Bài 1: Làm mới chùa cổ

Hồng Hà 16/11/2017 07:30

Lớp tường bao kín đáo, phù điêu chói mắt với hai màu vàng đỏ rực rỡ phủ lên nhiều hạng mục kiến trúc tại di tích quốc gia chùa Khúc Thủy, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, khiến công trình mất đi nét đẹp rêu phong cổ kính.

Người làng cũng thấy xa lạ!

Theo tài liệu, chùa Khúc Thủy được khởi dựng năm 1010. Trước kia chùa có diện tích chỉ bằng khoảng 1/3 hiện nay, sở hữu không gian trầm mặc, cổ kính, xung quanh được bao bởi hàng rào dâm bụt, phía bên trái có giếng nước và phía sau là hồ bán nguyệt thanh tịnh. Chùa Khúc Thủy hiện nay được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ và theo hồ sơ được công nhận là Di tích quốc gia về nghệ thuật kiến trúc năm 1991, nơi đây còn lưu giữ 28 pho tượng, trong đó có 16 pho tượng Mẫu, nhiều pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, cùng 6 tấm bia đá.

Tuy nhiên, gần đây, trong khuôn viên chùa Khúc Thủy có một số công trình được xây dựng mới hoành tráng, không liên quan đến kiến trúc truyền thống của chùa cổ. Qua cổng chùa, sau bức tường bao kín, nhiều hạng mục được sơn hai tông màu vàng chói, đỏ rực. Vào sâu trong chùa, chắn trước Tam bảo là bức tượng Phật lớn tọa trên đài sen trắng, đôi nghê đá án ngữ hai bên lư hương, che kín hầu như toàn bộ mặt tiền Tam bảo. Sát Tam bảo là hai dãy tượng Phật gồm 100 bức có chiều cao 2m, bao gần như toàn bộ không gian hai bên chùa.

Cổng chùa được sơn lòe loẹt, khác lạ Ảnh: Hương Sen
Cổng chùa được sơn lòe loẹt, khác lạ Ảnh: Hương Sen

Ngay phía sau gian nhà Tổ mới sửa sang là hai tòa nhà 3 tầng đang trong quá trình hoàn thiện. Một bức tượng Phật niết bàn ở chính giữa khoảng sân rộng. Phía sau tượng Phật, trên mái gian nhà thấp thêm một tượng Phật lớn ngự trên đài sen. Cùng với tháp trống, tháp chuông, hình trạm, phù điêu, cột đá, chân đèn đá… tất cả khuôn viên rộng hơn 2ha của chùa Khúc Thủy hiện là một không gian kiến trúc phức hợp, mà các chuyên gia nhận định, như đang lạc vào công trình nào đó của Trung Quốc hay Ấn Độ…

Ông Đặng Cát Lượng (gần 80 tuổi), giống như nhiều người dân Khúc Thủy, thấy buồn vì ngôi chùa hiện nay không còn như xưa. Chỉ gian chính điện (Tam bảo) giữ được dáng dấp ngôi chùa cổ. Giếng và hồ bán nguyệt cùng những tòa mộ tháp đã bị san lấp, di dời để xây dựng công trình khác. Hàng rào dâm bụt được thay bằng tường gạch cao, gần đây đắp thêm phù điêu ở bên ngoài và vẽ tranh, phủ rèm che ở phía trong. Khuôn viên chùa cũng được mở rộng hơn nhiều so với thời điểm được công nhận là Di tích quốc gia. “Các hạng mục mới, chữ, hoa văn, họa tiết lạ, tượng Phật lớn khiến chùa trở nên hoành tráng nhưng không còn nét gì giống với ngôi chùa cổ. Dân làng nếu đi xa lâu ngày trở về có lẽ không nhận ra nữa”, ông Lượng tâm sự.

Hoàn toàn tự phát

 Chùa Khúc Thủy cổ nằm trong quần thể Di tích Thánh địa Khúc Thủy gồm nhiều di tích lịch sử, tâm linh như đình Khúc Thủy, chùa Linh Quang, chùa Dâu, đền, miếu, văn chỉ, từng là nơi các bậc danh tăng, danh tướng thời Lý - Trần sinh sống và tu hành. Chùa có tên dân gian là Phúc Đống tự hay còn gọi là chùa Thắng Nghiêm.

Nói về những thay đổi của ngôi chùa, sư trụ trì Thích Minh Thanh giải thích, đây là kết quả của quá trình trùng tu từ năm 2010 tới nay. “Năm 1997, tôi về nhận trụ trì chùa Khúc Thủy, tới nay chỉ có 2 lần được Nhà nước cấp tiền trùng tu nhỏ vào các năm 1998 (được cấp 100 triệu đồng trùng tu Tam bảo) và 2001 (50 triệu đồng trùng tu nhà Tổ). Tuy nhiên, thực tế trùng tu cần số tiền nhiều hơn thế, và các hạng mục khác thực hiện từ năm 2010 đến nay hoàn toàn không có kinh phí nhà nước, mà do nhà chùa vận động xã hội hóa và tự làm”.

Sư thầy Thích Minh Thanh cho biết thêm, quá trình trùng tu chùa là tự phát, không có người hướng dẫn. “Năm 2009, tôi lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nhờ lập tờ trình xin kinh phí trùng tu thì nhận được câu trả lời chùa không thuộc di tích trọng điểm nên không được Nhà nước hỗ trợ mà phân cấp về huyện. Huyện cũng thông báo không có kinh phí, nên chùa tự vận động để trùng tu… Địa phương chưa hề có văn bản hướng dẫn về việc này. Vì thế, bao năm nay nhà chùa xây dựng cũng không ai hỏi han thủ tục hay có hướng dẫn gì”, thầy Thích Minh Thanh khẳng định.

Về màu sơn khác lạ, theo sư thầy Thích Minh Thanh, “thứ nhất để bảo quản cho khỏi ẩm mốc, thứ hai cũng là phù hợp với màu của nhà Phật”. Tuy nhiên, sư thầy Thích Minh Thanh cho biết đang xin ý kiến các cấp, nếu không phù hợp, sẽ hoan hỉ trả lại nguyên bản màu sơn, sửa lại cổng Tam quan, sắp đặt bố trí tượng sao cho đúng hiện trạng khi chùa được công nhận Di tích Quốc gia.

Hồng Hà