Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu
Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường hỗ trợ đáng kể lực lượng an ninh châu Phi để ngăn chặn dòng người di cư; đồng thời có các biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy nền kinh tế các nước bên kia bờ Địa Trung Hải.
Nguyên nhân gốc rễ
Lâu nay, bất ổn và khủng hoảng chính trị kéo dài ở các quốc gia Bắc Phi đã biến nơi đây thành điểm trung chuyển cho các chuyến tàu chở người di cư đi tìm “miền đất hứa” bên kia bờ Địa Trung Hải. Đó là lý do bất kỳ giải pháp nào đối với thách thức di dân đều phải tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia xuất phát điểm di cư. Việc tìm kiếm giải pháp cho tình trạng bùng nổ dân số là vấn đề cấp bách hiện nay trong bối cảnh dự báo dân số “lục địa đen” có thể tăng gấp đôi vào năm 2050, lên khoảng 2,4 tỷ người. Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Phi, nhất là lao động trẻ, chiếm khoảng 25% tổng lực lượng lao. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra nội chiến, xung đột, khủng bố, khiến hàng triệu người châu Phi bất chấp nguy hiểm đã và đang vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu tìm chân trời mới.
Tăng trưởng kinh tế nhanh hơn ở châu Phi theo thời gian sẽ làm giảm đáng kể áp lực mà châu Âu phải đối mặt. Sự phát triển lâu dài của châu Phi tất nhiên sẽ đòi hỏi sự ổn định chính trị và hòa bình hơn. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, châu Âu có thể thực hiện các bước tiếp cận từ xa sau để thúc đẩy tăng trưởng của châu Phi.
![]() |
Giải pháp đa dạng
Từ năm 2015, Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã tiến hành “chính sách chuyển giao quản lý biên giới” thực dụng khi đẩy việc kiểm soát dòng người di cư sang các nước láng giềng của EU. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ với thỏa thuận năm 2016 góp phần làm giảm đáng kể lượng người di cư đến Hy Lạp; Libya như tiền tuyến bên phía châu Phi. Theo Catherine Ray, người phát ngôn của bà Mogherini, mục tiêu đầu tiên là để chống lại những kẻ buôn lậu và cứu người. Bà Ray khẳng định chính sách trên của ủy viên Mogherini đã làm giảm hẳn số người chết và mất tích trên Địa Trung Hải.
Thêm vào đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi các nước thành viên cho phép tái định cư khoảng 50.000 người di cư đang trong hoàn cảnh cùng cực nhất, cũng như cố gắng cải thiện cuộc sống của những người khác bằng cách tài trợ các hoạt động tại trung tâm tỵ nạn Libya của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Theo một nhà ngoại giao EU, việc xây dựng trung tâm tỵ nạn đạt tiêu chuẩn quốc tế trong thời điểm hiện nay là không khả thi ở Libya.
Ngoài hỗ trợ các tổ chức nhân đạo quốc tế, EU tài trợ cho các cơ quan an ninh Libya, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển, vốn bị mang tiếng là không đủ năng lực và nguy hiểm. Không ai có thể tính hết số tiền EU đã chi triển khai các lực lượng an ninh Libya. Hàng chục triệu euro đã được giải ngân trong vài tháng gần đây, 140 binh sĩ phòng vệ bờ biển Libya đã được huấn luyện tại Trung tâm Hải quân châu Âu Eunavfor Med. Tháng 7 vừa qua, EC đã ra thông báo về khoản chi 46 triệu euro để huấn luyện và trang bị vũ khí cho lính biên phòng Libya, cũng như thiết lập “cơ chế kiểm soát” ở Tripoli. Đó là chưa kể đến khoản tiền do các nước thành viên EU đóng góp trực tiếp. Tuy vậy, nguồn tin thân cận của bà Mogherini phủ nhận việc trực tiếp tài trợ cho lực lượng phòng vệ Libya và nhấn mạnh: “Chúng tôi sử dụng mọi đòn bẩy mà chúng tôi có để cải thiện tình hình”.
Lấy quỹ phát triển phục vụ kiểm soát nhập cư
Tiền tài trợ của châu Âu chủ yếu được rót qua Quỹ Tín thác châu Phi. Được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi tháng 11.2015 tại Valletta (Malta), quỹ này có mục đích “giải quyết những thách thức của di cư bất hợp pháp”. Quỹ đã nhận 3,2 tỷ euro thông qua các quỹ phát triển châu Âu. Theo thống kê chính thức, từ năm 2015, 478 triệu euro được giải ngân với mục đích “cải thiện quản lý di cư”, bao gồm đào tạo cảnh sát và thẩm phán, thiết lập hệ thống sinh trắc học, cung cấp trang thiết bị bảo vệ biên giới. Bà Sara Prestianni, chuyên gia Hiệp hội Hỗ trợ người di cư của Italy, cho rằng Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi tại Valletta đã đánh dấu quá trình thể chế hóa việc chuyển giao quản lý biên giới châu Âu thông qua lấy quỹ phát triển phục vụ kiểm soát nhập cư. Dự kiến năm 2018, EU sẽ mở “trung tâm điều phối khu vực” tại Thủ đô Khartum (Sudan) với kinh phí 5 triệu euro nhằm đào tạo lực lượng biên phòng và phát triển hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống buôn lậu.
EU cũng hoạt động hết công suất tại Niger và đã giải ngân 140 triệu euro thông qua Quỹ Tín thác châu Phi, trong đó ít nhất 36 triệu USD để tăng cường dịch vụ an ninh, chưa tính đến 596 triệu euro thuộc các hiệp định tài trợ song phương. Một lực lượng cảnh sát phối hợp, được gọi là EUCAP, đã ra đời từ năm 2015 với mục tiêu hàng đầu là phá các mạng lưới chuyên chở người tị nạn bất hợp pháp qua biển.
Niger được đánh giá là một điểm lưu thông quan trọng trên con đường di cư tới châu Âu qua ngả Libya. Dưới áp lực của châu Âu, nước này bắt đầu thực thi nghiêm túc từ năm 2016 Luật Chống di dân bất hợp pháp. Theo ông Raul Mateus Paula, Đại sứ EU tại Niger, mỗi người dân Niger đều hiểu rằng số tiền viện trợ cho đất nước họ gắn liền với các vấn đề di cư và an ninh. Khi số người di cư đi qua thành phố Agadez, phía Bắc Niger, giảm, người dân địa phương cũng bị mất đi phần thu nhập cho dù bất hợp pháp. Để bù đắp, EU đã tài trợ cho các chương trình trong khu vực thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Theo phân tích của ông Tcherno Hamadou Boulama, Giám đốc kỹ thuật một hiệp hội bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ di dân, hầu hết số tiền này đã không được đầu tư đúng mục đích. Ông chỉ rõ rằng với chính sách của châu Âu, rất nhiều người di cư đã chết trên sa mạc Tây Phi trước khi đến được bờ biển. Nhưng đối với các nước EU, khi số lượng người di cư đến được bờ biển Italy giảm mạnh từ 27.300 tháng 10.2016 xuống còn 5.700 tháng 10 vừa qua, đã là thành công lớn.