Xác lập tư tưởng Tập Cận Bình
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hôm 24.10 đã nhất trí đưa tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Việc gắn tên riêng vào triết lý chính trị sẽ đặt ông Tập Cận Bình ngang hàng với các nhà lãnh đạo tiền bối như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Sánh ngang hai nhà lập quốc
Cũng tại Phiên bế mạc sáng 24.10, 2.336 đại biểu đã bầu ra các thành viên Ủy ban Trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc Khóa XIX. Sau đại hội, Hội nghị toàn thể lần thứ Nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XIX trong sáng nay, 25.10, sẽ bầu ra Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. |
Cuộc bỏ phiếu về “Tư tưởng Tập Cận Bình” diễn ra vào cuối phiên họp bế mạc Đại hội tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của hơn 2.336 đại biểu, chính thức ghi tên tuổi của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với tư tưởng về “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ Đảng.
Cho đến nay, chỉ hai nhân vật trong lịch sử Trung Quốc mà tư tưởng được đưa vào Điều lệ Đảng cùng với tên riêng là cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, người sáng lập ra đất nước Trung Quốc hiện đại và ông Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ thời Mao Trạch Đông, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo đương nhiệm có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong Điều lệ Đảng. “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được nêu trong Điều lệ Đảng sau khi ông qua đời năm 1997.
Học thuyết chính trị của hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tuy cũng được đưa vào Điều lệ Đảng nhưng không được đính kèm danh xưng. Thuyết Tam đại diện của ông Giang Trạch Dân được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội Khóa XVI năm 2002, khi ông thôi giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn quan điểm phát triển khoa học của ông Hồ Cẩm Đào được chính thức hóa một tháng trước Đại hội đảng Khóa XVII, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
Việc Điều lệ Đảng xác lập tên tuổi ông Tập Cận Bình gắn liền với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, vị thế của ông Tập đã được tôn vinh sánh ngang các bậc tiền bối từng gây dựng nền tảng đất nước Trung Quốc hiện đại. Động thái này, theo giới quan sát, cũng sẽ củng cố vị thế của ông Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ, và nhiều khả năng ông Tập sẽ duy trì được vị thế này trong nhiều năm nữa.
![]() | |
Nguồn: Getty |
“Kim chỉ nam” thời đại mới
Theo Nghị quyết được thông qua tại đại hội, tư tưởng Tập Cận Bình sẽ là “kim chỉ nam” để phục hưng “sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và “Tư tưởng đó phải được giữ vững và phát triển ổn định trên cơ sở lâu dài”. Đây cũng là sự “kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, học thuyết Tam đại diện của Giang Trạch Dân và quan điểm Phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào.
Còn theo Điều lệ Đảng sửa đổi, khái niệm tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được khẳng định là “ánh sáng soi đường cho công tác Đảng”. Phần bổ sung Điều lệ đồng thời nhắc tới sự lãnh đạo “tuyệt đối” của Đảng đối với quân đội, sự cần thiết của việc tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng. Về kinh tế, sáng kiến “Vành đai, Con đường” của ông Tập Cận Bình, cải cách cơ cấu phần cung của thị trường, tạo điều kiện cho thị trường có “vai trò quyết định” trong việc phân bổ các nguồn lực là những điểm mới được bổ sung.
Học thuyết mới với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” được ông Tập Cận Bình nêu ra trong báo cáo chính trị đọc tại Phiên khai mạc Đại hội Đảng cách đây gần một tuần. Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình 26 lần miêu tả Trung Quốc bằng những từ như “siêu cường” hoặc “cường quốc”. Đây cũng được đánh giá là bước tiến dài kể từ thời mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn gọi đất nước mình là nước nghèo và đóng vai trò khiêm tốn trên trường quốc tế.