Tọa đàm “Đổi mới giáo dục- Nhìn từ góc độ người thầy”

11/11/2017 19:53

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới về kinh tế- xã hội; cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tác động sâu rộng đến lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất trong tương lai, lan tỏa tới các quốc gia, bước vào từng ngõ ngách của đời sống sản xuất đặt ra thách thức mới, yêu cầu mới đối với nền giáo dục hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của người thầy.

Với chủ đề “Đổi mới giáo dục- Nhìn từ góc độ người thầy”, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn Tọa đàm chia sẻ ý kiến các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về vai trò, mối quan hệ khăng khít của người thầy trong đổi mới giáo dục và làm thế nào để phát huy vai trò người thầy trước yêu cầu của giáo dục trong xã hội hiện đại.

Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm:

- Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, TN và NĐ;

- TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- PGS, TS. Hoàng Văn Cường, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân;

- Bà Bùi Thị Thủy, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa;

- Bà Đặng Thị Phương Thảo, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Giao Thuỷ tỉnh Nam Định;

- GS, TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Trân trọng kính mời độc giả theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây.

PGS,TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo ĐBND phát biểu khai mạc Tọa đàm

PGS,TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm
PGS,TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý tham dự tọa đàm trực tuyến ngày hôm nay!

Kính thưa các đồng chí, các bạn!

Hôm nay Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đổi mới giáo dục- Nhìn từ góc độ người thầy”. Tọa đàm được tổ chức cũng là dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Thay mặt lãnh đạo, tập thể Báo Đại biểu nhân dân cũng như bạn đọc Báo Đại biểu nhân dân, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn thầy giáo, cô giáo đã dành thời gian có mặt trong buổi tọa đàm ngày hôm nay. Kính chúc các thầy cô sức khỏe để đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của đất nước với vai trò, trách nhiệm xã hội, với công việc của mình và trước hết là vai trò của người thầy.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trong cả chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn luôn ở vị trí hết sức trang trọng. Và giá trị người thầy trong xã hội không chỉ là việc nâng cao tri thức mà còn là điểm tựa tinh thần, đạo đức của xã hội trong những giai đoạn có sự chuyển đổi, giao thoa. Trong sự phát triển chung của đất nước đặt ra yêu cầu cao hơn đối với giáo dục như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự giao thoa triết lý giáo dục… thì vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng. Nhưng xác định một cách đầy đủ, tôn vinh, phát huy được giá trị của người thầy đang là thách thức trong chiến lược giáo dục cũng như nỗ lực của từng nhà trường, từng cơ sở giáo dục và cũng là nỗ lực của từng cá nhân người thầy trong môi trường cụ thể.

Chúng ta cũng thấy rằng, việc sử dụng, đãi ngộ… đối với người thầy còn những bất cập. Và mỗi trường có đặc thù riêng, là môi trường đôi lúc khép kín, quyền lực của người đứng đầu nhà trường là rất lớn. Nhà giáo lại là những người trí tuệ và đặc biệt là sự tự tôn, tự ái, tự trọng của người thầy đôi lúc va đập với sự nhạy cảm của đời sống xã hội hôm nay đang đứng trước thách thức rất lớn.

Nhìn vào nền giáo dục, trước hết phải nhìn vào người thầy và rất mừng là chúng ta có những tấm gương của người thầy miệt mài sáng tạo, đầy trách nhiệm với thế hệ tương lai; không chỉ những người thầy lâu năm mà cả những thầy còn rất trẻ, những người xác định làm nghề nhà giáo mặc dù những bước đi đầu tiên đầy thiệt thòi vì đãi ngộ, vì cơ chế về lương thưởng… trong ngành giáo dục theo thang bậc, theo tầng nấc cụ thể nhưng họ đã xác định con đường ấy và chúng ta cũng nhìn thấy điểm sáng ở đó.

Đến với buổi tọa đàm hôm nay có những nhà giáo lâu năm như GS, TS. Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người rất tâm huyết với đề tài này. PGS, TS. Hoàng Văn Cường, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Thầy cũng xuất hiện với rất nhiều kênh, thể hiện trách nhiệm rất cao và sắc sảo trong những luận điểm đưa ra từ kinh nghiệm thực tiễn của mình. Đến đây còn có nhà quản lý như TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Tôi cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm đến cuộc tọa đàm này. Và hôm nay TS. Hoàng Đức Minh với chức trách nhà quản lý chắc chắn sẽ có những chia sẻ chiến lược và cách nhìn để dư luận rộng đường hơn về sự phát triển của nền giáo dục, những bất cập cũng như làm thế nào để phát huy vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục nước nhà. Đến với chúng ta còn có ĐBQH Bùi Thị Thủy, Đặng Thị Phương Thảo là những nhà giáo đồng cũng là đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Chắc chắn đây cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm từ mong muốn kể cả hiến kế để chúng ta có một chiến lược phát triển giáo dục đầy đủ và trọn vẹn hơn. Chắc chắn, trong cuộc tọa đàm hôm nay có thể chưa giải quyết được vấn đề nhưng nếu chúng ta xới xáo ra được và với tinh thần thẳng thắn như các đại biểu đã thể hiện trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua thì chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những thông tin bổ ích, những chia sẻ giúp cho xã hội nhìn nhận rõ hơn về vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục.

Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn những người thầy, ĐBQH rất bận rộn nhưng cũng đã dành thời gian đến với buổi Tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức. Chúc cho buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Đất nước ta luôn tự hào với truyền thống ngàn năm văn hiến, với những trang sử oanh liệt, nền văn hóa đặc sắc, những thành tựu khoa học kỹ thuật đúc kết làm nên bản sắc Việt Nam... Tất cả những thành quả ấy là do sức sống, bản lĩnh của một dân tộc anh hùng. Trong những thành quả đó luôn có phần đóng góp, hun đúc của những người thầy qua các thời đại. Người thầy giáo được coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai; là yếu tố then chốt của cải cách, đổi mới giáo dục. Bởi lẽ, không có thầy giỏi về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt thì không thể có nền giáo dục chất lượng.

Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, xin bà chia sẻ quan điểm của mình về vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

UVTT Nguyễn Thị Mai Hoa: Trong không khí của những ngày 20.11, người thầy được ví với nhiều hình ảnh đẹp, như người đưa đò, người nuôi dưỡng tâm hồn… Khi xã hội tôn vinh, dành những tình cảm tốt đẹp cho người thầy thì chính điều đó đã khẳng định vai trò của người thầy trong xã hội.

Ngay bản thân tôi và quý vị ngồi đây đã từng là học trò và một số người ra trường đã làm nhà giáo. Tôi nghĩ ảnh hưởng của người thầy đối với mỗi người là rất lớn. Tôi cũng ảnh hưởng rất nhiều từ những người thầy, người cô của mình. Mỗi người thầy đều mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho học sinh, định hình nhân cách, phẩm chất khi các em trưởng thành. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục thì vai trò của người thầy càng đề cao. Tất nhiên là có ý kiến cho rằng, hiện nay, tiếp cận tri thức có nhiều kênh, do vậy người học có thể tiếp thu kiến thức ở cách khác ngoài nhà trường.

