Luật Các hành vi tham nhũng nước ngoài
Thanh gươm sắc răn đe doanh nghiệp
Pháp luật Mỹ không chỉ cấm các cá nhân, tổ chức của nước này thực hiện các hành vi hối lộ, tham nhũng trong nước mà cả ở nước ngoài. Luật Các hành vi tham nhũng nước ngoài (FCPA) được ví như thanh gươm sắc treo trên đầu các công ty Mỹ có ý định “đi đêm” với các quan chức nước ngoài.
Kết quả điều tra của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) giữa thập kỷ 1970 cho thấy, trên 400 công ty Mỹ thừa nhận đút lót hơn 300 triệu USD cho các quan chức Chính phủ, chính trị gia và đảng phái nước ngoài. Hành vi này diễn ra ở nhiều cấp độ, từ việc “bôi trơn” nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động làm ăn đến hối lộ quan chức cấp cao để đổi lấy một số “ưu ái” của Chính phủ nước ngoài. Đơn cử, vụ bê bối của tập đoàn sản xuất hàng không vũ trụ Lockheed Martin của Mỹ, trong đó, lãnh đạo tập đoàn này đã hối lộ các quan chức nước ngoài để đối lấy sự ủng hộ dành cho các sản phẩm do Lockheed sản xuất. Hay trong vụ bê bối Bananagate, nhà sản xuất và phân phối chuối Chiquita Brands đã hối lộ Tổng thống Honduras để được hưởng mức thuế thấp hơn các doanh nghiệp khác.

Năm 1977, Quốc hội Mỹ đã thông qua FCPA nhằm chấm dứt các hành vi hối lộ quan chức nước ngoài và khôi phục niềm tin của công chúng đối với sự trong sạch của giới doanh nghiệp Mỹ. Sau khi được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký ban hành ngày 19.12.1977, FCPA được sửa đổi lần đầu tiên bởi Luật Cạnh tranh và thương mại năm 1988 và sửa đổi lần thứ hai bởi Luật chống hối lộ năm 1998. Các điều khoản của FCPA bao gồm hai nội dung chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách, giấy tờ.
FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ chi trả hoặc đưa tiền hay bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó. Hành vi hối lộ được quy định không chỉ dưới hình thức đưa tiền hoặc vật phẩm có giá trị, mà còn bao gồm cả chào mời, gợi ý, hứa hẹn mãi lộ. FCPA quy định, bất kể thứ gì có giá trị mà bị dùng vào việc lót tay cho quan chức nước ngoài nhằm giành lợi thế không thỏa đáng, đều bất hợp pháp. Theo luật này, ngay cả khi một công ty tình nguyện “trả tiền học phí cho con em quan chức nước ngoài”, hay chi trả các bữa ăn xa xỉ với quan chức nước ngoài cũng bị coi là hành vi hối lộ. Bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào vi phạm những hành vi trên đều có thể chịu hình phạt hình sự và dân sự, thậm chí đối mặt với mức án tù.
Luật không chỉ điều chỉnh các khoản hối lộ được đưa trực tiếp cho quan chức, ứng cử viên hay đảng phái nước ngoài, mà cả những khoản tiền được đưa cho người trung gian để sau đó chuyển cho quan chức, ứng cử viên hay đảng phải nước ngoài. Do luật nhắm vào dụng ý của hành vi hối lộ hơn là giá trị của khoản hối lộ, cho nên FCPA không quy định giá trị hay số lượng tối thiểu của khoản tiền, hiện vật được trao cho quan chức nước ngoài để bị coi là hối lộ.
Đối tượng điều chỉnh của FCPA không chỉ bao gồm các công dân và doanh nghiệp Mỹ mà còn cả những người lưu trú theo diện thẻ xanh ở nước này, cũng như bất kỳ công ty nào hoạt động theo luật pháp Mỹ hoặc có địa điểm kinh doanh chính nằm ở Mỹ. Kể từ năm 1998, FCPA mở rộng áp dụng cả với công ty nước ngoài, cá nhân nước ngoài có hành vi tham nhũng khi đang ở trong lãnh thổ Mỹ.
Theo FCPA, khái niệm quan chức nước ngoài khá rộng, chẳng hạn một ông chủ ngân hàng kiêm bộ trưởng tài chính ở nước ngoài cũng bị coi là quan chức nước ngoài. Hoặc, bác sĩ tại các bệnh viện công ở nước ngoài hay bất kỳ ai làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay do chính phủ nước ngoài quản lý, điều hành cũng được coi là quan chức nước ngoài. Ngay cả nhân viên của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc cũng được coi là quan chức nước ngoài. Các nhà nghiên cứu cho biết, luật FCPA như thanh gươm sắc treo trên đầu các công ty Mỹ, khiến họ nhụt chí trước ý định hối lộ các quan chức nước ngoài khi mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường quốc tế.