Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

ĐÀO CẢNH 07/12/2017 08:48

Kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy: Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển của tỉnh liên tục tăng, hoạt động đầu tư xây dựng diễn ra sôi động. Tuy nhiên, nợ XDCB còn khá lớn, ảnh hưởng tới khả năng bố trí vốn cho dự án đang đặt ra thách thức trong thời điểm tỉnh đã và đang tự cân đối ngân sách.

Đầu tư không dàn trải

Giai đoạn 2011 - 2016, tổng số vốn và nguồn vốn đầu tư công của tỉnh là 12.679 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp, tỉnh đã thực hiện nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn cho: Các dự án đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng; các dự án dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch; ưu tiên đầu tư dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giao thông, giáo dục, y tế, QP - AN. Số vốn còn lại bố trí cho các dự án chuyển tiếp hoặc dự án mới, trong đó ưu tiên các dự án có khả năng hoàn thành sớm.

Theo Báo cáo giám sát về tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nợ XDCB nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng đến hết năm 2016, giai đoạn 2011 - 2016 của Thường trực HĐN tỉnh, công tác thẩm định, phê duyệt dự án được các đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục. Theo đó, số dự án được các cấp phê duyệt là 2.918 dự án với tổng kinh phí 19.560 tỷ đồng. Hầu hết dự án được phê duyệt đầu tư đều phục vụ đắc lực và đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển KT - XH của tỉnh.

Chủ trương đầu tư trong giai đoạn này là sử dụng vốn đầu tư theo hướng tập trung, không dàn trải. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm, điều chỉnh danh mục các dự án, hạng mục đầu tư theo hướng không đầu tư các hạng mục chưa thực sự cần thiết hoặc giảm quy mô đầu tư. Cấp tỉnh tạm dừng triển khai dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh; điều chỉnh giảm vốn đối với 7 công trình, dự án do tỉnh quản lý, với tổng mức điều chỉnh giảm hơn 2.360 tỷ đồng. Cùng với đó, các dự án do cấp huyện, xã làm chủ đầu tư cũng cắt giảm, điều chỉnh cho phù hợp khả năng bố trí vốn và tình hình ngân sách địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Minh Ngọc, về cơ bản, việc phê duyệt và bố trí vốn cho dự án bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hàng năm của tỉnh còn hạn hẹp, việc bố trí vốn cho một số dự án nhóm C thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi có tổng mức đầu tư tương đối lớn, nên vốn không đủ, dẫn đến dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, một số huyện và nhiều xã vẫn phê duyệt dự án khi không xác định rõ nguồn vốn, dẫn đến nhiều dự án không có vốn hoặc dở dang do thiếu vốn. Giai đoạn 2011 - 2016, có 92 dự án cấp tỉnh, 117 dự án cấp huyện chưa hoàn thành do thiếu vốn; 276 dự án của các cấp phải điều chỉnh thời gian thực hiện. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ XDCB lớn.

Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh: Huyền Loan
Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh: Huyền Loan

Ưu tiên giải quyết nợ XDCB

Thực tế, việc phân bổ vốn đầu tư theo chủ trương đầu tư tập trung, tránh lãng phí để dành nguồn vốn trả nợ XDCB của tỉnh Hưng Yên đã phát huy hiệu quả. Minh chứng là năm 2014, tổng số nợ XDCB toàn tỉnh là 1.316 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 12.2016, tổng số nợ đọng XDCB trên địa bàn là 973,2 tỷ đồng. Qua 2 năm, số nợ XDCB giảm nhanh ở cả 3 cấp. Theo kế hoạch thanh toán nợ XDCB năm 2017, Hưng Yên dành 42,1 tỷ đồng ngân sách để thanh toán nợ đọng XDCB các dự án cấp tỉnh quản lý. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã phân bổ 20 tỷ đồng hỗ trợ các xã trả nợ đọng XDCB và đầu tư trụ sở xã.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Minh Ngọc, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đầu tư XDCB, đầu tư công đúng quy định, đạt hiệu quả, khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, các cấp, ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể: Trong xây dựng kế hoạch đầu tư XDCB, phải bố trí đủ vốn thanh toán các dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, không bố trí vốn cho công trình mới khi chưa bố trí đủ vốn cho các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hàng năm của các cấp, nhất là cấp huyện, xã, phải xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB và dự án sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BT, BOT để bổ sung nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, thực hiện chủ trương XHH đối với các dịch vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực cung cấp nước sạch, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát số nợ XDCB hiện nay để có kế hoạch cụ thể xử lý dứt điểm trong năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

ĐÀO CẢNH