Nhìn nhận đúng vai trò người thầy
Chia sẻ tại Tọa đàm “Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy” do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, ĐBQH Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, Thanh Hóa, ví thầy cô giáo như nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng, là người định hướng và để cho học sinh tự nắm bắt tri thức, tạo thành một bản nhạc hay mà không làm mờ đi tiếng của các nhạc cụ khác nhau.
Không thể thay thế
“Hạnh phúc lớn nhất của người thầy là được đứng trên bục giảng và được xã hội ghi nhận. Nếu người thầy được học sinh yêu quý, xã hội ghi nhận, trọng vọng và tạo điều kiện để người thầy chủ động sáng tạo trong công việc, điều đó sẽ thực sự sẽ tạo nên thành công cho ngành giáo dục”. ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Trong chiều dài lịch sử dân tộc, người thầy luôn được đặt ở vị trí trang trọng. Đặc biệt khi kênh kiến thức ngày càng phong phú, thì vai trò của người thầy càng được đề cao, vì trong không gian tri thức đồ sộ ấy, luôn cần người thầy định hướng để học sinh nhận biết được tri thức đúng, tri thức cần… Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, bên cạnh tri thức thì cái cần thiết khác của con người còn là phẩm chất, nhân cách, tư tưởng, đạo đức. “Những điều này học được từ đâu nếu không từ người thầy bằng những bài giảng truyền cảm hứng? Tôi nghĩ rằng, mỗi học trò đến lớp học, đến với thầy cô, với bài giảng là để tích lũy kiến thức, tìm những yếu tố cần cho sự trưởng thành của mình”.
Theo thời gian cùng sự phát triển của khoa học - công nghệ, phương pháp học tập có sự thay đổi và học sinh tiếp cận nhiều nguồn kiến thức hơn, nhưng vai trò của thầy vẫn không thể thay thế. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, ĐBQH Bùi Thị Thủy, Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, ngày nay, thầy cô giáo được ví như nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng, định hướng và để cho học sinh tự nắm bắt tri thức, tạo thành một bản nhạc hay nhưng không làm mờ đi tiếng của các nhạc cụ khác nhau. Người thầy không chỉ sáng tạo mà còn phải truyền cảm hứng sáng tạo đó cho học trò.
Xác định một cách đầy đủ, tôn vinh, phát huy được giá trị của người thầy đang là thách thức trong chiến lược giáo dục cũng như nỗ lực của từng nhà trường, từng cơ sở giáo dục và từng cá nhân người thầy trong môi trường cụ thể. Theo GS. TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc nhìn nhận giá trị của người thầy trong giáo dục vừa dễ, vừa khó. “Dễ là nhìn thấy giá trị của họ, khó ở chỗ hoạch định chính sách để giá trị ấy phát huy một cách đầy đủ. Giá trị của giáo viên là giá trị vĩnh cửu cho từng con người, từng gia đình, cho cả một quốc gia và loài người. Giá trị ấy không bao giờ thay đổi và mất đi. Giá trị thường được đánh giá bằng vật chất và tinh thần. Phải xác định hai yếu tố này có mối quan hệ với nhau. Nếu đánh giá bằng vật chất không tương xứng thì tinh thần bị suy giảm”.
Áp lực từ nhiều phía
Các đại biểu đều cho rằng nhà giáo hiện nay phải chịu rất nhiều áp lực. Trước hết đó là áp lực từ chính đòi hỏi của công cuộc đổi mới của ngành giáo dục, giáo viên phải không ngừng tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thay đổi phương pháp. Tiếp đến là yêu cầu đòi hỏi rất cao và rất chính đáng của phụ huynh cũng như xã hội đối với nhà giáo. “Ngày xưa, người thầy được toàn quyền về việc tạo ra sản phẩm giáo dục, có thể răn dạy học sinh theo cách của thầy mà phụ huynh không can thiệp vào. Bây giờ, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh đối với nhà trường rất tích cực, nhưng bên cạnh ấy, sự giám sát của phụ huynh đối với người thầy cũng là áp lực không nhỏ” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhận xét.
![]() |
ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo, Trường THPT Giao Thủy, tỉnh Nam Định nêu thực tế: “Trường hợp giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành trong khi đã có gần 10 năm cống hiến là việc chúng ta cần suy nghĩ. Áp lực với giáo viên đến từ rất nhiều phía, đơn giản như có video clip về học sinh đánh nhau trên mạng, lập tức nhiều người sẽ đặt câu hỏi là học sinh học đó học trường nào, thầy cô nào. Nhiều người không nghĩ rằng, học sinh không chỉ là sản phẩm giáo dục của giáo viên hay nhà trường mà còn của từng gia đình và cả xã hội”.
Cần chính sách đặc thù
Năm 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Qua giám sát cho thấy, có đến 168 văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho nhà giáo, nhưng vẫn rất thiếu, lạc hậu và không đồng bộ, nên nhiều chính sách ban hành không đi vào cuộc sống. “Đây là điều chúng ta cần đối mặt, phải điều chỉnh. Vai trò của người thầy rất quan trọng, làm thầy là nghề đặc thù, nhưng chính sách không đặc thù thì không bao giờ là sự động viên, tạo động lực cho thầy cô giáo… Đã đến lúc phải làm cuộc rà soát một cách tổng thể tất cả văn bản, chính sách hiện có. Những gì lạc hậu thì bỏ và thay thế, những gì chưa có phải xây mới, đặt ra những quy định về cơ chế, chính sách đúng nghĩa đặc thù cho nghề giáo” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định.
TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, một trong năm giải pháp chiến lược mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra là trong năm nay quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đội ngũ nhà giáo. Trong Luật Giáo dục đang sửa đổi, chương về nhà giáo rất được quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất cần các thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, đón nhận các thách thức và chuyển hóa một cách tích cực. Bởi đây cũng là cơ hội để các thầy cô khẳng định mình, vì Đảng và Nhà nước, tất cả các cấp, ngành đều quan tâm đến giáo dục ở những góc độ khác nhau.