Xôi nồng đào thắm

Tùy bút của Dương Tạ 14/02/2018 11:24

(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- Giữ được một cây đào cho Tết, giữ được những thúng xôi trên phố mỗi sáng hàng ngày, không phải là giữ một cây đào hay gói xôi, mà là giữ được những giá trị lịch sử, một nền văn hóa, những giá trị nhân bản của một bản sắc, một đời sống nhân văn, lương thiện...

“Làng Gạ có gốc cây đề...”

Vào mỗi sáng sớm, rất dễ bắt gặp trên vỉa hè ngay góc ngã tư, hay lề đường nào đó trong lòng Hà Nội cảnh “xúm đông xúm đỏ”, như một vòng tròn lồi lõm mà tâm điểm là một hai thúng xôi nghi ngút khói. Có thể là ở một con phố bình dân hay trên con đường sầm uất, sang trọng nhất ở khu trung tâm. Những thúng xôi đa sắc đủ loại, tỏa cái mùi thơm ngạt ngào quyến rũ không gì sánh được.

Thứ quà sáng này đặc biệt này vừa mang chất “quà quê” vì cái gốc “nông nghiệp” của nó, lại vừa “thành thị” vì đã được đưa vào những thứ ăn kèm theo ẩm vị của các tầng lớp thị dân. Cùng với lạc, vừng, ngô, đậu là ruốc, thịt kho hay lạp sườn. Những vị thực khách gồm đủ thành phần, người làm văn phòng, viên chức, học sinh, lao động nhập cư, bà nội trợ hay bác cán bộ hưu trí bu quanh cô bán hàng vẫn còn mang dáng vẻ của người ven đô.

Xôi nồng đào thắm ảnh 1

Có những thúng xôi vắng khách, nhưng thúng xôi là cái vòng tròn “xúm đông xúm đỏ” ấy có một thương hiệu: “xôi Phú Thượng”.

Phú Thượng có ba làng, Phú Xá, Phú Gia, Thụy Tiến. Mỗi làng có một nghề, một sản vật:

“Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi
Làng Gạ đi bán bánh trôi
Làng Sù bán bún dính môi lằng nhằng”

Gạ là tên cũ của Phú Gia, hay làng Sù là tên cũ theo dân gian của một làng trong Phú Thượng.

Cái dải đất ven sông Hồng đoạn  từ Nhật Tân lên Phú Thượng không quá dài mà sao được trời ưu ái ban tặng nhiều đặc sản. Từ đào Nhật Tân đến các loại hoa trái, các đặc sản ăn uống vùng Phú Thượng, là xôi, là rượu nếp, là bánh trôi, bánh đa kê, bún...

Giống như bao nhiêu ngôi làng nghề ven hồ Tây khác như Nghi Tàm, Yên Phụ trồng hoa, hay Thụy Khê, Bái Ân, Trích Sài, Yên Thái, Hồ Khẩu dệt lụa, làm giấy ở mạn Bưởi, những ngôi làng ven đô ấy khi xưa là hình ảnh một nông thôn nơi cửa ngõ thị thành. Một “nông thôn” ngay cạnh lòng Hà Nội với những mái nhà tranh, với bụi tre xao xác tiếng gà, đường thôn ngoằn ngoèo ngõ xóm. Những ngôi chùa thờ Phật, những mái đình thờ thành hoàng, những ngôi đền, miếu thờ thánh bản thổ, am thờ thần linh, đầy đủ những thành phần không thể thiếu trong cấu trúc một làng Việt cổ truyền.

Là nông thôn, nhưng cái nông thôn ấy không “thuần nông”. Tuy có cấu trúc thôn xóm, mối quan hệ cộng đồng của một làng, nhưng đặc trưng ngành nghề, những mối quan hệ sản xuất, thương mại đã chứa đựng một vài tính chất, một vài chức năng và có mối quan hệ gần gũi với đô thị. Dần dần qua thời gian, ngôi làng vừa liên tục nhận thêm những cư dân mới ra từ nông thôn, vừa tiếp nhận thêm những cung cách sống, làm ăn và bán buôn từ thành thị, và trở thành những “làng đô thị”, là nơi sinh sống của những cư dân vừa là nông dân vừa là “tiểu thị dân” mới của một đô thị trong tương lai sau này.

Theo năm tháng, họ trở thành những “người Hà Nội” ở “bên ngoài cửa ô”. Và xóm làng cũng dần dà biến chuyển.