Kênh kiến thức vô cùng đồ sộ, phong phú, vậy vai trò của người thầy có giảm không? Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ bối cảnh nào, ở bất cứ điều kiện nào, vai trò của người thầy không thể thay thế được. Vì người học có thể tiếp cận kiến thức khổng lồ nhưng trong không gian tri thức đồ sộ ấy, tri thức nào đúng, tri thức nào sai, tri thức nào cần hay chưa cần v.v… thì luôn cần những người định hướng, hướng dẫn, giúp đỡ để tiếp cận.

Cái cần thiết khác của con người còn là phẩm chất, nhân cách, tư tưởng đạo đức. Những điều này học được từ đâu nếu không từ những người thầy, bằng những bài giảng truyền cảm hứng. Tôi nghĩ rằng, mỗi một học trò đến với lớp học, đến với những người thầy, với bài giảng để tích lũy, tìm những yếu tố cần cho sự trưởng thành của mình.

Chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc đổi mới của ngành giáo dục. Đó là sự thay đổi rất lớn, căn bản, chuyển từ việc truyền thụ sang việc đào tạo những con người có phẩm chất, năng lực, tiếp cận với yêu cầu hiện hữu là nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ phục vụ trong đổi mới trong nước mà còn cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao các nước khác. Rõ ràng vai trò, định hướng của người thầy không chỉ để học trò có kiến thức, kỹ năng mà còn có phẩm chất, năng lực. Do đó, vai trò của người thầy trong thời điểm này là rất quan trọng.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Bàn về vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục, thưa TS. Hoàng Đức Minh, là nhà quản lý, ông nghĩ sao về vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục?

TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo
TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS. Hoàng Đức Minh: Tôi trân trọng cảm ơn Báo Đại biểu nhân dân, các chuyên gia, các đại biểu và các nhà báo đã tổ chức tọa đàm rất ý nghĩa nhân ngày 20.11.

Ở góc độ quản lý nhà nước, tiến trình đổi mới giáo dục không chỉ bắt đầu từ bây giờ mà đã có lộ trình từ Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra đường lối rất rõ. Chúng tôi nhìn nhận vai trò của người thầy, khái quát ở góc độ người quản lý có 3 vấn đề:

Thứ nhất, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, người thầy tham gia trực tiếp trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách, những quyết sách, tham gia ý kiến vào những vấn đề cụ thể như chương trình phổ thông mới, tham gia vào quá trình thẩm định chương trình chi tiết, tham gia vào quá trình viết SGK… Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, bởi tôi cũng người trưởng thành từ giáo viên từ những năm 80, thì gần như không có những cơ hội như thế này, mà chỉ đón nhận để chuyển tải. Còn hiện nay, người thầy trực tiếp tham gia vào các lộ trình, các khâu chuỗi của quá trình đổi mới.

Thứ hai, người thầy trực tiếp thực thi và chuyển tải, với một cách sáng tạo của bản thân mình để rồi mới có được những học sinh phát triển phẩm chất năng lực theo nghĩa là tự sáng tạo bản thân thông qua hoạt động được thầy cô giáo gợi mở.

Thứ ba, là vai trò phản biện lại, bởi có sự thông thoáng về thông tin, rất nhiều cơ hội để trao đổi, ngay cả chúng tôi trong quá trình, trong lộ trình đổi mới đã nhận được nhiều phản biện có giá trị, tích cực của người trong cuộc để tiếp tục điều chỉnh chính sách.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa PGS, TS. Hoàng Văn Cường, từ góc độ của một nhà quản lý thực tiễn, là một nhà giáo dục, một ĐBQH,  xin ông chia sẻ về cách nhìn, quan điểm?

PGS, TS. Hoàng Văn Cường, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
PGS, TS. Hoàng Văn Cường, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

PGS, TS. Hoàng Văn Cường: Đây là buổi Tọa đàm hết sức ý nghĩa vào đúng dịp ngày 20.11, ngày mà cả xã hội đang hướng tới người thầy và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay quan điểm nhìn nhận về vai trò, vị trí và những tiêu chuẩn của người thầy cũng có nhiều yếu tố xáo trộn. Buổi tọa đàm không chỉ có ý nghĩa trong việc động viên các thầy cô giáo mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra những nhận thức, chuẩn mực cho xã hội trong ngày hôm nay. Đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chương trình đổi mới giáo dục có thành công hay không phụ thuộc vào chính vai trò của người thầy. Nếu như người thầy không thay đổi được những yếu tố cốt lõi nhất của quá trình đổi mới đó, thì tất cả những yếu tố quản lý khác từ nhà trường đến Bộ, ngành cũng rất khó để đưa đổi mới này đến với thành công.

Vai trò cụ thể của người thầy trong giáo dục nói chung cũng như trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, chúng ta thấy rằng những gì thuộc về vai trò của người thầy trong xã hội nào cũng vẫn giữ nguyên những giá trị đó. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận được vai trò của người thầy đầu tiên trong việc tạo dựng kiến thức cho người học. Tuy nhiên, nếu như trước kia việc tạo dựng kiến thức theo quan điểm là người thầy là người truyền thụ cung cấp kiến thức cho người học, người học đứng nghe tiếp nhận và học theo. Trong xã hội phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, việc truyền thụ của người thầy sang hướng dẫn dắt, định hướng và đặc biệt là tạo dựng giá trị để người học thấy rằng trong rất nhiều thông tin, kiến thức, nhiều luồng tư tưởng khác nhau như thế thì những yếu tố đó giá trị là gì, không phải là áp đặt cho người học phải nghe, chính yếu tố đó giúp cho người đọc tạo dựng nên nhận thức cho mình.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến vai trò của người thầy trong việc tạo cảm hứng, ý chí cho người học. Ngày xưa, có rất ít những hoạt động mà lôi kéo thế hệ trẻ, lôi kéo người học, việc đến lớp đến trường đã là niềm vui, là ân huệ cho rất nhiều người không có điều kiện. Nhưng ngày nay, đối với thế hệ trẻ có rất nhiều yếu tố cuốn hút, vai trò của người thầy phải làm thế nào để người học đến trường đến lớp có được ý chí, có được hứng khởi và sau buổi học các em cảm nhận được đây không phải là vấn đề kiến thức mà là định hướng của người thầy giúp các em bươn trải ngoài xã hội sau này.

Ngoài ra, trước đây người ta vẫn nhìn thấy người thầy có một chuẩn mực, chuẩn mực ngày nay không thay đổi với chuẩn mực ngày xưa nhưng lại thêm nhiều chuẩn mực mới, đặc biệt là bây giờ trong xã hội có được sự giao thoa văn hóa của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Vậy người thầy phải làm thế nào để tạo ra được những chuẩn mực đó chứ không phải co cứng trong những chuẩn mực trước đây. Nếu người thầy luôn luôn thích nghi được quá trình đổi mới, theo kịp với những nhu cầu của người học, nhu cầu của xã hội thì khi đó quá trình đào tạo giáo dục, quá trình truyền tải các tri thức của nhà trường thực sự sẽ đến được với người học và mang lại giá trị thực sự.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa GS, TS. Đinh Quang Báo-  nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội- xin ông chia sẻ về vai trò của người thầy trong nền giáo dục Việt Nam?

