Mô hình quản lý công mới (NPM)
Đây là trào lưu quản lý vận dụng cơ chế thị trường, áp dụng các nguyên tắc quản lý doanh nghiệp trong các hoạt động cung ứng dịch vụ công, đặc biệt quan tâm đến sự lựa chọn và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Trào lưu này bắt đầu vào cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980 khi khu vực công nhiều nước bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng, hướng tới tính hiệu suất theo nguyên lý thị trường, áp dụng các mô hình quản lý và công nghệ mới; từ đó đặt ra yêu cầu các hệ thống công vụ phải tăng cường năng lực, nâng cao trách nhiệm giải trình và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân - khách hàng của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
![]() |
Nhiều nước đã tiến hành cải cách công vụ sâu rộng, theo định hướng thị trường, với một số tiêu đề như: Tư nhân hóa, phi quy chế hóa, tự do hóa, doanh nghiệp hóa, ký hợp đồng với bên ngoài, xóa bỏ bao cấp, cắt giảm ngân sách… Qua đó, đã giúp hệ thống công vụ nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động thông qua việc ký hợp đồng thực thi công việc, phát huy tính tự chủ quản lý và tài chính, áp dụng cách thức đánh giá dựa trên kết quả hơn là đầu vào hay quy trình, thủ tục. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm của một số nước cho thấy khi tạo ra các tổ chức bán tự chủ có thể xử lý dễ dàng những nhiệm vụ đơn lẻ, cách thức này dẫn đến sự phân tán trong bộ máy nhà nước, làm giảm khả năng xử lý các vấn đề đa ngành như thất nghiệp, tình trạng xã hội mất ổn định và biến đổi khí hậu.