Những con đường làng thành ngõ, những ngôi nhà được thay mái tranh nghèo bằng ngói, xây gạch. Nhà cửa vẫn còn vườn tược, nhưng đã có những khuôn viên rõ ràng, ngăn cách bằng tường rào, sân gạch có bể cá, chậu hoa, cây cảnh với những thú chơi của thị dân. Những quán hàng xén, chợ làng, một đời sống yên bình phẳng lặng, với nghề thủ công, với những giao dịch buôn bán vặt, hay những nghề đầy chất thơ mộng như trồng hoa, nuôi cá cảnh bên cạnh những nghề “có thực mới vực được đạo” là các món ăn bình dân...

Tình người ven đô

 Khi Tết đến, mỗi chúng ta hài lòng, hớn hở vui khi chọn được cây đào ưng ý trên Phú Thượng. Mỗi sáng sớm cầm gói xôi nóng hổi trên tay thơm mùi nếp, cảm nhận được vị ngon, nhưng có ai nghĩ đến tương lai của những làng nghề, nghĩ đến điều lớn hơn chính nó, cây đào trên xe hay gói xôi đang bốc khói trên bàn tay của mình?

Xôi Phú Thượng có tự lâu đời, nhưng có một thời người ta biết đến đào nhiều hơn. Thời bao cấp mọi nguồn lương thực bị kiểm soát chặt, các thức quà bị xếp xuống hàng thứ yếu. Đất rộng người thưa, người ta trồng đào. Đất Nhật Tân hẹp dần, đào nở rộ lên Phú Thượng, nơi đất còn mênh mang, những vườn đào đậm sắc.

“Đất cằn đào đậm”, nhưng đến lúc đất cằn cũng chả còn trước làn sóng ào ào của các dự án, những khu vườn bị thu hẹp trở thành mảnh đất nhỏ nhoi, “người ta phải tận dụng cả những chỗ ven mương rạch hay bất cứ mảnh đất nào để trồng đào”. Một cuộc chiến với sự chống chọi không cân sức, bên là sự mỏng manh, nghèo khổ, bên là gã khổng lồ, ông chủ các dự án lắm tiền nhiều của đổ vào. Những con người chênh vênh, vừa buộc lòng phải bán đất, vừa phải cố giữ lại một phần nào đó cái nghề đã gắn bó cha ông để lại từ bao đời.

Những cánh đào vẫn cố “gồng mình thắm” trên mảnh đất cằn ít ỏi còn sót lại.

Với người Việt, hạt gạo như chứa chất dinh dưỡng, hương vị ngọt ngào ngan ngát của dòng sữa mẹ nuôi sống tự ngàn đời. Có thời người ta phải độn sắn, độn khoai, nhưng sức sống của nó vẫn âm ỉ, những món quà từ gạo có lúc suy tàn nhưng không bao giờ chết.

Xôi Phú Thượng là như thế.

Đào thắm trên đất cằn, nhưng xôi ngon từ đâu?

Người dân làng Gạ bảo: “Làng Gạ có cái đặc thù của nó là có mạch nước ngầm, nên dân toàn lấy nước đó nấu xôi chứ không lấy nước máy. Trong ba làng chỉ duy ngất làng Gạ có mạch nước đó”.

Cũng vẫn là chuyện nước, lúa sống nhờ nước, xôi ngon nhờ nước, cả một nền văn mình từ “lúa nước” tạo nên cơ mà!

Tất nhiên chõ xôi ngon còn do nhiều bí quyết của dân làng Gạ mới thành.

Có điều rất lạ, ngay cô bán xôi ngồi góc đường trong khu phố cổ “36 phố phường” nhìn có vẻ gì rất khác với cô hàng xôi người làng Gạ. “36 phố phường” có cái vẻ “ đáo để”, hững hờ với khách, thì gái bán xôi “làng Gạ” tay thoăn thoắt, bới, bốc, gói, miệng hỏi, tai nghe nhanh như một cỗ máy. Mộc mạc, mạnh khỏe như còn mang hơi thở ruộng đồng.