GS, TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
GS, TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS, TS. Đinh Quang Báo: Cách đây hơn 1 tháng cũng tại hội trường này tôi có trình bày rất rõ về giá trị của người thầy trong giáo dục. Nhìn ra giá trị này là một quá trình vừa dễ, vừa khó. Dễ ở việc nhìn thấy giá trị của họ, khó ở chỗ là hoạch định chính sách để làm cho giá trị ấy được phát huy một cách đầy đủ.

Nhìn khó ở chỗ: Tôi lấy ví dụ, nước Anh, Mỹ, Đức rất thành công trong chính sách với giáo viên. Thế mà đến giai đoạn này còn nhận ra thất bại, đó là chất lượng giáo dục phổ thông thua một số nước. Và khi đó họ tìm ra nguyên nhân là thua về chính sách giáo viên. Và vì thua về chính sách giáo viên thì thua về chất lượng giáo dục so với nước nghèo hơn. Người ta nhìn thấy thất bại và sửa chữa ngay để từ đó học sinh nhìn ra được giá trị của người thầy, phụ huynh nhìn ra được giá trị của người thầy.

Chúng ta cần phải hoạch định chính sách để những giá trị ấy được phát huy tối đa. Giá trị của giáo viên là giá trị vĩnh cửu cho từng con người, vĩnh cữu cho từng gia đình, vĩnh cửu cho cả một quốc gia và loài người. Giá trị ấy không bao giờ thay đổi và mất đi.

Giá trị ấy thường được đánh giá bằng vật chất và tinh thần. Phải xác định hai yếu tố này có mối quan hệ với nhau. Nếu cái đánh giá bằng vật chất không tương xứng thì tinh thần bị suy giảm. Tinh thần ấy với cách nhìn của giáo viên và cách nhìn của xã hội. Chúng ta luôn nói “không thầy đố mày làm nên”. Chúng ta phải có chính sách đột biến về đãi ngộ vật chất. Anh, Đức, Mỹ thua vì chưa có đột biến chính sách đãi ngộ với giáo viên. Người ta có thể chi nhiều tiền nhưng trong số chi cho giáo dục thì chi cho giáo viên là bao nhiêu. Đó là yếu tố quan trọng. Trong số tổng thể về giáo dục ta có thể thua họ nhưng trong số chi cho giáo viên mới là cái quan trọng. Đấy là vấn đề cần được quan tâm để đánh giá vật chất và đánh giá tinh thần phải là mối quan hệ tương hỗ với nhau.

UNNESCO đã tổng kết, chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Đó là tổng kết của nhân loại và đó là câu nói xúc tích nhất về vai trò của giáo viên.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Bùi Thị Thủy, ngày nay, phương pháp học tập rất phong phú, học mọi lúc, mọi nơi, trực tuyến, qua sách vở, qua đào tạo từ xa…Vậy vai trò của người thầy trong giáo dục có thay đổi như thế nào?

Bà Bùi Thị Thủy, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa
Bà Bùi Thị Thủy, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa

ĐBQH Bùi Thị Thủy: Bản thân là người giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường trung học phổ thông, tôi càng nhận thấy vai trò của người thầy ở trong giáo dục là vô cùng quan trọng. Trong mọi thời đại, đối với mọi quốc gia, dân tộc, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu và cùng với đó là vai trò quan trọng của người thầy. Theo thời gian, vai trò của người thầy đã có sự thay đổi đáng kể, phương pháp học tập đã thay đổi và học sinh đã được tiếp cận được với nhiều nguồn kiến thức hơn, qua nhiều kênh như sách vở, thông tin truyền thông hoặc các lớp đào tạo từ xa nhưng vai trò của thầy được nâng tầm lên chứ không thay đổi đi trong giáo dục hiện nay.

Người thầy không chỉ truyền thụ tri thức cho học sinh còn học sinh không chỉ đơn giản là người nhận tri thức từ người thầy nữa mà còn từ nhiều nguồn như các đại biểu khác đã phát biểu. Nhưng tôi nghĩ người thầy được ví như một nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng. Ở đây, nhạc trưởng là người định hướng và để cho học sinh tự nắm bắt tri thức của mình, có nghĩa là chơi thành một bản nhạc hay mà không làm mờ đi tiếng nhạc của các nhạc cụ khác nhau. Tôi rất tâm đắc với câu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý và cũng là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Không chỉ một người thầy sáng tạo mà còn truyền cảm hứng sáng tạo đó cho người học. Và đặc biệt trong thời đại hiện nay, việc dẫn dắt các em khám phá sự sáng tạo của bản thân là vô cùng quan trọng. Bởi vì nền tri thức có nhiều và phong phú. Như đại biểu Mai Hoa thì người thầy là người định hướng. Tôi cũng nghĩ như vậy và tôi muốn trao đổi thêm là vì tôi là giáo viên ở trường THPT ở miền núi. Ở đây tiếp cận tri thức qua các kênh thông tin khác khó hơn so với các vùng khác, nên ngoài vai trò định hướng ra thì người thầy giữ vai trò là người truyền thụ tri thức.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Đặng Thị Phương Thảo, mối quan hệ thầy- trò là hoạt động chính trong giáo dục. Người thầy truyền lửa sống, giá trị sống, cảm hứng sáng tạo và kiến thức. Học trò tiếp nhận từ thầy cô kiến thức và sự đam mê sáng tạo vươn lên. Từ mối quan hệ này, người thầy luôn là tấm gương, định hướng cho lớp lớp người bước vào cuộc sống, giành những thành tựu, thành công cho bản thân, cho đất nước. Là đại biểu Quốc hội, là nhà giáo, ý kiến của Bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Đặng Thị Phương Thảo, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Giao Thuỷ tỉnh Nam Định
Bà Đặng Thị Phương Thảo, ĐBQH, Giáo viên Trường THPT Giao Thuỷ tỉnh Nam Định

ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo: Xin được cảm ơn câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Thắng. Trước hết, nhân dịp sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt cho những người đang công tác trong ngành giáo dục xin được gửi lời chúc mừng tới các vị đại biểu, các thầy cô đang có mặt, đang theo dõi buổi tọa đàm này. Quay lại câu hỏi về nhận định người thầy là tấm gương định hướng cho học sinh noi theo và đạt được thành công trong cuộc sống thì theo tôi đây là một nhận định đúng bởi các lí lẽ như sau:

Thứ nhất, trong giáo dục không có hoạt động của học sinh diễn ra trong các tiết học mà thiếu vắng bóng dáng của người thầy. Học sinh không làm việc một cách độc lập mà bao giờ cũng có sự giảng dạy của giáo viên ít nhất là sự định hướng của người giáo viên.

Thứ hai, từ xưa đến nay, giáo dục của chúng ta định hướng người thầy chính là người truyền cảm hứng cho học sinh. Chỉ có điều trong quan niệm cũ, người thầy là trung tâm truyền thụ một chiều. Ngược lại, bây giờ, hướng đến học sinh là trung tâm, người thầy chỉ đóng vai trò là người điều khiển, gợi động cơ, thúc đẩy học sinh tự tương tác với nhau và tương tác với chính người thầy. Theo tôi, nhìn từ góc độ nào thì người thầy cũng là điểm sáng để học sinh hướng tới, noi theo. Thực tế cũng cho thấy có rất nhiều tấm gương người thầy như thế như cô Hoàng Xuân Sính, thầy Văn Như Cương, thầy Nguyễn Ngọc Ký, thầy Chu văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm… luôn là tấm gương sáng về tri thức và nhân cách khiến lớp lớp học trò kính phục. Như vậy, thực tại hay lịch sử đều minh chứng cho thấy người thầy luôn là tấm gương để học sinh noi theo và đạt được dấu mốc trong cuộc đời của mình.

