Thể chế cứng rắn

Nguyễn Bình 07/11/2017 08:07

Cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua đã làm nức lòng cử tri và nhân dân cả nước. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý. Nhiều cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ cấp cao đã bị truy tố, cách chức, kỷ luật. Những kết quả tích cực này đã được nhiều ĐBQH nhấn mạnh tại phiên thảo luận toàn thể về công tác tư pháp chiều qua. Như đúc kết ngắn gọn của một ĐBQH: “Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trả lại niềm tin cho nhân dân và cả đội ngũ cán bộ, công chức về sự trường tồn và phát triển của đất nước”.

Dẫu vậy, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều cam go và thách thức ở phía trước. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ rõ, hành vi công quyền do công chức và bộ máy công quyền thực hiện phải được minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình và phải được giám sát chặt chẽ. Đây chính là khâu then chốt để công chức, bộ máy công quyền không thể tham nhũng. Nhưng đó cũng là thách thức hiện hữu khi thể chế pháp lý hiện nay, dù đã không ngừng được hoàn thiện, vẫn còn nhiều khe trống, kẽ hở dung dưỡng cho tham nhũng. Chúng ta chưa có một thể chế đủ cứng rắn để cán bộ công quyền không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

Chưa kể đến mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp, ngay trong quan hệ hành chính giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới, giữa các bộ và các địa phương cũng đã không bảo đảm sự công khai, minh bạch. Địa phương gửi công văn về bộ, ngành, Trung ương, cấp dưới gửi công văn lên cấp trên, nhưng không biết đến bao giờ mới được trả lời, giải quyết. Quy trình giải quyết công việc giữa các cơ quan hành chính ngang cấp và giữa cấp trên với cấp dưới hoặc là chưa có, hoặc có nhưng vẫn chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Một nền hành chính thông suốt và thống nhất nhưng bộ, ngành, Trung ương rất “ngại” phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp dưới, thậm chí giữa các cơ quan ngang cấp thì sự phối hợp cũng lỏng lẻo, hoặc gây khó dễ cho nhau theo kiểu quyền anh, quyền tôi. Những công việc như cam kết nguồn, thẩm định thiết kế của những công trình, dự án, hay đơn giản như chủ trương mua sắm công… có cần thiết địa phương phải “cắp cặp” ra xin bộ, ngành, Trung ương không hay chỉ cần gửi văn bản hoặc dùng intenet và chữ ký điện tử? Những công việc hậu kiểm được thì có cần thiết phải tiền kiểm hay không? Tại sao không phân cấp và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm thì xử lý nghiêm, mà cứ phải “xin - cho”, ban phát?

Phòng, chống tham nhũng không phải là “cuộc chiến” trong một sớm, một chiều. Tham nhũng cũng không phải là “sản phẩm” riêng có của thể chế xã hội chủ nghĩa. Nó là “căn bệnh” của mọi loại thể chế chính trị. Vì thế, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, dù thực tiễn đang đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết và Trung ương cũng đang quyết liệt chưa từng thấy, thì về lâu dài, vẫn phải xử lý từ gốc rễ vận hành của tổ chức bộ máy. Đó là thể chế hóa đầy đủ nguyên lý đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lâu nay, trong tổ chức bộ máy của chúng ta thường nhấn mạnh đến nguyên lý “phối hợp” mà chưa thể chế hóa đầy đủ nguyên lý “phân công và kiểm soát” việc thực hiện các quyền lực của cơ quan Nhà nước. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng.

Còn nhớ, năm ngoái, trong Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng trình QH, Ủy ban Tư pháp cũng đã từng kiến nghị về việc phải xây dựng một đạo luật về kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiến nghị này lúc đó đã nhận được sự đồng thuận của nhiều ĐBQH và cả lãnh đạo Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ, phải nghiên cứu thấu đáo đề xuất này. Một thể chế cứng rắn để cán bộ công quyền không thể tham nhũng có thể bắt đầu bằng việc bảo đảm mọi hành vi công vụ của cán bộ, công chức, của bộ máy công quyền đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt trên cơ sở phân công, phân cấp và ủy quyền mạch lạc trong toàn hệ thống cơ quan nhà nước, giữa các cấp chính quyền, gắn với trách nhiệm giải trình về việc thực thi công vụ và xử lý nghiêm khắc nếu xảy ra vi phạm.

Nguyễn Bình