Góc phố Hàng Bài - Lý Thường Kiệt có một hàng xôi Phú Thượng rất đông khách. Ít lâu sau thấy xuất hiện cặp vợ chồng trẻ cũng dân Phú Thượng bán cách đấy một đoạn đường, đầu phố Vọng Đức. Vẻ nem nép khiêm nhường của kẻ đến sau, không dám ngồi quá gần, tránh xa một chút. Thời gian đầu chỉ bán xôi lạc vừng. Nhưng ngon không kém lạc vừng của cái hàng “xúm đen xúm đỏ” trước. Dần dần thêm xôi xéo, gấc, cho đến bây giờ thì đủ cả. Khách đông lên, so với hàng đến trước kia, cũng “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Vẫn hàng ai nấy bán. Thêm người bán, vạn kẻ ăn. Xôi ngon thì không cần đến sự kèn cựa.

Nên lại muốn nghĩ đến một nhân tố khác, là cái chất “người ven đô”.

Có cặp vợ chồng người bạn, con cán bộ cao cấp, từng sống từ nhỏ đến lúc trưởng thành ở một ngôi biệt thự trong phố trung tâm. Sau bán nhà, anh chị em chia nhau, gia đình chuyển về Phú Thượng, mua đất xây nhà ngay làng Gạ, vùng đào, và xôi.

Bạn tính quảng giao, thân ngay với nhà hàng xóm, từ cô “tiểu thư” hôm nào, giờ thành “người làng Gạ”. Chuyện nhà chuyện cửa, giỗ tết, cưới xin, qua lại như người nhà. Mỗi năm Tết đến, bạn đều tìm và chọn được cây đào ưng ý nhất cho “bạn trong phố” của mình. Tết đến, bạn mời đến ăn, thấy hàng xóm chạy sang chạy về tưởng người  thân, ruột thịt.

Bà bạn quảng giao của tôi gặp sự mộc mạc, chân tình của dân làng Gạ, chất thị thành phố cũ gặp chất ven đô, bỗng thành tri kỷ. Ai cuốn hút ai không biết, nhưng chắc chắn rằng trong đó là sự tử tế, lòng chân thành gặp nhau rồi nó cuốn hút nhau.

Đừng để “phú ông xin đổi”!

Hà Nội xưa đã từng có một vùng di sản vô cùng quý giá, là hệ thống làng nghề ven đô cũ. Những cấu trúc làng với đầy đủ di tích tín ngưỡng, kinh tế - xã hội và tính cách con người đầy bản sắc. Đấy là những giá trị nhân bản, cân bằng sinh thái và đầy tính thẩm mỹ, cả về môi trường và đời sống xã hội. Trước sự tấn công như bức tử của quá trình đô thị hóa, nhiều thứ bị tàn phá, tận diệt. Từ đất đai, cấu trúc cảnh quan, đến môi trường xã hội...

Nhưng vẫn còn những thứ do nhu cầu của con người dù trong thời đại mới vẫn không thể rời bỏ, là nhu cầu hưởng thụ và cũng là nhu cầu sinh sống, nên nó vẫn được tồn tại.

Những mảnh vườn đào cuối cùng còn sót lại, nhỏ nhoi của mỗi gia đình, hay những khu đất lớn chờ dự án mà người dân tranh thủ “được vụ nào hay vụ ấy”. Những thúng xôi mỗi buổi sớm hàng ngày chảy vào trong phố, như là một cuộc tranh đấu sinh tồn, mà như mang trong đấy cả một trọng trách, cái đáng ra phải là của toàn xã hội, chứ không phải chỉ trên vai những người dân làng nghề trong thân phận nhỏ bé phải oằn mình lên.

Khi Tết đến, mỗi chúng ta hài lòng, hớn hở vui khi chọn được cây đào ưng ý trên Phú Thượng. Mỗi sáng sớm cầm gói xôi nóng hổi trên tay thơm mùi nếp, cảm nhận được vị ngon, nhưng có ai nghĩ đến tương lai của những làng nghề, nghĩ đến điều lớn hơn chính nó, cây đào trên xe hay gói xôi đang bốc khói trên bàn tay của mình?
Giữ được một cây đào cho Tết, giữ được những thúng xôi trên phố mỗi sáng hàng ngày, không phải là giữ một cây đào hay gói xôi, mà là giữ được những giá trị lịch sử, một nền văn hóa, những giá trị nhân bản của một bản sắc, một đời sống nhân văn, lương thiện.

Một khi người ta không còn mảnh đất trồng đào, không còn chỗ dung thân để sống với cái nghề truyền thống và sống được, họ sẽ đi về đâu?

Cố mà gìn giữ “nắm xôi” cho người thân. Quý lắm!

<i>Tùy bút của</i> Dương Tạ