Khó khăn, thách thức đặt ra đối với người thầy trong xã hội hiện đại

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong đó mục tiêu quan trọng là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nền kinh tế phát triển thì thách thức đầu tiên của người thầy, dù ở cấp nào là sự tôn trọng của xã hội, sự đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra. Đây cũng là vấn đề lớn, nhiều tầng nấc, tác động đến lòng yêu nghề, sự toàn tâm, toàn ý của người giáo viên. Chính nó cũng góp phần quan trọng thu hút, giữ chân nhân lực sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp trồng người. Vừa qua, câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bật khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đang nhận được nhiều quan tâm của xã hội, của người làm chính sách.

Thưa TS. Hoàng Đức Minh, là nhà quản lý, ông nghĩ sao về khó khăn, thách thức đặt ra đối với người thầy trong xã hội hiện đại, trong đó có vấn đề mức lương và thu nhập của nhà giáo?

TS Hoàng Đức Minh: Thực tế hiện nay, thách thức của đội ngũ giáo viên rất lớn vì kỳ vọng của xã hội đặt lên vai thầy cô rất nhiều công việc trực tiếp và gián tiếp hàng ngày. Cùng với đó là những khó khăn, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình như cơ sở vật chất, đặc biệt là những vùng vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Kể cả ở đô thị cũng có những khó khăn như trường lớp đông, nhiều kỳ vọng, nhiều yêu cầu…

Vấn đề thu nhập và lương của giáo viên, các nhà quản lý không phải là không biết. Với vai trò quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã rất kiên trì, nhưng ngành giáo dục của chúng ta có những cái không tự quyết được, như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, trong đó có Kỳ họp Quốc hội rằng “hai vấn đề là tiền và người thì ngành giáo dục lại không tự quyết, chỉ tham gia đề xuất và một phần rất nhỏ điều tiết cấp vi mô. Nhưng chất lượng thì lại chịu trách nhiệm trước xã hội”. Đây cũng là những cái khó chung và đặc biệt là khó của người quản lý.

Gần đây, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng cũng đang rốt ráo việc tổng kết đánh giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những đề xuất để đẩy mạnh về chính sách cải cách tiền lương và thu nhập cho đội ngũ nhà giáo. Trong quá trình sửa Luật Giáo dục, ngành Giáo dục cũng đang gấp rút cùng với các Bộ, ngành thực hiện, trong đó, chúng tôi cũng đã đề xuất đưa chính sách cải cách tiền lương vào Dự thảo. Tới đây, nếu có điều kiện để xây dựng được Luật Nhà giáo thì những việc này sẽ được mạch lạc hơn, bài bản hơn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có giám sát chuyên đề về chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Từ thực tế đi giám sát, Bà có thể chia sẻ những khó khăn cụ thể đối với giáo viên như các điều kiện đãi ngộ, vấn đề thu nhập, tạo môi trường để giáo viên sáng tạo hết mình…?

UVTT Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi rất đồng tình với những khó khăn mà ông Hoàng Đức Minh đã nêu. Và, trong năm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có một giám sát về chính sách đối với nhà giáo. Tôi cũng rất chia sẻ với các nhà giáo, trong điều kiện hết sức khó khăn và những vấn đề bất cập về tiền lương, phụ cấp, nhưng tôi xin bổ sung thêm một vấn đề là “áp lực”.

Nhà giáo bây giờ phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là điều khi chúng tôi đi giám sát, thầy cô tâm tư và phát biểu rất nhiều. Áp lực này trước hết là áp lực từ chính đòi hỏi của công cuộc đổi mới. Ngành giáo dục trong thời gian qua mong muốn phát huy vai trò của mình, mong muốn có những đóng góp để cho ra được nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện mong muốn ấy, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều đổi mới. Những thay đổi, những yêu cầu đổi mới đó vô tình tạo ra áp lực đối với giáo viên, cần phải soạn giáo án thế nào, ứng phó với những cuộc thanh tra kiểm tra ra sao. Khi chuyển sang chương trình, phương pháp mới đòi hỏi người thầy phải thay đổi mình rất nhiều. Đứng trước những yêu cầu đổi mới đó, người thầy có yên tâm với kiến thức mình đang có không, có yên tâm với phương pháp mình đang có không và sẽ phải tự bồi dưỡng, tự đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của chương trình đổi mới sắp tới? Đó là áp lực rất lớn đối với nhà giáo.

Với 16 năm trong nghề tôi biết, quỹ thời gian một ngày chỉ có 24 tiếng làm sao có thể phân chia để đáp ứng được. Người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy nhà giáo nhàn, tôi là nhà giáo tôi nghĩ nhà giáo không nhàn, có một áp lực rất lớn.

Một vấn đề áp lực nữa là yêu cầu đòi hỏi quá cao, rất cao và rất chính đáng của xã hội đối với nhà giáo. Phụ huynh đưa con đến trường đều “trăm sự nhờ thầy” nhưng “trăm sự nhờ thầy” của ngày hôm nay và câu nói “không thầy đố mày làm nên” khác nhau rất xa. Ngày xưa, “không thầy đố mày làm nên” người thầy được toàn quyền về việc tạo ra sản phẩm, có thể răn dạy học sinh theo cách của thầy mà phụ huynh không can thiệp vào. Bây giờ, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh đối với nhà trường rất tốt, rất tích cực, đóng góp rất nhiều cho nhà trường nhưng bên cạnh ấy, sự giám sát của phụ huynh đối với người thầy là áp lực không nhỏ. Có thể cách đây 10 năm, việc thầy cô đánh vài thước kẻ đối với học trò, tôi không cổ xúy chuyện này, nhưng trước đây không phải là vấn đề, bây giờ chỉ cần đăng lên các trang báo, dư luận sục sôi lên và lên án.

Tôi cũng chia sẻ về đạo đức học đường. Bây giờ sự tôn vinh đối với người thầy có thật sự là tôn vinh không, sự cao quý của người thầy có thật sự là cao quý không khi mà người thầy lên lớp có những e ngại, né tránh… và dạy cho hết giờ để ra chứ không hoàn toàn đặt hết tâm huyết. Tôi không phủ nhận người thầy trong bất cứ hoàn cảnh nào phải đặt tâm huyết vào bài giảng, giờ dạy nhưng rõ ràng không phải hoàn toàn tâm huyết như cách mà người thầy 10 năm trở về trước. Và tôi nghĩ rằng đây là một thách thức rất lớn. Phải giúp cho người thầy làm sao tháo gỡ được thách thức này, trả người thầy về đúng vị trí của họ, đặt vào đúng tâm thế của họ, giúp cho người thầy có môi trường làm việc an lành nhất, tốt nhất để xứng đáng là những người dẫn dắt tâm hồn như chúng ta mong đợi ở người thầy.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa GS, TS. Đinh Quang Báo, từ thực tiễn, kinh nghiệm về quản lý giáo dục, thầy nhìn nhận những khó khăn, thách thức trước đây và bây giờ đối với người giáo viên có gì khác nhau? Đâu là cốt yếu nhất trong khó khăn thách thức với giáo viên bây giờ?

