Thu lớn, đóng thuế nhỏ giọt?

Chi An 17/11/2017 07:28

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngày 16.11, các đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã chất vấn Bộ trưởng những giải pháp quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mạng. Các đại biểu cho rằng, với phương thức thu thuế khoán trên doanh thu như Uber và Grab, số thuế thất thu sẽ rất lớn.

Có chung loại hình hoạt động như taxi, nhưng cơ quan thuế đang áp dụng hai chế độ khác nhau cho taxi và Uber, Grab. Trong khi taxi nộp thuế theo hình thức kê khai thì Uber, Grab lại được ấn định tỉ lệ nộp thuế trên doanh thu với nhà thầu nước ngoài (tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam).

Chỉ tính riêng báo cáo thuế của 30.000 taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi năm các doanh nghiệp chủ quản nộp gần 2.000 tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước. Còn 31.000 xe chạy hợp đồng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong đó phần lớn là tham gia ứng dụng Grab, Uber, nhưng từ năm 2014 – 2016, mỗi năm hai đơn vị chỉ nộp tổng cộng khoảng 20 tỷ đồng. Nếu mỗi taxi truyền thống đang phải đóng theo mức khoán thu là 35% thu nhập, thì Grab, Uber chỉ đóng tổng cộng 4,5 - 5% cho nội dung này.

Theo nhiều chuyên gia, số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động hiện đã vượt 50.000 chiếc. Với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng “bản thân chủ ở nước ngoài lĩnh đủ, tất cả hệ lụy ở trong nước”. Rõ ràng, số tiền thất thu của ngân sách nhà nước là rất lớn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế đang được hoàn thiện, nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kiểm tra nộp Thuế của Grab, Uber từ khi kinh doanh tại Việt Nam. Sau thanh tra, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy thu gần 67 tỷ đồng đối với Uber, gần 3 tỷ đồng đối với Grab. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, về lâu dài, yêu cầu các đơn vị này phải có hiện diện thương mại ở Việt Nam. “Để kê khai, nộp thuế thay sẽ rất khó quản lý”.

Thực tế cho thấy, chúng ta còn lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp như Uber và Grab, hay rộng hơn là quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mạng. Trong khi quyền định giá cước, quyền thu cước và phân chia lợi nhuận thuộc về Uber, Grab nhưng lại “đẩy” trách nhiệm cho những cá nhân ở Việt Nam kê khai nộp thuế là bất hợp lý.

Chính phủ đồng ý cho Uber, Grab thí điểm triển khai 2 năm, đến nay đã được hơn một năm. Cần có sự khảo sát, đánh giá, xác định rõ trách nhiệm các bên, trong đó Uber và các đối tác Việt Nam có nghĩa vụ gì, thuế bao nhiêu phần trăm. Việc xác định rõ trách nhiệm này sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng phương án thu và giải pháp chế tài bảo đảm việc thu theo quy định của pháp luật về thuế.

Chi An