Rộn ràng điệu múa tứ linh

Ngọc Phương 03/03/2018 09:05

Mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh các cụ già râu tóc bạc phơ khăn áo chỉnh tề, mang theo đầu rồng, đầu lân, trống chiêng... đi đến khắp các đình, đền, di tích, lễ hội, đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Đó chính là đội múa tứ linh, dùng hình tượng linh vật mang tới không gian vui tươi...

Múa tứ linh bắt nguồn từ bốn linh thần gồm Thanh Long - Bạch Hổ - Huyền Vũ - Chu Tước, biểu trưng cho bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương trời là các nguyên tố tạo thành trời đất (lửa, nước, đất và gió). Theo nhà nghiên cứu Lê Ngọc Canh: “Múa tứ linh vừa là trò diễn vừa là trò chơi phổ biến ở kinh thành Thăng Long từ lâu đời. Dưới triều Nguyễn, Đào Duy Từ sửa lại để múa ở cung đình trong các lễ Vạn Thọ, Hưng quốc khách niệm, Thánh thọ, Tiên thọ, Thiên xuân và cúng mụ với ý nghĩa đất lành chim đậu, đất nước bình an”.

Trong múa tứ linh, đầu những con vật làm bằng giấy bồi vẽ sặc sỡ, cánh và mình làm bằng vải hoặc lụa, thêu kim tuyến và chỉ ngũ sắc. Các “diễn viên” khoác trên mình “trang phục” hình linh vật và diễn tả những động tác tiêu biểu của long - ly - quy - phượng. Múa tứ linh không có lời hát đi kèm, mà gồm các động tác biểu diễn nhịp nhàng theo nhạc bát âm.

Đội múa tứ linh Đục Khê Ảnh: Ng. Phương
Đội múa tứ linh Đục Khê Ảnh: Ng. Phương

Ngày nay, nhiều nhóm ở các địa phương vẫn duy trì múa tứ linh truyền thống. Trong đó, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội có 3 đội tứ linh, đặc biệt có đội tứ linh đền Đục Khê chỉ toàn “diễn viên” cao tuổi. Ông Phạm Văn Hải, đội tứ linh thôn Đục Khê cho biết: “Không biết múa tứ linh có từ bao giờ, nhưng ông cha chúng tôi truyền lại rằng, tướng Cao Viết Minh thời Vua Hùng đi đánh giặc về qua, đã dạy dân làng làm dâu, chăn tằm, trồng trọt... và múa tứ linh. Các điệu múa cổ từ xưa truyền lại, lớp trước dạy cho lớp sau để giữ gìn. Chúng tôi là lớp con cháu bao nhiêu đời, cứ theo truyền thống quê hương mà tiếp nối di sản cha ông để lại”.

Tết đến, xuân về là lúc nghỉ ngơi, đoàn tụ sum vầy của mọi người, mọi nhà, thì các thành viên Đội múa tứ linh thôn Đục Khê tất bật khai xuân quanh làng, mồng 5 biểu diễn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mồng 6 khai hội chùa Hương, rồi các hội làng xung quanh... đến hết tháng Giêng. Đội múa tứ linh thôn Đục Khê từng được mời đi biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành như: Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình... Trong 45 thành viên, cụ Phạm Văn Thưởng lớn tuổi nhất (87 tuổi). Cụ cho biết: “Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, không còn sung sức, nhưng vì muốn lưu giữ điệu múa cổ truyền và mang Tết, mang xuân đến mọi người, mọi nhà, nên tôi vẫn theo đội và chơi nhạc để các thành viên khác biểu diễn. Tôi rất vui và tự hào được biểu diễn trong các ngày lễ hội của làng, của nước”. Còn ông Phạm Văn Hải, 68 tuổi, chia sẻ: “Trước kia bố tôi cũng từng trong đội, và tôi nối tiếp nghiệp cha. Ngoài biểu diễn, tôi và một số thành viên trong nhóm tự làm các bộ đồ múa tứ linh để thay thế khi bị hỏng. Làm theo cách các cụ xưa truyền lại, mỗi bộ phải gần một tháng mới xong, nhưng nếu mua thì không ai bán, và cũng không biết mua ở đâu...”.

30 năm gắn bó cùng đội múa biểu diễn trong các ngày lễ thánh, lễ khai xuân, ngày tiệc, ngày Tết... ông Trịnh Văn Binh, 70 tuổi, thường làm nhiệm vụ điều khiển phần đầu rồng. Biểu diễn phần này mệt hơn những linh vật khác, vì người thực hiện phải nâng đầu rồng khá nặng (15 - 20kg), phải chạy nhanh hơn, lượn vòng nhiều hơn... “Tuy nhiên, lại được thỏa sức tạo ra những màn múa đẹp mắt, khiến mọi người thích thú. Múa rồng đẹp, phải thực hiện được các động tác để rồng bám theo hòn ngọc, đầu ngả nghiêng cho sống động” - ông Trịnh Văn Binh nói.

Tuy nhiên, dù nâng đầu rồng, hay khoác lên bộ đầu lân, hình chim phượng, hay đội hình rùa trên lưng, thì để múa vài chục phút trong các lễ, hội, đều đòi hỏi sự dẻo dai, sức bền. “Hàng năm, Đội tứ linh đền Đục Khê tiếp nhận, đào tạo thành viên mới để thay những cụ già yếu. Sau khi tuyển đủ người thì bố trí như bộ đội luyện tập, sau một, hai tuần anh em thành thạo sẽ được lồng ghép cùng những thành viên cũ đi phục vụ lễ hội cho dạn dày” - ông Trịnh Văn Binh cho biết. Cứ như thế, lớp sau nối tiếp thế hệ trước, duy trì truyền thống quê hương và tạo thêm không khí vui tươi, phấn khởi cho mọi người, mọi nhà, khi Tết đến xuân về.

Ngọc Phương