Phổ biến giáo dục pháp luật phải thực chất
Không thể phủ nhận trong những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp người dân. Tuy nhiên có thể thấy, tại hầu hết các lĩnh vực đời sống - xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn gia tăng. Câu hỏi đặt ra là phải chăng do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa tới?
Căn cứ vào nhiệm vụ hàng năm của ngành tư pháp, tại hầu hết các tỉnh, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch; đồng thời thực hiện phối hợp với các ngành trong việc triển khai, tổ chức công tác giáo dục phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để đạt hiệu quả, đã có không ít địa phương không dừng lại ở những cuộc phổ biến những kiến thức pháp luật tại hội nghị, hội thảo, cuộc nói chuyện mà còn đa dạng hóa các hình thức như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…
Đơn cử, tại Hà Nội, trong năm 2017, UBND thành phố, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015”, cuộc thi viết về “người tốt, việc tốt” trong thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Cũng trong năm qua, các cấp, ngành của thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” dưới hình thức thi sân khấu. Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với Sở GD - ĐT tham mưu cho UBND thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thành công Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc… Tuy vậy có thể thấy, vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực vẫn thường xuyên xảy ra.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, nhìn vào kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng cho thấy, công tác này được thực hiện rất bài bản, đồng bộ vì đối với từng ngành, từng lĩnh vực đều có kế hoạch triển khai rất cụ thể. Như trong lĩnh vực giáo dục, hàng năm ngành chức năng đều có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như tinh thần trách nhiệm đối với giáo viên. Tuy vậy, cũng trong năm qua tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận các vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em nghiêm trọng khiến dư luận xã hội rất bức xúc…
Tại Bắc Giang - địa phương có nhiều nỗ lực, tổ chức nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trong thực hiện trồng và bảo vệ rừng, các lớp phổ biến rất bài bản. Tuy vậy, những năm gần đây, địa phương này cũng là nơi ghi nhận nhiều vụ việc phá rừng tự nhiên so với các địa phương khác trong cả nước…
Cách đây không lâu, tại Hội nghị tổng kết công tác phổ biến giáo dục pháp luật và triển khai Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2017 ở Hà Tĩnh, kết quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật được liệt kê khá chi tiết: “Toàn tỉnh đã tổ chức 4.504 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, với 340.062 lượt người tham dự; cấp phát 86.320 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; xây dựng và đăng tải 2.726 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng”… Tuy việc làm thì nhiều, nhưng hiệu quả thì phải nhìn nhận lại. Trong thời gian qua hầu hết các ngành, các địa phương đều bám sát Kế hoạch triển khai thực hiện nội dung và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cũng ngày càng phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp hơn với từng đối tượng. Tuy vậy, để công tác này hiệu quả hơn, việc thực hiện cần đi vào trọng tâm, trọng điểm, việc phổ biến giáo dục phổ biến pháp luật cần có sự đổi mới kết hợp giữa tuyên truyền tìm hiểu kiến thức pháp luật với kiến thức kỹ năng sống.