GS, TS. Đinh Quang Báo: Tôi có 3 từ khóa để diễn tả: Thầy, Xã hội hiện đại và khó khăn.

Trong xã hội hiện đại thì khó khăn cũng hiện đại và thầy giáo cũng mang tính hiện đại. Chúng ta có 3 khái niệm, cách gọi là giáo viên, giảng viên và nhà giáo. Tôi thích nhất là từ nhà giáo vì nhà giáo là khái niệm người thầy trong xã hội hiện đại. Nhà giáo phải là nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa kết hợp với nhau mới làm nên chuẩn mực của nhà giáo trong xã hội hiện đại.

Xã hội hiện đại ta phải nhận ra những dấu hiệu như:

Mức sống của con người nâng lên. Khi đó, giáo viên cũng có mức sống phải nâng lên, chính điều đó để giáo viên có phép so sánh xã hội này với xã hội khác, ở người này với người khác. Trường hợp cô giáo ở Cẩm Xuyên luôn khóc thầm, không dám khóc trước học trò về mức sống nhưng đến khi về hưu, có người hỏi đến mới chạnh lòng, chia sẻ.

Xã hội hiện đại thì khoa học công nghệ và tri thức của loài người tăng lên nhanh chóng. Tri thức của khoa học công nghệ tăng gấp đôi dẫn tới việc nhà giáo phải truyền thụ theo tốc độ gấp đôi. Do vậy, nhà giáo liên tục phải học, đổi mới tri thức, lao động cực nhọc để bảo đảm yêu cầu giảng dạy trong xã hội hiện đại.

Thế giới phẳng, tất cả đều phẳng thì chức năng của nhà giáo thay đổi. Môi trường thông tin mở, tất cả học trò tắm mình trong bể thông tin nên thầy giáo phải làm gì trong việc dạy học trò biết thu thập, xử lý, tiếp nhận thông tin ấy như thế nào cho đúng. Đó là chức năng chủ yếu rất khó khăn trong yêu cầu đổi mới.

Thông tin đến nhiều chiều, thầy giáo gặp rất nhiều rủi ro, diễn ra thường xuyên và đa dạng. Đôi khi chỉ một động tác nhẹ của nhà giáo đối với con em học sinh cũng bị cho là bạo hành học đường, thầy giáo có khi mất việc với những tình huống vô cùng đa dạng. Đôi khi dạy xong một buổi mới biết mình an toàn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Chuẩn mực xã hội phát triển và đặt ra nhiều thách thức. Chuẩn mực xã hội cũng là quan trọng khi xã hội ngày càng hiện đại, văn hóa đa dạng, khoa học công nghệ phát triển. Trách nhiệm của giáo viên đối với từng hành vi, cư xử của mình làm sao để phù hợp với xã hội hiện nay. Những áp lực đó đặt lên người thầy, khiến người thầy luôn luôn phải suy nghĩ và đổi mới. Đó là bài toán mà ngành Giáo dục cũng đang cần tháo gỡ.

Thưa bà Bùi Thị Thủy, bà có chia sẻ gì thêm về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với người thầy trong xã hội hiện đại?

ĐBQH Bùi Thị Thủy: Những thách thức, khó khăn của người giáo viên trong thời đại hiện nay thì các đại biểu khác đã nói rất rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ thêm những vấn đề cụ thể trên cương vị giáo viên của mình, đó là những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, những nơi thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu thì thách thức của người giáo viên càng lớn hơn rất nhiều. Những thách thức về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp làm cho người giáo viên hạn chế về sự sáng tạo của mình. Ví dụ, cần ứng dụng CNTT vào dạy học, nhưng nơi khó khăn gần như cơ sở vật chất trường lớp còn chưa đủ thì việc có máy chiếu để phục vụ cho việc dạy và học lại càng khó.

Cũng như các đại biểu đã nói, thu nhập của giáo viên chưa tương xứng, đã có trường hợp giáo viên viết đơn xin ra khỏi ngành trong khi đã có gần 10 năm cống hiến cho nghề. Đó là việc chúng ta cần suy nghĩ. Áp lực với giáo viên đến từ rất nhiều phía, đơn giản như có video clip về học sinh đánh nhau trên mạng, lập tức nhiều người sẽ đặt câu hỏi là học sinh học đó học trường nào, thầy cô nào. Mà nhiều người không nghĩ rằng, học sinh không chỉ là sản phẩm giáo dục của một mình giáo viên, một mình nhà trường mà là sản phẩm giáo dục của từng gia đình và cả xã hội.

Giáo viên phải hoàn thiện rất nhiều về kiến thức, kỹ năng để thích ứng được với sự đổi mới giáo dục. Gần đây, có rất nhiều đổi mới về dạy học, thi cử mà giáo viên phải gồng mình để đáp ứng được sự thay đổi đó. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của giáo viên, đó cũng là những thách thức lớn đối với rất nhiều giáo viên.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Đặng Thị Phương Thảo, là đại biểu Quốc hội, là giáo viên trực tiếp giảng dạy tại trường phổ thông, xin bà chia sẻ về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với người thầy trong xã hội hiện đại?

ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo: Với xu thế vạn vật kết nối Internet như hiện nay, nó không chỉ lan tỏa đến mọi ngành nghề, lĩnh vực mà nó còn lan tỏa đến mọi góc cạnh của cuộc sống dĩ nhiên giáo dục không phải là ngoại lệ. Thách thức đặt ra đối với người giáo viên trong ngành hiện nay có thể diễn tả bằng 2 từ: “áp lực”.

“Áp lực” đó xuất phát từ hai góc độ. Thứ nhất, với nguồn thông tin đa chiều như hiện nay thì hoàn toàn khác với thời điểm có thể cách đây 10 năm, 20 năm. Nếu như trước đây học sinh chỉ tìm được tri thức từ sách vở và nói nôm na là giáo viên dạy gì thì học sinh tiếp thu đó thì bây giờ học sinh có thể thấy trên mạng không thiếu những bài giảng hay của các chuyên gia, những người thầy giỏi; có những kiến thức được mô tả cụ thể và dễ hiểu hơn, đầy đủ và đa chiều hơn. Từ đó, nếu như người thầy mà không  nhận thức được những thay đổi, dạy theo lối cũ sẽ gây nhàm chán và từ đó bản thân người thầy đã tự đào thải chính mình trong nhận thức đối với học sinh. Học sinh sẽ đào thải cách dạy của người thầy mà tiếp cận đến phương pháp học mới từ xa trên mạng…

Thứ hai, với xu hướng cách mạng 4.0 mang đến, ranh giới giữa cái thực và cái ảo rất mập mờ. Nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu như người thầy không định hướng, chỉ ra nguồn kiến thức chung giúp học sinh có sự sàng lọc khi tiếp nhận kiến thức quan trọng, học sinh sẽ đứng giữa ngã ba đường. Do đó, có hai nhiệm vụ mà người giáo viên phải nhìn nhận được. Thứ nhất là phải kích thích được lòng tự học của học sinh và bản thân người giáo viên phải tự đổi mới mình, người giáo viên phải tiên phong một bước nhận thức về vấn đề này rồi tiên lượng được cái tình huống có thể xảy ra. Khi đó, người giáo viên có thể định hướng được con đường đúng cho học sinh khi tiếp cận kiến thức. Thứ hai, trong quá trình giảng dạy thì thực ra không phải chỉ chờ đến những lần thanh tra kiểm tra, người giáo viên mới ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin vào, không thể coi phương tiện dạy học chỉ là món đồ trang sức mà phải dạy học vận dụng phương pháp một cách linh hoạt làm sao để cho học sinh thực sự có hứng thú, những phương tiện dạy học đó phải mang lại hiệu quả thực sự thì đó mới là mấu chốt của vấn đề. Người giáo viên bây giờ phải có năng lực sáng tạo thể hiện qua mấy nội dung vừa phân tích.

