Lỏng lẻo và chưa thực chất

Khải Minh 18/01/2018 07:53

Tại hội thảo về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo kỹ thuật dạy nghề do Bộ Ngoại thương Vương quốc Anh phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17.1, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Nhưng thực tế là mối quan hệ, liên kết này còn hết sức lỏng lẻo, chưa thực sự hỗ trợ nhau.

Chính sách đã hoàn thiện...

Hiện doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang theo hai hướng: Nhà trường đào tạo theo những gì mình có, doanh nghiệp thì khẳng định sử dụng lao động phổ thông cho rẻ, không cần qua đào tạo. Do đó, tôi đề xuất cơ chế, chính sách gồm mối quan hệ 3 bên là nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường. Trong đó, nhà nước ban hành chính sách là đúng nhưng không nên ban hành xong rồi để đó mà cần đóng vai trò bà đỡ cho mối quan hệ này.

TS. Vũ Xuân Hùng
Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Quá trình hội nhập kinh tế thế giới cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc phải nâng cao chất lượng đào tạo. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp nhà trường gắn kết với doanh nghiệp được coi là then chốt, bởi chỉ có gắn kết với doanh nghiệp, theo sát doanh nghiệp thì nhà trường mới phát triển, sản phẩm đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đa dạng và luôn biến động. 

Hiện chính sách thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường đã được quy định trong nhiều văn bản. TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp dẫn chứng: Điều 51 và Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định rõ ràng và cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Ví dụ, doanh nghiệp có thể thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình thường xuyên, được phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác để tổ chức đào tạo các trình độ; tham gia vào các cơ sở GDNN trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học... Đặc biệt, các khoản chi cho đào tạo nghề nghiệp được miễn trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, số lượng cũng như mối liên kết giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp chưa nhiều và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có 483 cơ sở đào tạo thuộc doanh nghiệp trong tổng số 1.989 cơ sở GDNN trong cả nước. “Không chỉ ít về số lượng mà mối liên kết giữa các nhà trường và doanh nghiệp tại các cơ sở trên cũng hết sức lỏng lẻo, thiếu bền vững. Hình thức hợp tác chủ yếu là tiếp nhận và hướng dẫn học viên thực tập tại doanh nghiệp. Việc tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo tại các nhà trường gần như không có. Nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu đào tạo lao động thông qua nhà trường” - TS Vũ Xuân Hùng nói.

Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đi vào thực chất
Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đi vào thực chất

... Nhưng doanh nghiệp chưa nhập cuộc

Chế độ chính sách tốt, thế nhưng tại sao doanh nghiệp không tha thiết với nhà trường? Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề ở đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Giám đốc giáo dục Hội đồng Anh Hoàng Vân Anh cho rằng, thứ nhất, doanh nghiệp cần nhìn nhận, việc phối hợp đào tạo xuất phát từ chính lợi ích của họ. Thứ hai là ở nhiều nước phát triển, vai trò xã hội của doanh nghiệp được đề cao, do đó, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN rất tích cực.

Còn theo Giám đốc phát triển quốc tế trường Cao đẳng Sunderand, Vương quốc Anh Janette Dojon, để tránh vòng luẩn quẩn, doanh nghiệp “chê bai” cơ sở vật chất của nhà trường, còn nhà trường thì cho rằng doanh nghiệp không đưa ra các tiêu chuẩn đúng để đào tạo, các trường nên điều chỉnh chương trình đào tạo để các doanh nghiệp cảm thấy được đáp ứng... Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Quốc Huy cho rằng, hiện nay các trường ở Việt gặp khó khăn nhất là xác định nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Thứ hai là sự hỗ trợ từ doanh nghiệp trong việc gửi chuyên gia đến trường để tham gia dạy một số khoa ngành. “Hiện nay các trường đều có hội đồng trường, có thành viên từ doanh nghiệp nhưng trách nhiệm của các thành viên tham gia hội đồng chưa cao, trong khi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp của các cá nhân được chỉ định tham gia các hội đồng nghề nghiệp ở nước ngoài được đề cao. Phải chăng chúng ta chưa có chế độ ưu đãi để khuyến khích tham gia?” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh băn khoăn.

Mặt khác, ông Nguyễn Quốc Huy cũng cho rằng, để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường hiệu quả, người lao động cũng là một trong những yếu tố quyết định.  “Chúng ta chưa có văn hóa đồng hành, nhiều người được cơ sở GDNN và doanh nghiệp đào tạo bài bản, có tay nghề tốt lại luôn có tâm lý “nhảy việc”. Và việc tham gia liên kết đầu tư, đào tạo lao động tốn khá nhiều chi phí của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo lắng, ngần ngại khi doanh nghiệp khác không phải bỏ bất kỳ chi phí nào mà vẫn có lao động tay nghề cao” - ông Huy nói. 

Khải Minh