Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp
Sáng nay, 15.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp.
Với 87,78% ĐBQH tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp có 12 chương, 108 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời, quy định nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp. Theo đó, rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng. Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.
![]() Chủ nhiiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng |
Ảnh: Quang Khánh |
Luật cũng quy định nguyên tắc quy hoạch lâm nghiệp phải bảo đảm Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia; chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Bảo đảm quản lý rừng bền vững; khai thác, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế của rừng và các giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân. Rừng tự nhiên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giới.
![]() Đòan ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) |
Ảnh: Quang Khánh |
Ngoài ra, việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, diện tích rừng hiện có của địa phương; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt; không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.
![]() Đòan ĐBQH Bắc Kạn biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) |
Ảnh: Quang Khánh |
Đối với việc đóng và mở cửa rừng tự nhiên, dự thảo luật quy định rõ phải bảo đảm nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; bảo đảm công khai và minh bạch; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên. Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên đối với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn sau khi được HĐND cùng cấp thông qua đề án đóng, mở cửa rừng tự nhiên. Quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên phải được công bố, niêm yết công khai. Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ…
Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019.