Mộc bản - hiện vật lưu giữ quá khứ
Khi công nghệ in ấn thay đổi và văn tự Hán - Nôm mất đi vị trí chính thức trong xã hội thì mộc bản không còn được sử dụng, nằm im lặng, rải rác trong các tu viện, di tích. Từ chỗ chỉ là khuôn in, chúng trở thành hiện vật lưu giữ quá khứ, là sợi dây kết nối để người hôm nay nhìn về lịch sử, định vị chính mình.
Tri thức của người xưa
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, trước kia có khoảng 350 nhà in khắc mộc bản, chủ yếu là các chùa và nhà in tư nhân. Tổng số ván in ở Việt Nam ngày nay còn kiểm đếm được khoảng 50.000 ván. Trong đó, mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản Trường học Phúc Giang đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. |
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ ngược, làm khuôn in sách, tranh, bùa hay họa tiết mà người xưa sử dụng khi công nghệ in ấn của Tây phương chưa du nhập. Mặc dù chưa xác định chính xác thời gian xuất hiện mộc bản đầu tiên ở Việt Nam nhưng theo sử liệu, nghề in mộc bản có từ thời Lý. Sang đến thời Lê, một người tên Lương Như Hộc đi sứ Trung Quốc, học làm mộc bản rồi về quê Hải Dương, truyền cho thợ hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng. Suốt 500 năm sau đó, thợ của hai làng này trở thành người in khắc hầu hết bản in ở Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mộc bản là sự kết tinh giá trị có thể nói về quá khứ, cho một hình dung về bối cảnh truyền bá tri thức trước đây. Không kể kho mộc bản in khắc những văn bản hành chính quan phương của triều đình như lịch sử triều đại, pháp luật, các sách phục vụ cho giáo dục nhà nước… được lưu giữ trong Quốc Tử Giám thời Lê, Quốc sử quán thời Nguyễn, loại mộc bản in khắc kinh Phật và các thư tịch Phật giáo, tín ngưỡng đạo giáo dân gian thể hiện một phần đời sống của người xưa.
Chẳng hạn, năm 1295 là một trong những lần hiếm hoi Đại tạng kinh được triều đình in ấn. Điều này góp phần chứng minh vào thời Trần, Phật giáo cực kỳ hưng thịnh, như là Quốc giáo ở Việt Nam. Các thời sau này, chỉ cần có nguồn sách mới đưa về hoặc khi bộ kinh đã quá cũ cần phải in lại để làm tư liệu tu học thì một vị có uy tín trong cộng đồng tu sỹ Phật giáo sẽ đứng lên đề nghị khắc in và đông đảo Phật tử, tín đồ trong vùng sẽ góp tiền in kinh. Có những bộ kinh phải mất 10 - 20 năm mới xong, có những bộ kinh không phải một mà nhiều chùa cùng làm, nói lên công đức và lòng hướng về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Đầu thế kỷ XX, có những bộ sách Phật giáo khi vừa được nhập khẩu về Việt Nam đã được khắc ván lưu hành. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng phân tích với thời gian in khắc nhanh như vậy, mộc bản đã cho thấy cách tri thức được nhập khẩu, lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng. Mộc bản còn có giá trị mỹ thuật, giá trị văn tự và thư pháp. “Làm mộc bản, người thợ khắc trung thành với chữ của người viết nên bút tích của tác giả vẫn được bảo lưu. Những người viết thường là các bậc có uy tín. Thật hạnh phúc khi nghiên cứu một nhân vật nào đó mà lại tìm thấy được bút tích của họ từ mộc bản”.
![]() Kho mộc bản chùa Bổ Đà, Bắc Giang |
Mất mát từng ngày
Trong buổi nói chuyện mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng đã đưa đến cái nhìn về số phận mộc bản ở Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, khi khoa cử nho học chấm dứt cùng sự thay đổi trong chính sách giáo dục của người Pháp, chữ Hán bị mất đi vị trí chính thống trong xã hội. Đồng thời với sự ra đời của công nghệ in ấn hiện đại, mộc bản không còn được sử dụng, nằm rải rác trong các tu viện, di tích. Qua thời gian, chịu sự tàn phá của thời tiết, mối mọt cũng như tác động của con người, mộc bản dần hỏng nát và biến mất. Cổ nhất hiện còn được biết là ván in năm 1598 ở chùa Vạn Đức (Hội An), tuy nhiên đã tàn khuyết và mục nát nhiều.
Việc bảo tồn được chú trọng hơn khi nhiều kho ván được công nhận là di sản tư liệu thế giới như kho ván chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm… hay kho mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Lâm Đồng). Tuy nhiên, phần lớn vẫn được bảo tồn theo cách truyền thống là đóng khung gỗ, xếp ván dọc, có một số biện pháp xử lý mối mọt và không ít kho mộc bản đang trong tình trạng mất mát từng ngày. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng dẫn chứng: Có kho mộc bản các nhà nghiên cứu không tiếp cận được vì nhà chùa không tán đồng việc mở kho, trong khi các ván được gác trên bếp, trên đống củi, để phủ bụi. Đến khi xây sửa chùa, người ta mang ra sân để tơ hơ rồi ai đó lấy mất. Hoặc một kho ván trong ngôi chùa ở Hải Phòng, mộc bản cất dưới gầm bàn, đến khi moi ra thì trong đó là cả ván, rác, và… ổ chuột. “Đó là cách mà mộc bản đang được lưu giữ ở bên ngoài. Thậm chí, có thời gian, người ta mang ván ra làm cửa sổ, đóng bàn, đóng ghế, thậm chí… chẻ củi”.
Mộc bản biến mất không đáng lo ngại vì đó chỉ là khuôn in, hỏng cái nào có thể khắc bổ sung. Nhưng giờ đây khi giá trị sử dụng không còn, cần đặt ra việc bảo quản, lưu giữ mộc bản để lưu giữ giá trị tư liệu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng cho rằng, mộc bản cũng giống như bất cứ hiện vật, di sản nào khác, chính là sợi dây kết nối hiện tại với lịch sử mà mất mát là đáng tiếc. “Quá khứ giống như một quốc gia khác, ở đó mọi người suy nghĩ, tư duy, hành động khác ta bây giờ, nhưng chủ thể của quá khứ đó chính là tổ tiên ta. Hiểu giá trị của mộc bản và bảo tồn đúng cách là cách để nhìn về quá khứ, biết được cách sinh hoạt, ăn ở, tư tưởng, đời sống của ông cha thì có thể định vị bản thân dễ hơn. Từ đấy, chúng ta sẽ có cách để giữ gìn những di sản tốt hơn, cho chính mình và cho thế hệ sau”.