Không để “chuyện đã rồi”

Trực Ngôn 02/03/2018 07:45

Sự kiện tăng đột biến số GS, PGS được phong chức danh năm 2017 hay có người ví von là “chuyến tàu vét mang tên 174” (số quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS đang được thực hiện, trước khi áp dụng chuẩn GS, PGS chặt chẽ hơn ở những đợt xét duyệt sau - người viết) đang tiếp tục làm nóng dư luận. Ngày 1.3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN). Câu hỏi đặt ra là: Khi đã cẩn thận giao phó việc xét phong này cho HĐCDGSNN do Bộ trưởng GD - ĐT trực tiếp làm Chủ tịch, tại sao việc phong chức danh GS, PGS vẫn “lình xình” như thế?

Trước hết, phải thấy rằng, HĐCDGSNN mà trực tiếp là người đứng đầu Hội đồng đã thiếu nhạy cảm trong chủ trương chỉ đạo, giám sát các khâu, để xảy ra tình trạng “chuyến tàu vét” tăng đột biến. Nếu các năm trước, trung bình chỉ có khoảng trên dưới 600 GS, PGS được phong, năm 2016 khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lần đầu nắm chức Chủ tịch Hội đồng, số lượng này tăng lên 703 người, còn năm 2017 con số vọt lên 1.226, xấp xỉ gấp đôi mức trung bình các năm trước. Cách lý giải do thời gian tiếp nhận hồ sơ gia hạn thêm 6 tháng hay đây là đợt vét nên mọi người đổ xô nộp hồ sơ đều không thỏa đáng. Làm khoa học là cả một quá trình tích lũy, cống hiến, chỉ thêm 6 tháng mà số lượng GS, PGS “nở” ra gấp đôi liệu có thể coi là “chuyện đương nhiên”? Chưa kể, nếu có tâm lý “chuyến tàu vét”, thì chính HĐCDGSNN, đứng đầu là Bộ trưởng phải có giải pháp kiểm soát, chấn chỉnh từ đầu, sao lại để “chuyện đã rồi” như đã xảy ra?

Thứ hai, dư luận đang quan tâm việc rà soát, xử lý các trường hợp “có vấn đề” sẽ được tiến hành như thế nào? Theo thông tin Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp báo chiều qua, Bộ GD - ĐT báo cáo bước đầu đã phát hiện 94 trường hợp không đạt chuẩn GS, PGS nhưng vẫn được hội đồng bỏ phiếu công nhận. Chưa rõ đây là kết quả các Hội đồng báo cáo lên hay Bộ GD - ĐT chủ động “vào cuộc”? Nhưng điều đã rõ, nếu không có sự kiên quyết của Chính phủ thì mọi việc có thể đã khác. Bởi thông tin báo chí trước đó cho thấy, chỉ có một trường hợp được phát hiện từ rà soát của các hội đồng ngành. Dư luận lo lắng: Liệu có hội đồng nào lại “vác đá ghè chân mình”, tự phủ nhận kết quả đã đưa ra trước đó? Nhiều chuyên gia cho rằng: Chuẩn ban hành đưa ra hiện nay còn thấp nên việc đạt và vượt chuẩn không quá khó. Có những hội đồng ngành, các ứng viên hầu hết đều vượt trên 2 lần mức quy định điểm tối thiểu (với GS là 12, PGS là 6). Thế nhưng, đó mới là điều kiện tối thiểu, là “mức sàn” để Hội đồng xét duyệt. Cơ chế bỏ phiếu kín đặt vào các thành viên Hội đồng quyền lực và cả trách nhiệm rất lớn. Danh dự, uy tín và thái độ trách nhiệm của các thành viên hội đồng mới là “hàng rào” nghiêm ngặt, việc chọn thành viên Hội đồng thực sự là “chọn mặt gửi vàng”. Nếu “hàng rào” này lỏng lẻo, mặc định cho qua “chuyến tàu vét” thì việc xét lại các tiêu chuẩn tối thiểu như các hội đồng ngành đã làm là vô nghĩa, đối phó, thậm chí rất hài hước! Nếu Chủ tịch HĐCDGSNN cũng cứ y án các hội đồng ngành để làm báo cáo tổng hợp lên mà không tỏ rõ chính kiến, chỉ đạo rà soát nghiêm túc, thậm chí bỏ phiếu lại các trường hợp “có vấn đề” với tinh thần khoa học, cầu thị thì liệu đã tròn trách nhiệm?

Thủ tướng đã thể hiện thái độ quyết liệt, rõ ràng. Giải quyết nghiêm túc sự cố “chuyến tàu vét” như chỉ đạo của Thủ tướng là điều không dễ nhưng phải làm. Có điều, nó chỉ được thực hiện với một quyết tâm, thái độ trách nhiệm cầu thị và cả bản lĩnh của những người được giao trọng trách ở HĐCDGSNN và Bộ GD - ĐT. Nếu thiếu yếu tố đó, quá trình xử lý sẽ còn nhiều trở ngại!

Trực Ngôn