Nhìn lại tuyển sinh các trường ngoài công lập

Phương Anh 22/11/2017 08:06

Các trường đại học (ĐH) ngoài công lập hiện đang gặp phải thách thức lớn nhất là khó tuyển, hoặc không tuyển đủ chỉ tiêu. Trước thực tế đó, nhiều trường đang tìm mọi nỗ lực theo nhiều cách thức để thu hút sinh viên...

Không có sinh viên theo học

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), trong tổng số gần 1.768.000 sinh viên của năm học 2016 - 2017, có tới 1.524.000 sinh viên theo học tại 170 trường công lập, chỉ có gần 244.000 sinh viên theo học tại 65 trường ngoài công lập, trong đó có 5 trường 100% vốn nước ngoài. Nhiều trường đang trong tình trạng không có sinh viên nhập học.

Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Trưởng ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ, theo kết quả đăng ký xét tuyển đợt tháng 4.2017 các trường ĐH ngoài công lập có hàng nghìn thí sinh đăng ký nhưng khi các trường chốt điểm trúng tuyển thì nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chỉ tiêu. Theo ông Cường, các thí sinh chưa thực sự mặn mà với trường ngoài công lập, hơn nữa nhiều phụ huynh e dè khi quan niệm học phí trường công luôn thấp và giá trị bằng cấp của trường công hơn trường tư mà quên rằng nhiều trường tự chủ tài chính mức học phí cũng ngang ngửa trường tư và giá trị bằng cấp ngang nhau. Trường ĐH Thủy lợi cũng tuyển bổ sung gần 1.000 sinh viên cho các mã ngành đào tạo do dự kiến ban đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều xác nhận nhập học.

Tương tự, hệ CĐ cũng trải qua một mùa tuyển sinh khó khăn. Theo TS. Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, 2017 là năm đầu tiên khối các trường CĐ ngoài trường sư phạm tách khỏi hệ thống tuyển sinh của Bộ GD - ĐT và nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nên thông tin không đến được với học sinh như trước đây dẫn đến nhiều thí sinh, phụ huynh không nắm được thông tin tuyển sinh của các trường, quy chế tuyển sinh của hệ giáo dục nghề nghiệp. Điều này khiến nhiều trường trước đây tuyển sinh rất thuận lợi nhưng năm nay gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia, chính việc Bộ GD - ĐT không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng là nhược điểm, chúng ta không thể kiểm soát và nhận biết dòng chảy thí sinh khi phần mềm lọc ảo chỉ gói gọn cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm. Học sinh mấy năm nay không phải cố vào đại học bằng mọi giá và cũng dần ý thức việc lựa chọn học tại các trường cao đẳng.

Cần điều chỉnh quy chế tuyển sinh

Khi gia nhập hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường CĐ trước đây vốn thuộc Bộ GD - ĐT không còn bị ràng buộc bởi điểm sàn xét tuyển, chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc tương đương là đủ điều kiện xét tuyển. Đây là thuận lợi của khối trường CĐ, đồng thời các trường cũng được tuyển sinh quanh năm.

Thế nhưng, TS. Trần Mạnh Thành cho rằng về khía cạnh đào tạo, việc cho phép các trường được tuyển sinh quanh năm tạo cho thí sinh tâm lý lúc nào đi học cũng được nên sẽ khó khăn trong việc tập trung đào tạo. Các trường không thể tổ chức đào tạo khi lớp học có quá ít người học. Theo ông Thành, quy chế tuyển sinh cần quy định một năm tuyển sinh vào 4 mùa hoặc tập trung theo 2 học kỳ để việc tổ chức đào tạo thuận lợi hơn. Tuy các trường ngoài công lập đang khó khăn trong tuyển sinh nhưng ông Thành vẫn lạc quan bởi theo ông, thời gian đào tạo đã được rút ngắn xuống còn 2 - 3 năm (tùy ngành) đồng nghĩa với việc các trường sẽ chỉ tập trung vào những môn học thiết thực, tăng thời gian thực hành, thực tập để bảo đảm các em tham gia tốt vào thị trường lao động, điều này sẽ khuyến khích thí sinh theo học.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường nhận thấy thí sinh nếu không trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì sẽ làm thủ tục trúng tuyển bằng học bạ chứ không có nhiều thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung. Các trường, đặc biệt là trường ngoài công lập, muốn tuyển sinh tốt cần phải gia tăng nội lực và giải quyết được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đây mới là mấu chốt. 

 Với các trường ĐH, dù năm 2017 Bộ GD - ĐT dùng phần mềm lọc ảo chung nhưng vẫn không thể chống được ảo khi cho phép thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng vào các trường ĐH. Bên cạnh đó, các trường ĐH ngoài công lập còn xét tuyển theo kết quả THPT (học bạ). TS. Tô Hoài Thắng cho biết: Vào thời điểm xét tuyển đợt 1, khi phần mềm của Bộ GD - ĐT đóng lại, chỉ có 170 trường đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ từ 70% - 73%, thì có 234 trường nhiều trường hợp thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn không đến làm thủ tục khiến phải xét tuyển bổ sung. Điều này phần nào cho thấy công tác hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả.

Phương Anh