“Vùng đất khát” Lục Khu thay da đổi thịt

Chu Hiệu 25/10/2017 07:46

Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nơi đây từng được mệnh danh là “vùng đất khát”. Thế nhưng, đó là câu chuyện của ngày hôm qua…

Đến Lục Khu hôm nay, có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Những nương ngô, bãi trồng lạc, đỗ tương trải dài ngút mắt. Đường giao thông vươn về các xóm, bản cheo leo. Điện đã sáng trên vùng cao biên cương...

Gia đình anh Hoàng Văn Nam ở xóm Lũng Túp, xã Sỹ Hai đang nuôi 4 con trâu để vỗ béo, mỗi năm xuất bán hai lứa, mỗi lứa lãi 10 đến 15 triệu đồng. Gia đình anh còn nuôi lợn đen và trồng một số loại cây nông sản hàng hóa như ngô, lạc, đỗ tương… Nhờ biết cách áp dụng khoa học, canh tác phù hợp với điều kiện tại địa phương, gia đình anh có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Anh Nam chia sẻ: “Cuộc sống người dân Lục Khu đã thay đổi nhiều. Nhà nào cũng mua được tivi, xe máy. Đường vào bản được bê tông hóa. Hàng tháng, cán bộ nông nghiệp đến tận xóm để hướng dẫn người dân trồng gừng, hướng dẫn tiêm phòng cho trâu bò… Vì thế, cây trồng, vật nuôi cho năng suất ngày càng cao hơn”.

Xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn giờ đây cũng thay da đổi thịt với những con đường bê tông hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trẻ em học trong ngôi trường mới khang trang. Người dân khám, chữa bệnh trong trạm y tế xã. Tập quán canh tác lạc hậu không còn nữa. Thay vào đó, người dân biết áp dụng khoa học vào sản xuất, làm ăn. Bên cạnh cây trồng chủ đạo là ngô, người dân xóm Lũng Mủm còn trồng gừng theo dự án của Sở NN - PTNT tỉnh. Người dân không chỉ được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống, làm đất, chăm sóc… mà còn được hỗ trợ đầu ra. Gừng đến kỳ thu hoạch sẽ có xe đến tận xóm để thu gom. Giá bán gừng ổn định hơn khi bán cho thương lái, cuộc sống của hơn 54 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu đã ổn định và dần có tích góp. Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng xóm Lũng Mủm cho biết: Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhà nước hỗ trợ một số loại giống đặc chủng, năng suất từ trồng ngô, trồng lạc tăng cao. Đến nay, xóm chỉ còn 16/54  hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Thượng Thôn là một xã điểm trong phát triển kinh tế ở vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng. Yêu cầu cấp bách của Thượng Thôn nói riêng và 11 xã còn lại của vùng Lục Khu nói chung là “giải cơn khát” mà không phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Những cái chum của người dân trước đây luôn khô khốc giờ đầy ắp nước. Hồ nước, bể nước được xây dựng để tích trữ đủ dùng mỗi khi mùa khô tới. Chính quyền và người dân xã Thượng Thôn đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt hơn 1.200 tấn, 14/15 xóm có đường bê tông hóa; hơn 1.500 lượt người dân được khám, chữa bệnh mỗi năm. Bên cạnh đó các hủ tục lạc hậu đã dần được đẩy lùi. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn giảm đáng kể so với trước đây. Ông Hoàng Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Thôn cho biết, các chương trình, dự án giảm nghèo đã phát huy kết quả trên “vùng đất khát”, mang lại thu nhập bình quân đầu người gần 9 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, Cao Bằng đã huy động từ nhiều nguồn vốn để đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, góp phần ổn định cuộc sống người dân Lục Khu. Tính đến nay, 12 xã Lục Khu đã có 7 trên 14 hồ, hơn 130 bể chứa nước được đưa vào sử dụng. Đường giao thông liên xã được quan tâm đầu tư. Ngành nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa, gắn sản xuất của nhân dân vùng Lục Khu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề, tập quán canh tác truyền thống được thay thế bằng nhiều cách làm mới phù hợp với điều kiện của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Triệu Đình Hùng cho biết: Trong thời gian tới, đối với vùng Lục Khu, huyện sẽ tiếp tục duy trì công thức phát triển kinh tế - xã hội “3 cây, 2 con và dịch vụ” (cây thuốc lá, cây ngô, cây lạc; phát triển đàn bò hàng hóa, đàn lợn đen ở vùng cao). Tạo ra khâu đột phá về giao thông, dịch vụ và du lịch cho vùng Lục Khu, đặc biệt là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng xây dựng hệ thông giao thông liên thôn, liên xã tạo điều kiện cho nhân dân vùng lục khu phát triển, giao lưu hàng hóa. 

Chu Hiệu