Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Giải đáp được nhiều vấn đề

Anh Phương 18/11/2017 07:27

“Hiện nay đã có 70 ĐBQH đăng ký chất vấn. Chắc chắn thời gian cho Bộ trưởng nghe chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không đủ để trả lời 70 đại biểu, nhưng trong điều hành chúng tôi sẽ cố gắng...”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
                                         Ảnh: Quang Khánh

Thông tin mà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra khi bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn sáng qua có lẽ đã cho thấy sức nóng của lĩnh vực Bộ trưởng đang phụ trách. Rất may, sau đó, do có nhiều nội dung trùng, nhiều ĐBQH đã rút lại, nên số lượng đăng ký chất vấn với Bộ trưởng giảm xuống còn 55 đại biểu. Dẫu vậy, con số này cũng vượt so với số lượng 48 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Và mặc dù những nhóm vấn đề đưa ra chất vấn Bộ trưởng lần này có phạm vi rất rộng, phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, môi trường xã hội và đời sống của nhân dân, thậm chí là xuyên biên giới, nhưng điều mừng là thông qua phần trả lời của Bộ trưởng, mhiều vấn đề đã được giải đáp.

Đơn cử, với vấn đề đang thu hút sự tham gia ngày càng đông của đảo của người dùng Việt Nam là mạng xã hội, như Facebook, YouTube..., thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện đang có 363 trang mạng xã hội trong nước được Bộ cấp phép hoạt động và 2 mạng xã hội nước ngoài do tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, hai mạng xã hội này lại có đông người Việt Nam sử dụng nhất. Tính đến ngày 30.9.2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam. Như vậy, mạng xã hội đang được phổ cập ngày càng rộng rãi. Trực diện và thẳng thắn, ĐBQH Cao Thị Xuân hỏi: - “Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin từ báo chí chính thống?

Khẳng định ĐB Cao Thị Xuân “nói như vậy là gần đúng”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, thực tế thông tin trên mạng xã hội “không lấn lướt” thông tin trên báo chí, nhưng thông tin trên mạng xã hội tốc độ truyền tin rất lớn, nhanh chóng, thậm chí áp đảo. Nhìn tổng thể thì đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn là thông tin trên mạng xã hội. Thường người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định thông tin đúng, không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định thông tin đúng. Và đây cũng là vấn đề “không riêng gì nước ta mà hầu hết các nước trên thế giới đều gặp phải”, nhưng theo Bộ trưởng, thì “luật pháp của họ vẫn có đủ để đối phó với các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội”. Còn trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, mạng xã hội đã được phổ cập nhanh chóng trong khi hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện nên cũng phải thừa nhận rằng “chúng ta không khỏi lúng túng khi xử lý các vấn đề”.

Phức tạp - đây có lẽ là một trong những đặc thù của mạng xã hội. Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, thì nếu “đóng cửa” với internet, nói không mạng xã hội, thì thực khó để phát triển. Nhưng bên cạnh mặt tiện ích, thì những tác hại do internet, mạng xã hội cũng không phải nhỏ. Nào là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, thậm chí “ném đá”, nói xấu, chì chiết, làm đủ cách hại nhau trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn gọi đây là “tình trạng năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội”.

Trong trả lời của mình, Bộ trưởng cũng nêu rõ những việc Bộ đã làm để “tăng cường năng lượng tốt, giảm bớt và đi đến hạn chế tối đa năng lượng xấu” trên mạng xã hội. Một trong những việc làm được Bộ trưởng dẫn chứng, đó là “trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tác động để gỡ bỏ khoảng gần 5.000 clip ở trên Youtube khi những clip đó xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân”. Và trong thời gian tới, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương để đẩy mạnh các thông tin ở trên báo chí (mà chúng ta quen dùng là báo chí chính thống) để đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. “Phải làm thế nào để chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Rõ ràng về những việc đã làm và mạch lạc cả những việc đang và sẽ thực hiện, như “dự kiến sẽ xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo Mobiphone trong việc để tồn tại tình trạng sim rác và tin nhắn rác như hiện nay, không có tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi”... Nhưng nếu nói rằng, qua trả lời của Bộ trưởng, đã thấy có giải pháp căn cơ để kiểm soát, quản lý được những hạn chế, tồn tại ĐBQH đã chỉ ra thì chắc chắn câu trả lời là chưa. Tại Phiên chất vấn đã có 9 ĐBQH giơ biển tranh luận với Bộ trưởng.

Khẳng định Bộ trưởng trả lời các ý kiến của ĐBQH thể hiện “nắm khá chắc vấn đề và rất nghiêm túc cầu thị”, tuy nhiên, ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chưa đồng tình khi Bộ trưởng nói rằng, chi cho Chính phủ điện tử “chưa đáp ứng yêu cầu”. Trích dẫn nhiều số liệu tin cậy, ĐB Lê Thị Nga nói rằng “số tiền đầu tư này không phải nhỏ”. Vấn đề là Bộ trưởng cần đánh giá được hiệu quả đầu tư đã tương xứng với số tiền ngân sách bỏ ra hay chưa? Hay, cũng có những trả lời của Bộ trưởng mà nghe xong, đại biểu (ĐBQH Vũ Trọng Kim - Hải Dương) cảm thấy “hoang mang”...

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước QH và đồng bào, cử tri cả nước. Tuy nhiên, cách đây không lâu, ngày 18.4.2017, Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH tại Phiên họp thứ 9 của UBTVQH. Tuy phạm vi và quy mô nhóm vấn đề đưa ra chất vấn tại QH và Phiên họp của UBTVQH có khác nhau, nhưng từ trước đến nay, có lẽ cũng hiếm Bộ trưởng, trưởng ngành nào trong một năm 2 lần trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH như vậy.

Điều đó một mặt cho thấy sự quan tâm của cử tri cũng như ĐBQH đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông. Song mặt khác cũng phản ánh rằng, dù có nhiều cố gắng,  nhưng mặt trận “4T” này đang còn không ít hạn chế, tồn tại. Cử tri cũng như ĐBQH mong rằng, Bộ và Bộ trưởng phải tập trung cao độ hơn nữa để giải quyết có hiệu quả, rốt ráo, để người dân được thụ hưởng một môi trường thông tin và truyền thông tiện ích, thật sự an ninh, an toàn. 

Anh Phương