Tương lai đã được định đoạt?

Quốc Đạt 15/12/2017 09:22

Cách đây 100 năm, Ngoại trưởng Anh khi đó là Arthur James Balfour với lá thư dài vỏn vẹn 67 từ đã trao cho phong trào phục quốc Do Thái quyền lập quốc trên vùng đất Palestine, mở ra cuộc xung đột dai dẳng nhất tại Trung Đông. 100 năm sau, với tuyên bố Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel, nước Mỹ phải chăng đã đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực hòa bình đối với mảnh đất này?

Trong vòng 3 tuần qua, Chính phủ Mỹ đã giáng 3 đòn liên tiếp vào Palestine. Đầu tiên là quyết định ngày 17.11, khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo đóng cửa Văn phòng đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Thủ đô Washington. Tiếp đó, ngày 5.12, Quốc hội Mỹ với sự nhất trí cao đã thông qua đạo luật cắt giảm khoản viện trợ hàng năm lên đến 300 triệu USD cho Chính quyền Palestine từ năm 2018 - 2024 nhằm gây sức ép buộc cơ quan này ngừng trả lương và trợ cấp cho gia đình quân nhân Palestine bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Và mới nhất, công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, cũng như xúc tiến chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này.

Thành phố bị phân chia

Đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ, điều đáng bàn không phải là công nhận Jerusalem mà ở một loạt sự kiện dẫn đến sự xuất hiện của nó.

Năm 1947, khi Liên Hợp Quốc thông qua phương án hai nhà nước, một Do Thái, một Ảrập, có đính kèm điều kiện rõ ràng rằng Jerusalem được cai quản bởi “chế độ quốc tế đặc biệt”. Tuy nhiên, các nước Ảrập khi đó không chấp nhận phương án này và phát động một cuộc tấn công vào Israel chỉ một ngày sau khi nhà nước non trẻ tuyên bố độc lập năm 1948, nhưng họ nhanh chóng bị đánh bại. Sau cuộc chiến, Jerusalem bị chia thành hai phần: Tây Jerusalem thuộc về nhà nước Israel và trở thành thủ đô của nước này theo điều luật được thông qua năm 1950, trong khi Đông Jerusalem, bao gồm khu Thành cổ, nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan. 

Bức tường phân cách Đông và Tây Jerusalem năm 1967
Bức tường phân cách Đông và Tây Jerusalem năm 1967

Năm 1964, Liên đoàn Ảrập thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhằm đương đầu với Israel và đòi quyền thành lập nhà nước độc lập cho người Palestine. Dưới sức ép của Liên Hợp Quốc và các cường quốc châu Âu, Israel thời kỳ này chấp nhận ý tưởng để quốc tế kiểm soát Jerusalem và tìm kiếm một thủ đô mới, chẳng hạn như Herzliya hay một thành phố ở miền nam. Các nước, trong đó có Mỹ, cũng tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc, không chọn Jerusalem mà Tel Aviv để đặt đại sứ quán.

Bước ngoặt sau Chiến tranh sáu ngày

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi sau cuộc chiến Israel - Ảrập nổ ra năm 1967. Chỉ trong vỏn vẹn 6 ngày, Israel không chỉ đánh bại liên quân các nước Ảrập gồm Ai Cập, Jordan, Syria mà còn chiếm luôn Dải Gaza, bán đảo Sinai của Ai Cập, Bờ Tây và Đông Jerusalem của Jordan cũng như Cao nguyên Golan của Syria.

“Cuộc chiến năm 1967 giúp người Israel vượt qua nỗi lo sợ bại trận và cảm giác rằng họ có thể làm được mọi thứ. Việc chiếm được khu Thành cổ cũng tác động rất lớn đến cảm xúc của người Israel”, Menachem Klein, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bar-Ilan ở Israel, nhận xét. Hình ảnh lính Israel cầu nguyện tại Bức tường Than khóc mà họ từng bị cấm đến gần trong suốt thời kỳ người Jordan kiểm soát Đông Jerusalem đã khắc sâu vào ý thức dân tộc của người Israel. “Jerusalem trở thành tâm điểm của lòng sùng đạo chưa từng tồn tại trước đây. Điều đó đến nay đã được nâng lên đến mức độ chưa từng có khi chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cứng rắn trở thành chủ đạo trong nền chính trị Israel, với Bức tường Than khóc là tâm điểm”, Rashid Khalidi, giáo sư nghiên cứu về Ảrập hiện đại tại Đại học Columbia, nhận định.

Chiến thắng của đảng cánh hữu Likud năm 1977 đã củng cố niềm tin rằng Jerusalem là một phần trong bản sắc Israel và mang ý nghĩa biểu tượng ngày càng quan trọng. Năm 1980, Quốc hội Israel thông qua đạo luật tuyên bố “Jerusalem, toàn vẹn và thống nhất, là thủ đô của Israel”, bất chấp việc Israel chiếm đóng phía Đông Jerusalem không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Những bước hợp thức hóa

Rõ ràng, ông Donald Trump có cơ sở khi nói rằng “Jerusalem là trụ sở của chính phủ Israel hiện đại”. Bởi trong suốt nhiều thập kỷ qua, Jerusalem mặc nhiên là nơi tọa lạc Nghị viện Israel (Knesset), tòa án tối cao, dinh thủ tướng và tổng thống cũng như trụ sở của nhiều bộ trong chính phủ Israel. Jerusalem thực tế được xem như thủ đô của Israel trong suốt thời gian qua, mặc dù không chính thức.

Chính phủ Israel cũng đang nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và hoàn toàn đối với người dân Palestine ở Jerusalem, như những gì họ đã làm ở các thành phố và thị trấn khác của Palestine. Người Palestine sống ở Jerusalem chỉ sở hữu tấm thẻ cư trú - thứ giấy tùy thân có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Israel liên tục phá hủy nhà cửa ở các khu vực lân cận của người Palestine với cớ thiếu giấy phép sở hữu. Còn giới trẻ Palestine bị lực lượng Israel phân biệt đối xử.

Vì vậy, mặc dù các nhà lãnh đạo toàn cầu khẳng định rằng động thái công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel sẽ chấm dứt cuộc hòa đàm Israel - Palestine, giải pháp hai nhà nước và bất kỳ sự ổn định nào trong khu vực, nhưng sự thực là chẳng hề có hòa bình hoặc ổn định ở các vùng lãnh thổ của người Palestine kể từ khi Tuyên bố Balfour bật đèn xanh cho công cuộc hồi hương và phục quốc của người Do Thái. Trong bối cảnh nước Mỹ có một chương trình nghị sự được điều chỉnh phù hợp với lợi ích cộng đồng Do Thái, còn các quốc gia Ảrập, đứng đầu là Ảrập Xêút, đang rất cần Mỹ và Israel để kiềm chế ảnh hưởng của Iran, tương lai và số phận của người Palestine có thể đã được định đoạt.

Quốc Đạt