Làm gì để phát huy vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". Tuy nhiên, chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế, yếu kém, bất cập của giáo dục, đào tạo nước ta lâu nay là “chưa nhận thức đúng vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo…”.

Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, từ góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách và giám sát, bà có thể chia sẻ những đánh giá của mình về cơ chế, chính sách đã có, đã tích cực nhưng với sự đòi hỏi mới làm thế nào để có thể phát huy được vai trò của người thầy? Có thể biến những thách thức, khó khăn thành những cơ hội, thành quả trong giáo dục?

UVTT Nguyễn Thị Mai Hoa: Việc điểm thi vào các trường sư phạm vừa qua thấp, câu chuyện giáo viên viết đơn xin ra khỏi nghề v.v… nhưng đó là một trong số rất ít. Quay trở lại khi chúng tôi đang là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Vinh những năm 80 thì ồ ạt giáo viên ra khỏi ngành. Là những sinh viên sư phạm, chúng tôi bị choáng váng vì những “gáo nước lạnh” đấy. Nếu cơ chế chính sách không thay đổi, thì không chỉ là bài toán sinh viên không chọn nghề giáo, mà chúng ta sẽ phải đối mặt với việc những nhà giáo sẽ rút ra khỏi ngành. Đó sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành sư phạm.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, TN và NĐ trong năm nay đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách nhà giáo, có đến 168 văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho nhà giáo. Nhưng trong cái nhiều, cái rộng đấy là rất thiếu, lạc hậu, không đồng bộ nên nhiều chính sách ban hành trên văn bản nhưng không đi vào được thực tế cuộc sống. Tất cả những quan điểm của Đảng, Nhà nước, những chính sách, chủ trương ưu tiên cho giáo dục không được cụ thể hóa bằng các chính sách. Đây là điều chúng ta cần đối mặt, cần phải điều chỉnh. Câu chuyện chúng ta cần phải bàn tới vai trò của người thầy rất quan trọng, nghề làm thầy là nghề đặc thù nhưng chính sách không đặc thù thì không bao giờ là sự động viên, không bao giờ tạo động lực cho những người thầy giáo!

Và, ứng xử của chính sách đối với nghề giáo hiện nay đang bất cập trên hầu hết các phương diện từ phụ cấp, tiền lương, việc đào tạo bồi dưỡng, việc tuyển dụng sử dụng đánh giá, và phải tôn vinh thế nào cho đúng… Tất cả những vấn đề đó chúng ta đều đang hướng và chưa rõ tính chất đặc thù.

Hiện nay, nhà giáo và nhà trường đang chịu sự quy định của 3 luật, những nhà quản lý theo luật công chức, thầy cô giáo theo luật viên chức, và tất cả hoạt động diễn ra trong nhà trường theo Bộ luật Lao động. Nếu coi nhà giáo là một nghề đặc thù thì không thể xét nhà giáo vào viên chức, tuyển dụng cũng giống như tuyển dụng viên chức, đánh giá cũng như đánh giá viên chức. Hiện nay, việc tinh giản biên chế vẫn thực hiện quy định 2 người ra 1 người vào. Ví dụ, bây giờ một trường đội ngũ giáo viên 3 thầy dạy toán, 1 thầy dạy sinh nhưng nếu năm nay thầy giáo dạy sinh nghỉ hưu, một thầy giáo dạy toán nghỉ hưu thì phải chọn ai, đương nhiên là phải chọn toán, thế ai sẽ là người đi dạy sinh.

Những vấn đề bất cập đấy, tất cả các trường đang có ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang có ý kiến nhưng ngành giáo dục không được quyền quyết vấn đề nhân sự, không được quyền quyết vấn đề tuyển dụng và cũng đang thực hiện quy định tinh giản biên chế giống như đối với viên chức, thì ngành đặc thù này sẽ tinh giản như thế nào.

Trong báo cáo giám sát về chế độ, chính sách đối với các nhà giáo, vấn đề chúng tôi muốn đặt ra ở đây là đã đến lúc phải làm cuộc rà soát một cách tổng thể tất cả những văn bản chính sách hiện đang có, những gì lạc hậu thì bỏ và phải thay thế, những gì chưa có phải xây mới, làm sao để đặt ra những quy định về cơ chế, chính sách đúng nghĩa đặc thù cho nghề giáo.

Chúng tôi đề xuất, trong năm 2018, trước mắt sẽ sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn những vấn đề cấp thiết nhất để sửa đổi lần này trong đó có vấn đề về chính sách nhà giáo. Chúng tôi muốn trong năm 2019 hoặc muộn thì 2020 phải đưa Luật Nhà giáo vào trong chương trình xây dựng luật, phải có luật riêng cho nhà giáo để tất cả những quy định về tính chất đặc thù của nghề giáo, những yêu cầu những chính sách đối với nghề giáo phải được đặt ra và giải quyết.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Nghề giáo là một nghề đòi hỏi rất cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về đạo đức, tư cách, sự đầu tư thời gian, công sức. Lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động nghệ thuật. Thế nhưng, nhiều năm nay, các nhà giáo không phải đã sống được bằng chính đồng lương của mình. Xin được hỏi PGS, TS. Hoàng Văn Cường, chúng ta cần có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần như thế nào để họ thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình?

PGS, TS. Hoàng Văn Cường: Đúng là chúng ta đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo và những chính sách để nhà giáo phát huy vai trò của mình. Thực chất là để chúng ta phải tìm những biện pháp, cách thức tạo động lực cho nhà giáo để họ cống hiến và phát huy vai trò của mình. Trong lý thuyết tạo động lực người ta hay nhắc đến tháp nhu cầu của Maslow trong đó nhắc đến năm nhu cầu mà con người nào cũng có. Đó là nhu cầu về sinh học, yêu cầu để tồn tại. Nhu cầu thứ hai là về an toàn. Nhu cầu thứ ba là về xã hội. Nhu cầu thứ tư là nhu cầu thăng tiến và địa vị trong xã hội và nhu cầu thứ 5 là cống hiến. Bất kể con người nào cũng cần có nhu cầu này. Tuy nhiên ở mỗi một lĩnh vực, mỗi một nghề nghiệp, mỗi một vị trí nhu cầu sẽ ở mức khác nhau. Nhưng đối với giáo viên những nhu cầu này luôn ở mức cân bằng. Chẳng hạn ở nhu cầu thứ nhất là nhu cầu tồn tại tức là vấn đề tiền lương thì một người giáo viên vừa tốt nghiệp đại học xong và đi giảng dạy lương của họ chỉ được khoảng 3 triệu đồng. Như cô Lan, Trường mầm non Lê Duẩn, Hà Tĩnh cống hiến cả đời mà lương hưu chỉ có 1,3 triệu đồng. Điều đó có nghĩa chính sách của chúng ta đang có vấn đề. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng điều chúng ta phải thay đổi đầu tiên là về chính sách về tiền lương.

