Cân nhắc việc tăng thuế VAT

Tuệ Anh ghi 09/01/2018 08:17

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đề xuất, từ 1.1.2019, tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 11%; còn từ ngày 1.1.2020, mức thuế này sẽ tăng từ 11% lên 12%. Theo các chuyên gia, lộ trình này tuy có dãn thời gian nhưng tác động cuối cùng vẫn là tăng thêm gánh nặng vào túi tiền của người dân, giảm bớt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính cần cân việc quyết định tăng thuế.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: Nhiều bất cập khi tăng thuế VAT

Tôi không tán thành việc tăng thuế VAT cho dù là đưa ra biện pháp tiến độ chậm lại, mỗi năm tăng thêm 1% thì mục tiêu cuối cùng vẫn là trong 2 năm vẫn sẽ tăng 2%. Mà trong 2 năm thì không thể cải thiện được cuộc sống của người dân. Không nên nhìn vào GDP tăng thêm, chia bình quân đầu người cao hơn so với năm trước một chút mà nghĩ đó là thang thu nhập. Nên nhớ, GDP của Việt Nam là tính cả phần của đầu tư nước ngoài. Cho nên, tổng thu nhập chia cho bình quân đầu người vẫn không cải thiện được bao, trong khi dân số vẫn tăng, tỷ lệ dân thu nhập thấp hoặc cận nghèo vẫn rất lớn.

Phải nhấn mạnh rằng, thuế VAT là loại thuế đánh vào tất cả mọi người từ giàu, nghèo đến già, trẻ đều như nhau. Ngay cả đứa trẻ mới ra đời đã phải gánh phần thuế này, vì bản thân đứa trẻ phải cần đến sữa, thuốc men, dinh dưỡng. Ngoài ra, đối với người già, theo Bộ Y tế, bình quân mỗi người mang tới hơn 2, 3 căn bệnh trong người. Điều này đồng nghĩa họ phải chi cho thuốc men, các loại dưỡng chất rất lớn, trong khi, dịch vụ y tế đã tăng, do đó, gánh nặng cho người già là rất lớn. Theo đó, thay vì phủ nhận sự ảnh hưởng của việc tăng thuế VAT đến cuộc sống của người có thu nhập thấp như ban đầu, thì lần này, Bộ Tài chính đưa ra là việc điều chỉnh này chỉ tác động rất nhỏ đến chi tiêu của người có thu nhập thấp là không đúng. Bởi, thu nhập của người dân quá thấp thì chỉ cần tăng thêm 1 chút thôi cũng đủ để họ điêu đứng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải trả thuế, phí các loại lên tới khoảng 40% thu nhập, khi đó người dân vừa phải chia sẻ gánh nặng đó cùng với doanh nghiệp vì doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành và giá bán ra thị trường, vừa phải “cõng” các khoản nộp trực tiếp khác ngoài VAT. Hệ quả giảm sút sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân do thuế tăng chắc chắn sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Như vậy, theo tôi việc tăng thuế VAT sẽ khiến ngay cả Nhà nước cũng “lợi bất cập hại”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Không có lúc nào phù hợp cho việc tăng thuế

Trước sau tôi vẫn không đồng ý việc tăng thuế VAT cho dù có thay đổi lộ trình một chút, vì đây là loại thuế ảnh hưởng rất lớn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến người có thu nhập thấp. Bởi, người nghèo có tỷ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng cao hơn người giàu. Vì vậy thuế VAT sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn so với thu nhập. Vài năm trở lại đây, tuy đời sống của người dân phần nào khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Việc tăng thuế VAT sẽ đi ngược lại với thông lệ quốc tế, bởi theo xu hướng trên thế giới, đa phần các quốc gia đều tính đến việc giảm thuế. Khi nền kinh tế phát triển thì càng phải hạ các thuế, trong đó có thuế VAT chứ không tăng lên như vậy. Theo tôi không có lúc nào phù hợp cho việc tăng thuế.

Tôi nghĩ rằng, Bộ Tài chính cần phải cân nhắc lại, có nhiều cách để cải thiện nguồn ngân sách, chẳng hạn, phải xem xét đến việc giảm chi, giảm đầu tư công bất hợp lý và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các đại dự án của nhà nước như thời gian vừa qua. Giảm bớt những ưu đãi quá lớn về thuế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tránh mất mát lớn về nguồn thu. Chỉ cần cải thiện được một chút các vấn đề nêu trên đã quá đủ để tăng ngân sách.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh: Có nhiều kênh để cân bằng ngân sách mà không cần tăng thuế VAT

Bộ Tài chính đưa ra phương án mềm hơn khiến việc tác động tăng thuế sẽ được dãn ra và giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng với tốc độ chậm hơn so với phương án trước đây. Tuy nhiên, tác động cuối cùng vẫn là tăng thêm gánh nặng vào túi tiền của người dân, giảm bớt năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của hàng hóa các nước ASEAN với thuế suất bằng 0% theo lịch trình cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tăng thuế VAT dù tăng từng bước 1% lên 11% rồi sẽ lên đến 12% sẽ tác động tăng giá lên tất cả các hàng hóa và dịch vụ của nước ta, kể cả giá bất động sản, đánh vào thu nhập của người dân. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường, tăng thuế VAT có thể dẫn đến hàng hóa Việt Nam sẽ bị hàng hóa rẻ hơn của Thái Lan, Malaysia lấn sân, mất thị phần, có thể dẫn đến mất việc làm của người lao động. Tác động tới kinh tế vĩ mô là làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP, tăng chỉ số giá và tăng sức ép lạm phát, mặt lợi duy nhất là tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để tăng thu cho ngân sách thì có rất nhiều phương án. Theo tôi, Bộ Tài chính nên xây dựng phương án cải tổ ngân sách, cắt giảm mạnh chi tiêu hành chính lãng phí, đầu tư có tính chất phô trương đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thất thu, trốn thuế, lậu thuế, nhất là đối với khu vực kinh tế hộ gia đình nộp thuế khoán, hàng nhập lậu qua biên giới tiến tới cân bằng ngân sách mà không cần tăng thuế VAT.

Tuệ Anh ghi