Bài học quý của ngoại giao Việt Nam

Phương Linh 27/01/2018 07:21

Cách đây 45 năm, ngày 27.1.1973 tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, trong thời gian 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ 13.5.1968 - 27.1.1973).

Thắng lợi tổng hợp

 Bằng việc đưa ra giải pháp 7 điểm (1.7.1971) và 2 điểm nói thêm (2.2.1972), ta không đòi hỏi giải quyết cả gói “quân sự và chính trị” như trước (gồm việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam và xóa bỏ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn) mà chỉ tập trung vào việc đòi “Mỹ phải rút quân”, các vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam do các bên của Việt Nam tự giải quyết. Sách lược khôn khéo này thể hiện thiện chí của ta, được dư luận quốc tế hoan nghênh, đồng thời thúc đẩy phong trào đoàn kết với Việt Nam đòi chấm dứt chiến tranh.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình khi đó là Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris và là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris. Bà cho rằng, cuộc đấu tranh ở Hội nghị đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị với công tác ngoại giao Việt Nam ngày nay và cả mai sau. Đó là chủ trương, chiến lược ngoại giao đúng đắn; đặc biệt đánh giá chính xác sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường, tình hình thế giới; biết kết hợp giữa sức mạnh nội lực và tận dụng cơ hội quốc tế.

Hội nghị Paris kéo dài gần 5 năm, trong 3 năm (từ 1969 - 1971), trên chiến trường có sự giằng co giữa ta và địch. Đến năm 1972, ta giành thế chủ động về mặt quân sự khi mở nhiều chiến dịch trên khắp chiến trường miền Nam, miền Trung, Quảng Trị. Bên cạnh đó, năm 1972 cũng diễn ra một sự kiện quan trọng đối với nền chính trị Mỹ, đó là cuộc bầu cử Tổng thống và Nixon có ý định tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Thời điểm này, phong trào quốc tế đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đang lên cao; đặc biệt tại Mỹ, phong trào phản chiến rất mạnh đã gây áp lực cho chính quyền Nixon. Vì thế, đây là điều kiện thuận lợi để ta mở cuộc tiến công về ngoại giao có tính chất quyết định…

Các cán bộ ngoại giao lão thành gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm ký kết Hiệp định Paris Ảnh: TTXVN
Các cán bộ ngoại giao lão thành gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm ký kết Hiệp định Paris
Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, việc đánh giá đúng tình hình, tận dụng thời cơ và có sách lược khôn ngoan sẽ đem đến kết quả có lợi nhất. Đặc biệt, ngoại giao muốn thắng lợi phải xuất phát từ nội lực của đất nước, trong đó có sức mạnh về quân sự và sức mạnh kinh tế. Bà cũng đề cập đến vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân trong kháng chiến cứu nước và giai đoạn hiện nay. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao nhân dân có tác động đến chính trị, ngoại giao Nhà nước. Trong những năm 1969 - 1971, chiến trường rất khó khăn nhưng mặt trận ngoại giao nhân dân mạnh hơn đã động viên cuộc đấu tranh trong nước. Tình hình phức tạp hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến ngoại giao nhân dân với mục tiêu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thì nhận định, cuộc đàm phán Paris là thành công lớn về nhiều mặt không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới. Nguyên nhân dẫn đến thành công đó là sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, của Đảng (lúc bấy giờ là Đảng Lao động Việt Nam). Ngoài ra, “muốn đánh địch phải hiểu địch”, thường xuyên nghiên cứu, thảo luận tình hình Mỹ, trên cơ sở đó có chiến lược, chính sách quân sự, ngoại giao phù hợp. Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu phải tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, trong đó có dư luận của chính nước đối thủ.

Bài học về độc lập, tự chủ

Tại buổi gặp mặt do Bộ Ngoại giao tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, hào hùng trong giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc, các cán bộ, nhân viên ngoại giao từng tham gia phục vụ Hội nghị Paris, tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris đều chỉ rõ bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi; luôn có sự kết hợp giữa những chuyển biến trên chiến trường và trên mặt trận ngoại giao.

Theo nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973, tính độc lập, tự chủ thể hiện rõ trong chủ trương, biện pháp, nội dung, câu chữ… của Hiệp định. Chia sẻ về quá trình cập nhật, xử lý thông tin trong quá trình đàm phán, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết, mặc dù cách hơn 6.000km cộng với tình hình đất nước khó khăn nhưng thông tin từ Paris về Hà Nội và ngược lại được chuyển đến kịp thời, nhanh chóng. Thông tin về tình hình đất nước, quốc tế, quá trình đàm phán và những điều cần chú ý trong dư luận Mỹ, quốc tế luôn được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ.

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Cũng chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, công lý, là di sản vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị, can thiệp của nước ngoài.

Phương Linh