“Sức khỏe tâm thần - Chất lượng cuộc sống”
Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh có chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng tâm thần cho người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ tích chất đặc thù đó, tập thể cán bộ y, bác sĩ bệnh viện luôn tận tâm, tận tụy, hết lòng vì người bệnh với phương châm:“Sức khỏe tâm thần - Chất lượng cuộc sống”.
Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh
Là bệnh viện chuyên khoa về tâm thần của tỉnh, bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây chủ yếu là mắc các bệnh loạn thần, tâm thần phân liệt và động kinh... Họ đa phần là những bệnh nhân thuộc thể nặng bởi không ai muốn chấp nhận người thân của mình “mang bệnh” tâm thần, người bệnh chỉ được cúng lễ “trừ ma” hoặc điều trị tại các chuyên khoa khác, đến khi không khỏi thì nơi cuối cùng chọn lựa mới là bệnh viện tâm thần.
Với 14 khoa - phòng chức năng, 280 giường bệnh chỉ tiêu, 138 cán bộ nhân viên y tế, trước áp lực về thời gian làm việc, công tác chăm sóc và sự quá tải mà áp lực, sự căng thẳng thần kinh để công tác khám và điều trị đạt hiệu quả chính là lương tâm,trách nhiệm của cán bộ nhân viên nơi đây. Với phương châm “Sức khỏe tâm thần - Chất lượng cuộc sống”, thời gian qua, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh đã chú trọng cải tiến lề lối làm việc, chất lượng phục vụ theo hướng lấy bệnh nhân làm trung tâm. Do vậy, công tác khám bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc đã giảm đáng kể áp lực, mang đến chuyển biến toàn diện, tạo ra một môi trường bệnh viện thân thiện giúp cho người bệnh nhanh chóng ổn định sức khỏe tâm thần, sớm trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội.
![]() Lãnh đạo Sở y tế thăm hỏi bệnh nhân nội trú của Bệnh viện |
Theo Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc bệnh viện: Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, những năm qua song song với việc đầu tư cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, bệnh viện đã ứng dụng và triển khai thêm nhiều kỹ thuật mũi nhọn trong điều trị các bệnh lý tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện, giải quyết tốt các trường hợp cấp cứu tâm thần, sảng rượu, trạng thái động kinh, điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần ở người cao tuổi; phát hiện và can thiệp sớm các rối loạn tâm thần tại cộng đồng, phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp cho bệnh nhân... Các trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư đưa vào phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh như máy điện não đồ vi tính, máy đo lưu huyết não, máy siêu âm 4D, máy siêu âm Dopler mạch máu não, máy chụp X-quang số hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy sinh hóa máu tự động… cùng nhiều kỹ thuật mũi nhọn đã và đang được sử dụng khẳng định lộ trình phát triển.
Trong hoạt động chuyên môn, bệnh viện đã xây dựng được trên 60% quy trình kỹ thuật theo Thông tư 43/2013/TT-BYT, được Sở Y tế phê duyệt và đã áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị, xây dựng, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp và đưa lên trang thông tin điện tử của ngành y tế tỉnh, của bệnh viện, hướng dẫn của khoa, phòng để nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã tiến hành triển khai các kỹ thuật phục hồi chức năng - tâm lý trị liệu cho người bệnh, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý mới phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh qua đó đã khẳng định ưu thế trong điều trị bệnh tâm thần tại cơ sở.
Còn đó những khó khăn
Năm 2017, cùng với việc triển khai tốt công tác khám và điều trị tại chỗ, bệnh viện đã triển khai tốt công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng tại 14 huyện, thị (186 xã phường), duy trì Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần tại 164 xã phường cũ (đã triển khai năm 2016) và triển khai thêm 10 xã phường mới. Đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức tâm thần cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện thị, tuyến cơ sở và cán bộ đoàn thể, chính quyền xã. Cùng với đó, đơn vị đã chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới: Xử trí loạn thần cấp, đợt cấp của tâm thần phân liệt, xử trí người bệnh động kinh…
Ngay sau khi Sở Y tế giao chỉ tiêu chuyên môn và kinh phí, bệnh viện đã xây dựng, triển khai đồng loạt kế hoạch chỉ đạo tuyến và thực hiện Dự án Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cộng đồng - trẻ em. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Minh Hạnh, trong quá trình triển khai đơn vị đã gặp không ít khó khăn đó là phương tiện để triển khai chỉ đạo tuyến và dự án tại cộng đồng gần như không có bởi, bệnh viện chỉ có 1 phương tiện duy nhất xe cứu thương để chuyên chở bệnh nhân tại chỗ. Hơn nữa, bệnh viện cũng không đủ kinh phí để mua thuốc chuyên khoa tâm thần, có chăng chỉ là những loại thuốc cổ điển, rẻ tiền, nhiều tác dụng phụ… qua khám, sàng lọc tại 174 xã, phường cũng đã phát hiện thêm 210 bệnh nhân mới và kinh phí để khám, điều trị lại càng khó khăn hơn...
![]() Khám bệnh tại Trung tâm y tế Tiên Yên |
Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Hồng Tâm, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết để giải quyết những tồn tại, vướng mắc từ nhiều năm nay, Bệnh viện đã triển khai một số giải pháp đối với bệnh nhân tâm thần ngoại trú tại cộng đồng trong đó ưu tiên triển khai sớm cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; khám bệnh, cấp thuốc cho người bệnh thông qua BHYT tại Khoa Khám bệnh đối với những bệnh nhân ở khu vực gần bệnh viện… Để triển khai những năm tiếp theo, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần mong muốn sẽ được tỉnh, ngành y tế hỗ trợ trang bị phương tiện, bổ sung nguồn kinh phí để đơn vị có đủ cơ số thuốc cấp cho người bệnh và triển khai các hoạt động của Dự án Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cộng đồng và công tác chỉ đạo tuyến.
Được biết để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo các TTYT huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế chuyên trách khám và điều trị bệnh tâm thần, hàng tháng khám bệnh, cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần. Qua đó, giúp cho người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe tâm thần, người bệnh được ổn định, hòa nhập cùng cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phát nhập viện điều trị nội trú, giảm tỷ lệ gây hại, gây rối do bệnh nhân tâm thần gây ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Nhưng để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững thì phải có cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể tại các địa phương góp phần phát hiện, giám sát, điều trị cho bệnh nhân tâm thần ổn định.
Rời khỏi bệnh viện nhưng trong tôi vẫn mang theo sự trăn trở của những người làm công tác quản lý: Bệnh viện “hiện có” hơn 40 bệnh nhân tâm thần thuộc diện “vô thừa nhận” - họ không tên, không tuổi, không giấy tờ tùy thân, không quê hương bản quán, người thân... Họ là những bệnh nhân bị tâm thần nặng, từ nhiều nơi đến, hiện được lưu trú, quản lý, chăm sóc tại đây và gánh ngày càng thêm nặng bởi với những bệnh nhân vô thừa nhận họ sẽ không có bất kỳ một chế độ BHYT nào; đơn vị đã nhiều lần đề xuất về việc giải quyết các chế độ, để có kinh phí, chế độ chăm sóc, thuốc thang nuôi dưỡng đối tượng này, nhưng…