Chất lượng giáo viên - chất lượng giáo dục
Để phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2030, ngành giáo dục sẽ đào tạo khoảng 9.000 tiến sĩ! Đó là một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: “Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay còn thấp, chiếm khoảng 21%. Do đó, mục tiêu của Đề án 911 là phải đạt 35%. Với đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ thì mới chỉ đạt 30%”.
UNESCO tổng kết, chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Nhận định này thể hiện súc tích nhất vai trò của giáo viên trong giáo dục. Điều đó cho thấy việc nâng cao chất lượng giáo viên có tính quyết định trong đổi mới giáo dục. Việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ chỉ là một giải pháp cụ thể. Vấn đề là nâng cao chất lượng giáo viên phải trở thành chính sách ưu tiên hàng đầu một cách hệ thống, phải thu hút nguồn lực xã hội đầu tư tương xứng và tháo gỡ những “nút thắt” kìm hãm lâu nay.
Trước hết là đầu vào của ngành sư phạm. Nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chỉ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn cả phẩm chất đạo đức, tư cách. Lao động sư phạm vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, là lao động đặc biệt tạo ra lớp người mới. Thế nên ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, họ có chính sách ưu tiên, thu hút, lựa chọn người tài vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, chúng ta đang có những bất cập mang tính hệ thống trong quản lý, đào tạo dẫn đến hiện tượng chuẩn đầu vào sư phạm rất thấp; lấy cho đủ chỉ tiêu. Đây là tiếng chuông cảnh báo không phải chỉ cho người học mà còn cho công tác quản lý giáo dục và xây dựng môi trường sư phạm thu hút nhân lực chất lượng cao không chỉ trong trước mắt mà đeo bám quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Thứ hai là môi trường làm việc và đãi ngộ. Chất lượng giáo viên, sự phát triển nghề nghiệp đặc biệt này không chỉ phụ thuộc đầu vào mà quan trọng còn ở môi trường làm việc và đãi ngộ, nhìn nhận của xã hội. Để có môi trường sư phạm tốt thì có nhiều yếu tố, trong đó khâu quản lý rất quan trọng; quản lý phải tạo ra được động lực phấn đấu, sáng tạo cho giáo viên và xác định mối quan hệ căn bản giáo viên, học sinh và nhà trường. Ở lớp thì học sinh là trung tâm; với nhà trường thì giáo viên phải là trung tâm. Từ đó phát huy tính dân chủ trong quản trị nhà trường; đề cao vai trò làm chủ, sáng tạo của người thầy để nâng cao chất lượng giảng dạy mà không lo đối phó với quản lý hành chính. Bên cạnh đó, phải có chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo từ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, đến tuyển dụng, sử dụng, đánh giá… Đây vẫn là một điểm nghẽn.
Thứ ba là sự dấn thân, sáng tạo, vươn lên không ngừng. Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, người thầy không còn là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà dẫn dắt, định hướng và truyền cảm hứng lôi kéo người học vào kho tàng trí thức vô tận. Người học tiếp nhận từ thầy cô kiến thức, đam mê sáng tạo vươn lên và đặc biệt là phương pháp tư duy, thu nhận kiến thức; xác định các chuẩn mực xã hội, hình thành nên nhân cách, trí tuệ của con người mới. Vì vậy, vai trò tiên phong của người thầy vô cùng quan trọng. Tri thức xã hội bồi đắp không ngừng, với tốc độ cao “chất và lượng” rất lớn. Điều đó tạo áp lực lớn cho nhà giáo luôn luôn cập nhật, tự làm mới, thực sự là tấm gương mẫu mực.
Trong xã hội hiện đại thì khó khăn cũng hiện đại và thầy giáo cũng mang tính hiện đại. Nhà giáo phải là nhà giáo dục, nhà khoa học, đồng thời là nhà văn hóa. Đấy cũng chính là thông điệp để nâng cao chất lượng giáo viên trong cách mạng giáo dục.