Hiện nay chính sách tiền lương của chúng ta đang còn nhiều điểm bất cập. Một là tiền lương còn đang rất thấp để cho giáo viên yên tâm giảng dạy không cần phải quá cao nhưng cũng phải đủ để họ yên tâm nuôi sống bản thân mình và nuôi sống được gia đình mình. Và như vậy người ta sẽ không nghĩ đến những chuyện khác nữa. Yếu tố thứ 2 trong tiền lương vẫn chưa khuyến khích được những giáo viên trẻ có năng lực, có tiếp cận xã hội. Mặc dù khi là sinh viên được nhà trường đánh giá cao nhưng vì họ mới vào nghề trường nên mức lương rất thấp. Họ không có điều kiện vươn lên ở vị trí xứng đáng với sự cống hiến. Vì vậy chúng ta cần phải thay đổi chính sách tiền lương.

Vấn đề thứ hai tôi nghĩ là nhu cầu về an toàn. An toàn ở đây không chỉ là vấn đề về thân thể mà còn an toàn về nghề nghiệp. Để giáo viên yên tâm cống hiến phải có nghề nghiệp ổn định. Nếu hôm nay họ đang làm việc ở đây nhưng không chắc được ngày mai có được ổn định hay không thì sẽ không ai toàn tâm toàn ý để cống hiến. Vì vậy nghề giáo phải xác định được tiêu chuẩn, tiêu chí để Nhà giáo có thể ổn định.

Yếu tố thứ ba là nhu cầu về xã hội. Đối với giáo viên nhu cầu này rất đơn giản, mỗi ngày lên lớp về nhà là cảm thấy hạnh phúc khi mà được học sinh lắng nghe, tiếp nhận bài giảng. Họ cảm thấy được xã hội ghi nhận và đấy là hạnh phúc của giáo viên. Việc xã hội tôn trọng, trọng vọng, người học cầu thị đó là động lực rất lớn cho người thầy. Tuy nhiên, người thầy có một vấn đề gì đấy mà bị xã hội nhìn nhận không đúng là sự xúc phạm đến tự ái, tính tự trọng rất lớn. Nếu trong lĩnh vực khác người ta nói đến tính tiêu cực ở vấn đề này vấn đề kia không sao nhưng trong lĩnh vực giáo dục khi nói đến một người thầy nào đó có hành vi không chuẩn mực có những vấn đề về đạo đức, nhân cách sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến người thầy. Nhân qua đây, tôi cũng muốn nói thông qua các phương tiện thông tin truyền thông cần có những lựa chọn thông tin hai chiều tôn vinh người thầy, những việc làm tốt của người thầy đồng thời cũng có những góp ý, chỉ ra những hành vi chưa đúng mực của người thầy để làm sao mặt ảnh hưởng về mặt xã hội nó là thấp nhất.

Nhu cầu thứ tư là nhu cầu về mặt thăng tiến. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục người thầy thăng tiến không phải cứ đạt được vị trí nào đó mà thăng tiến ở đây chính là thành công trong công việc. Vì vậy, khi chúng ta tạo điều kiện bồi dưỡng để cho người thầy thể hiện được thành công trong giảng dạy và thành công này chính là thành công của ngành giáo dục, thành công của xã hội.

Thứ năm là nhu cầu về thể hiện nhu cầu khẳng định tức là ai cũng muốn làm sao để thể hiện được mình muốn là mình đóng góp một cái gì đấy; thể hiện được cái vị trí sáng tạo của mình cho xã hội. Ở đây vai trò của người thầy là phải khuyến khích sáng tạo và phải có sáng tạo. Mỗi lần lên lớp thì mỗi bài giảng của thầy phải có sự sáng tạo. Vậy thì ở đây làm thế nào để người thầy đóng góp sáng tạo? Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa người thầy vào trong đóng góp xây dựng chương trình, đóng góp chính sách chính là tạo dựng cơ hội cho thầy thể hiện sự sáng tạo và lôi kéo được người thầy tận tâm, tận lực cống hiến nhiều hơn. Đối với vấn đề quản lý nhà trường, mình phải tạo ra được yếu tố động lực để tốt hơn. Ví dụ hiện nay người ta quan niệm khi thầy vào lớp thì học sinh phải là trung tâm. Thầy chỉ là người giúp cho học sinh có được những nhận thức các chuẩn mực giá trị, định hướng cho học sinh chứ không phải thầy là người làm chính ở đó. Đối với nhà trường thì giáo viên phải là trung tâm. Để khắc phục tình trạng mà trước đây người ta hay nói là “giáo vụ là cụ giáo viên”. Trong xã hội hiện nay đang cần phát huy tính dân chủ thì trong quản trị nhà trường vai trò của người thầy cần được đề cao hơn để họ phát huy vai trò làm chủ. Tôi cho rằng nếu chúng ta tác động vào năm nhu cầu đó một cách cân bằng sẽ phát huy được vai trò của nhà giáo trong nền giáo dục hiện đại.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Từ góc nhìn thực tiễn và chính sách, bà có những kiến nghị gì phát huy vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại ngày nay?

ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo: Đề cập đến vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại, tôi cho rằng xã hội hiện nay đặt ra một yêu cầu rất cao đối với người thầy. Họ không chỉ là nhà giáo dục, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà tổ chức và đôi khi còn là nghệ sĩ hay nhà tâm lý nữa để đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu phát triển toàn diện, chất lượng tốt như hiện nay xã hội đang đặt ra. Tôi cũng không phủ nhận là có những người rất xuất sắc, không cần đến người thầy dạy trực tiếp cũng có thể thành đạt và có ích trong xã hội. Tuy nhiên, để có kiến thức, tri thức…, người học sinh vẫn cần sự dẫn dắt của người thầy. Để có người trò giỏi thì phải có người thầy giỏi. Và để có người thầy giỏi, chúng ta phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đây là yếu tố then chốt từ đó đặt ra vấn đề chất lượng đầu vào của các trường sư phạm phải được quản lý như thế nào?

Theo tôi, các trường sư phạm phải thắt chặt các chỉ tiêu tuyển sinh của mình, không thể tuyển sinh ồ ạt như hiện nay và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kết hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để vào cuộc mạnh mẽ về vấn đề này, đánh giá nhu cầu xã hội thật chặt liên quan đến đầu vào các trường đại học, nhất là những người sau này sẽ bước vào ngành sư phạm vì sản phẩm của họ là con người mới, thế hệ tương lai. Vì vậy, yêu cầu về năng lực, trình độ đối với các sinh viên tham gia vào ngành sư phạm phải được nâng cao hơn nữa.

