Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ
Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (VNIES), Aide et Action Việt Nam (AEA) và Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) phối hợp tổ chức ngày 19.12.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu” được triển khai trong 3 năm 9 (2016 -2018) do Liên minh châu Âu tài trợ. Theo thông tin tại Hội thảo, Dự án đã thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ huynh và của trẻ vào hoạt động giáo dục, thông qua một loạt các hoạt động như hưởng ứng Tuần lễ Giáo dục toàn cầu, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại trường và các cuộc sinh hoạt chi hội phụ huynh mở rộng hằng tháng. Thêm vào đó, dự án cũng đẩy mạnh công tác truyền thông vận động đối với các nhà hoạch định chính sách tại cấp địa phương, quốc gia để chia sẻ và nhân rộng những thực hành tốt của dự án.
![]() |
Điểm nhấn của Dự án trên là áp dụng phương pháp giáo dục sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trong việc dạy và học tại trường. Trong đó, Dự án đã xây dựng thí điểm bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông. Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn đã được giáo viên địa phương của các trường mầm non và trường tiểu học ở huyện Tam Đường sáng tác và biên soạn. Những câu chuyện này thực sự phản ánh được cuộc sống hằng ngày của trẻ em Mông và cộng đồng người Mông tại Lai Châu. Tính ưu việt của phương pháp này là sử dụng hai ngôn ngữ trong giáo dục, trong đó tiếng mẹ đẻ là cơ sở và là nền tảng ban đầu giúp trẻ em vượt qua được rào cản ngôn ngữ, để có thể tiếp cận Tiếng Việt và kiến thức khoa học thuận lợi và dễ dàng hơn. Từ đó, hạn chế tình trạng bỏ học, giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, trưởng thành hơn trong học tập, hội nhập các hoạt động xã hội.