Lưu giữ truyền thống hát thuyền

Hoàng Nga 09/12/2017 08:45

Hát quan họ trên thuyền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội xưa và nay của người dân vùng quê Kinh Bắc, Bắc Ninh. Với chủ trương đưa hát quan họ đến gần với du khách hơn, tỉnh Bắc Ninh đưa hát trên thuyền phục vụ du khách định kỳ hàng tháng. Đây là nỗ lực lớn và là bước đột phá của tỉnh Bắc Ninh trong bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Độc đáo hát Quan họ trên thuyền

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, dân ca quan họ Bắc Ninh đã tồn tại trong không gian diễn xướng khá đa dạng, phong phú, hình thành 4 hình thức mang tính phổ biến là “hát chúc, hát mừng”, “hát thờ”, “hát canh” và “hát hội”. Vào mùa lễ hội, đến với Bắc Ninh, ngoài thưởng thức quan họ hát canh, hát trên sân khấu, hát cửa đình, cửa chùa… du khách còn được thưởng thức hát quan họ trên thuyền. Đây là một phần quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội truyền thống nào ở Bắc Ninh.

 Để tìm hiểu về hát quan họ trên thuyền, chúng tôi tìm về hội Lim (được mở ngày 12 - 13 tháng Giêng) tại thị trấn Lim, Tiên Du (Bắc Ninh). Hình ảnh các liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, các liền anh áo the, khăn xếp thong dong trên thuyền rồng đã trở thành nét đặc trưng, đậm nét văn hóa người Kinh Bắc. Liền anh Nguyễn Hữu Thoa, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du, năm nay 66 tuổi, người gốc làng Lim, chia sẻ: Từ khi lên chín, lên mười ông đã được đi chơi quan họ. Bởi vậy, đến nay, quan họ đã trở thành cuộc sống của ông. Người quan họ trọng nhau vì nết, mến nhau vì tình, say nhau giọng hát, câu ca. Mỗi dịp xuân về, liền anh, liền chị rủ nhau cùng trảy hội cầu vui. Tiếng ca quan họ quyện với tiết trời xuân ấm áp vừa say đắm, vừa thiết tha. Nhất là ở hội Lim, khách kéo về dự hội rất đông để được nghe hát quan họ giữa các liền anh, liền chị.

Theo ông Thoa, hát quan họ trên thuyền là hình thức ca quan họ phổ biến ở các làng quan họ gốc vào những ngày hội xuân và thường hát ở ao, hồ nơi trung tâm lễ hội. Các làng quan họ dọc đôi bờ sông Ngũ Huyện Khê thường hát quan họ trên sông vì vào dịp lễ hội, nước sông không chảy mạnh, thuận lợi cho việc hát thuyền. Khác với hình thức hát canh, cần theo trình tự từ giọng lề lối, các giọng vặt rồi đến giã bạn, với hát thuyền, các liền anh, liền chị chỉ ca các giọng lẻ, giọng vặt như: Ngồi tựa mạn thuyền, Ngồi tựa song đào, Lúng liếng, Thuyền mở lái chèo… Trải qua lịch sử hàng trăm năm tồn tại và phát triển, hát quan họ trên thuyền có nhiều thay đổi để phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại. Giờ đây, khi tổ chức hát quan họ trên thuyền người ta không sử dụng thuyền thúng như trước kia, mà thay vào là những chiếc thuyền rồng trang trí đẹp mắt, rộng rãi và an toàn để thuận tiện cho các liền anh, liền chị ca hát vào ngày vui của làng.

Mỗi khi biểu diễn, du khách xếp hàng dọc hai bên bờ sông hoặc quanh ao, hồ cùng hướng về phía thuyền để thưởng thức quan họ. Thưởng thức ở đây không chỉ đơn thuần là nghe ca quan họ mà còn cảm  nhận văn hóa quan họ. Đối với mỗi liền anh, liền chị, dù biểu diễn trong không gian văn hóa nào cũng đều toát lên phong thái của người quan họ. Từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói đều chừng mực như các cụ thường dạy “ăn nửa miếng, nói nửa lời”. Trong các xưng hô lịch sự như: Anh hai, chị hai hay anh ba, chị ba… 