Liên quan đến một vấn đề khá nóng hiện nay là chương trình giáo dục phổ thông. Là một giáo viên đang dạy phổ thông, tôi thấy giáo viên hiện nay được đặt ra hai yêu cầu. Thứ nhất là giảng dạy làm sao đào tạo được những học sinh vượt qua được các kì thi mà đôi khi các kì thi đó có tính chất không ổn định, hay thay đổi trong thời gian ngắn. Thứ hai là phải cung cấp được hết lượng kiến thức trong sách giáo khoa mà đôi khi khối lượng kiến thức đó không hề nhỏ. Vì vậy vô tình đẩy giáo viên vào thế không được chủ động, họ bị động khi trở thành người phát ngôn cho sách giáo khoa, kiến thức truyền thụ cho học sinh mang nặng tính lý thuyết, giáo điều. Vì vậy, theo tôi, về mặt cơ chế, chính sách, chúng ta phải tính toán để phân quyền chủ động cho giáo viên, nhất là giáo viên trung học phổ thông để họ được quyền chủ động mạnh mẽ hơn nữa trong việc lựa chọn kiến thức đưa đến cho học sinh.

Tôi nghĩ là chúng ta chỉ cần đặt hàng cho giáo viên sẽ phải tạo ra những sản phẩm là những con người đạt yêu cầu cơ bản nào đó thôi, không nên đặt ra cái cụ thể quá như trong thời lượng này thì bắt buộc phải thế này, thế kia. Chúng ta áp đặt vào từng bài, từng tiết sẽ khiến giáo viên không cảm thấy thoải mái và họ sẽ không tạo ra được chất lượng sản phẩm như mong muốn của xã hội.

Tóm lại, có hai vấn đề then chốt, ngành sư phạm phải có đầu vào để tạo ra người thầy giỏi và phải phân quyền mạnh mẽ cho người giáo viên được chủ động lựa chọn kiến thức để truyền đạt cho học sinh. Tôi muốn nói thêm một ý nhỏ là bản thân tôi là người ở trong ngành mà đôi khi cũng cảm thấy buồn là tại sao có rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận hướng các mũi tên chỉ trích vào ngành giáo dục. Ngành giáo dục không phải là không muốn có sự đổi mới, đột phá nhưng hiện nay vấn đề đổi mới của ngành vẫn còn loay hoay. Tôi thiết nghĩ, giá mà giáo dục của chúng ta chỉ tập trung đổi mới một khâu nào đó thôi, làm cho nó trọng điểm, trọng tâm. Và đổi mới quyết liệt, ổn định trong một thời gian đã rồi mới tiến đến những khâu còn lại thì sự tin tưởng mà xã hội và người dân hay sự đồng thuận của người dân đối với chúng ta sẽ lớn hơn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Từng là một nhà quản lý về giáo dục nhiều kinh nghiệm, bây giờ, giả sử đặt địa vị giáo sư vào vị trí của một ĐBQH, giáo sư sẽ có những kiến nghị như thế nào trong sửa đổi chính sách để phát huy vai trò của người thầy trong điều kiện hiện nay?

GS, TS. Đinh Quang Báo: Đầu tiên phải có đột biến cải thiện đời sống vật chất cho giáo viên. Trong bối cảnh chúng ta còn nghèo về nguồn tài chính thay vì đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất thì chúng ta cắt giảm và dành phần nguồn lực tài chính để đầu tư, ưu tiên chế độ đãi ngộ cho giáo viên.

Thứ hai, phải quy hoạch lại về quản lý đội ngũ giáo viên. Đây là nhân lực đặc thù phải được quản lý và quy hoạch chặt chẽ và đặc thù. Chúng ta phải có kế hoạch bảo đảm chủ động về nguồn nhân lực giáo viên có chất lượng, không bị dư thừa. Nếu làm tốt những điều này sẽ thu hút được nhân tài tham gia vào ngành giáo dục.

Khi làm được hai điều trên, phải chọn những người giỏi nhất vào làm giáo viên. Ở các nước phát triển, họ chọn 10 - 15% những người giỏi nhất để làm giáo viên. Giáo viên có quyền sáng tạo cao nhất. Đó là bí quyết thành công mà các nước đang làm.

Bên cạnh đó, giáo viên phải là những người hoạch định chính sách. Giáo viên phải có vai trò chủ động trong hoàn thiện chính sách. Chính họ là người đề xuất và điều chỉnh về sự đổi mới trong giáo dục. Giáo viên hiện nay đang bị động, họ là người chịu sự tác động, phải diễn theo những kịch bản có sẵn. Như vậy sẽ hạn chế sự sáng tạo. Chúng ta phải để giáo viên luôn luôn được sáng tạo, khi đứng trên bục giảng phải toàn tâm toàn ý.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. Hoàng Đức Minh, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, mong ông tiếp nhận một số đánh giá cũng như kiến nghị của các đại biểu. Thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ làm thế nào để thực sự tạo điều kiện để giáo viên có thể cống hiến hết mình cho học sinh, nhà trường, xã hội, thưa ông?

TS. Hoàng Đức Minh: Tôi đồng lòng với các ý kiến của các thầy cô và các chuyên gia. Tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề như sau, về phát huy vai trò của người thầy, có 3 vấn đề:

Thứ nhất, một trong 5 giải pháp chiến lược mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra đó là trong năm nay quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách. Trong Luật Giáo dục đang sửa đổi, chương về nhà giáo là chương rất được quan tâm.

Thứ hai, bản thân các thầy cô giáo trong ngành trong bối cảnh nhiều thách thức phải đón nhận là biến các thách thức đó thành những việc mình phải làm. Tôi nói điều này bởi vì tôi cũng xuất thân từ giáo viên, và làm việc hiện nay cũng là người trong ngành và cũng đang chịu các áp lực. Ở mỗi vị trí khác nhau thì áp lực khác nhau, cũng đều phải đón nhận và chuyển hóa một cách tích cực, hóa giải một cách tích cực trong sự hỗ trợ của cộng đồng, của đồng nghiệp cũng như của các cấp để thực hiện tốt vai trò của mình. Nhiệm vụ thì không ai làm thay được, nên rất cần các thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, đón nhận các thách thức, đón nhận không tiêu cực, không gây áp lực lên với học trò. Đây cũng là cơ hội để các thầy cô khẳng định mình vì tất cả các cấp, các ngành, Đảng và Nhà nước quan tâm ở các góc độ khác nhau.

Thứ ba, người quản lý trong các cơ sở giáo dục, các đơn vị thực thi phải tạo môi trường cho giáo viên thực sự được dân chủ, được sáng tạo, được thực hiện vai trò của mình.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Những ngày này, từ giảng đường đại học đến các điểm trường vùng cao hay hải đảo xã xôi, trên khắp các nẻo đường cả nước, các thầy, cô giáo- những người kỹ sư tâm hồn- vẫn đang miệt mài cống hiến sức lực, trí tuệ và tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người. Chúng ta đón nhận thách thức như là cơ hội lớn cho cuộc cách mạng giáo dục. Và dù khó khăn đến đâu, người thầy- người đi tiên phong trong đổi mới- sẽ góp phần đưa sự nghiệp giáo dục vững bước đi lên. Chúng ta luôn biết ơn công sức của người thầy, người đào tạo, sản sinh ra thế hệ tương lai cho đất nước.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!