”, tức 3 làng cùng hương khói, phụng thờ ngài, được khắc trên đình Chèm như một lời nhắc các thế hệ con cháu giữ nét đặc sắc của lễ hội. Đó không những thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn góp phần củng cố các mối quan hệ xã hội, giữ tinh thần đoàn kết làng xã. Nhiều biến đổi nhưng các giá trị căn cốt vẫn được giữ gìn. Bà Phạm Thị Hồng, người làng Chèm chia sẻ: “Lễ hội đình Chèm luôn thu hút đông đảo người dân của cả 3 làng. Ai cũng nhiệt tình và đầy tự hào khi được công đức kinh phí, đóng góp công sức để mở hội làng”.

Trải qua thăng trầm thời gian, đình Chèm vẫn thâm nghiêm nhìn ra sông Hồng. Với nhân dân nơi đây, cùng nhau gìn giữ mái đình, lễ hội, chính là bảo tồn tín ngưỡng linh thiêng, trọn tình cảm với mảnh đất quê hương của vị thánh Chèm được dân làng thờ cúng.

Hồng Nhung - Thái Minh