Đột phá trong bảo tồn quan họ

Quan họ hình thành và phát triển gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nên rất gần gũi, phù hợp với tất cả các đối tượng. Bởi vậy việc đưa quan họ đến gần với nhân dân bằng việc tổ chức thành hoạt động định kỳ hàng tháng phục vụ nhân dân và du khách là chủ trương phù hợp lòng dân. Đây được đánh giá là một trong những nỗ lực lớn và bước đột phá của tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Đêm diễn xướng đầu tiên được tổ chức vào ngày 19.8, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, trung tâm thành phố Bắc Ninh, với sự tham gia của hàng nghìn khán giả. Trong chương trình, khán giả được thưởng thức các làn điệu quan họ mượt mà, đằm thằm mang đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa của người Kinh Bắc như: Khách đến chơi nhà, Ngồi tựa mạn thuyền, Sông Cầu nước chảy lơ thơ, Giã bạn... do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh thể hiện.

Từ đó đến nay, qua ba lần tổ chức, chương trình đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhân dân. Bác Lê Nho Nùng, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh cho biết: Cả 3 lần tổ chức hát quan họ trên thuyền bác đều dẫn theo cháu nội cùng đi. Khi xem biểu diễn, được nghe nghệ nhân giới thiệu và phân tích ý nghĩa và những lời ca dân ca quan họ Bắc Ninh khiến mỗi người dân đều tự hào loại hình văn hóa độc đáo này.

Bên cạnh đó, tại mỗi buổi hát quan họ, du khách còn được thưởng thức loại hình hát đối cổ do các nghệ nhân biểu diễn vào đầu chương trình. Việc làm này giúp giới trẻ hiểu được hơn về dân ca quan họ Bắc Ninh, đặc biệt lối chơi quan họ cổ. Qua đó, góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục công tác bảo tồn, truyền dạy quan họ trong cộng đồng. Liền anh Nguyễn Đăng Tựa, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh tâm sự: Quan họ biểu diễn có thể có nhiều người biết đến. Tuy nhiên những lối đối đáp cổ, chỉ có những nghệ nhân quan họ hoặc những người chơi lâu năm mới thấm nhuần. Bởi vậy, đưa các hình thức hát quan họ này vào hoạt động thường xuyên góp phần tái hiện lối chơi của các cụ ngày xưa. Nó như thông điệp không chỉ bảo tồn quan họ trên sân khấu hiện đại mà quan họ truyền thống cũng đang được gìn giữ.

Không chỉ được nghe hát, tại các buổi biểu diễn, mỗi người dân và du khách còn được nghệ sĩ Xuân Mùi, Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cung cấp nhiều thông tin, kiến thức về lối chơi quan họ, những phong tục, cách ứng xử của người quan họ cũng như những tích truyện về mỗi bài quan họ. Đặc biệt, các đêm diễn còn có hoạt động giao lưu giữa các liền anh, liền chị với khán giả. Nhiều khán giả cho hay, việc tỉnh Bắc Ninh tổ chức hát quan họ dưới thuyền vào tối thứ bảy hàng tuần giúp nhân dân thỏa niềm đam mê quan họ và qua sự giới thiệu của liền anh, liền chị trước các tiết mục khiến bất cứ ai dù chưa hiểu về quan họ cũng có thể cảm nhận được.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Trung cho biết: Dân ca Quan họ Bắc Ninh có sức cuốn hút đặc biệt và phong phú với hàng trăm làn điệu. Điều này càng được khẳng định khi mỗi chương trình tổ chức du khách đến lần sau đông hơn lần trước. Để các chương trình diễn ra đều đặn, hàng tháng không trùng lặp, nhàm chán chúng tôi đã lựa chọn cẩn thận khoảng 60 bài hát phù hợp để biểu diễn trên thuyền. Việc định kỳ tổ chức các hoạt động biểu diễn hát dân ca quan họ trên thuyền là hoạt động cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với tổ chức hát thuyền, ngành văn hóa Bắc Ninh đã kết hợp với các hoạt động văn hóa đường phố khác nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của nhân dân. Qua đây tiếp tục tăng cường giới thiệu, quảng bá sâu rộng tới nhân dân cũng như bạn bè, du khách trong và ngoài nước về những giá trị tinh hoa, độc đáo của quan họ. Bên cạnh đó, việc tổ chức hát thuyền nhằm từng bước nghiên cứu, thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, để dân ca quan họ phát triển đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Tỉnh Bắc Ninh cũng dự định xây dựng những đêm diễn định kỳ này trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Hoàng Nga