Dâng hương tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu và khai hội đền Quát 2018
Ngày 2.3, tại Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu và Khai hội đền Quát năm 2018.
Đền Quát thờ Yết Kiêu, một danh tướng nhà Trần, tùy tướng của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông, làm nên chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử và được phong là “Trần triều Hữu tướng Đệ nhất bộ, đô soái thủy quân, tước hầu”.
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), phụ thân là Phạm Hữu Hiệu, người Hạ Bì, còn gọi là làng Quát (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương); thân mẫu là Vũ Thị Duyên, người làng Lôi Động, Thanh Hà, nay là làng Đồng Nổi, xã Tân An, Thanh Hà (Hải Dương).
Sinh trưởng trong một gia đình ngư dân nghèo, 8 tuổi mồ côi cha, từ nhỏ, Phạm Hữu Thế đã lặn lội sông nước bắt cá tôm. Khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, Yết Kiêu từ biệt mẹ lên đường tòng chinh và được tuyển vào thủy quân nhà Trần. Với sự mưu trí, dũng cảm, trong nhiều trận chiến, vào ban đêm, Yết Kiêu dẫn quân lặn xuống khu vực tàu thuyền giặc neo đậu, nhẹ nhàng khoan đáy thuyền, khoan đến đâu, dùng giẻ nút lỗ đến đó rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, Yết Kiêu ra lệnh cho mọi người giật dây nút lỗ khoan thuyền địch, thuyền cứ thế chìm dần, quân ta kéo đến tiêu diệt sạch quân địch. Ông đã cùng quân dân nhà Trần làm nên nhiều chiến thắng như chiến thắng Hàm Tử, Tây Kết, chiến thắng Bạch Đằng... Khi ông mất, vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng. Yết Kiêu còn được lập miếu, đền thờ ở nhiều nơi, nhưng lớn nhất vẫn là đền Quát.
Đền Quát đã trải qua hơn 700 năm lịch sử, được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đền còn nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị gắn với các truyền thuyết lịch sử như: Tượng trâu trắng và câu đối cổ “Nhập thủy như bình địa”, pho tượng phỗng đá quỳ, tượng cáo thần… Lễ hội đền Quát diễn ra vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám hằng năm. Trong khuôn khổ lễ hội, bên cạnh các nghi lễ truyền thống như tế, rước còn có các hoạt động như: biểu diễn múa lân rồng, hát văn, quan họ, bơi chải, cờ người, cờ tướng... thể hiện tinh thần thượng võ cao đẹp của dân tộc.