Giữ “hồn” cho rừng

HẢI HIỂN 13/10/2017 08:05

Nhà nước nỗ lực giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân bằng các công cụ quản lý nhằm bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện cho người dân sống được và làm giàu từ rừng. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ. Đối với Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, giao rừng cho đồng bào các dân tộc thiểu số là giao cho họ giữ cuộc sống và tâm hồn của chính mình.

Người nghèo nhận rừng nghèo

Theo quy hoạch, toàn tỉnh Kon Tum có 779.913,5ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng 603.047,8ha; diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng 176.865,6ha. Đến nay, tỉnh đã giao 3.745,2ha rừng, đất rừng cho 23 cộng đồng thôn, làng quản lý, chiếm 0,5% và đã giao 62.655,8ha rừng, đất rừng cho 4.607 hộ gia đình quản lý, bảo vệ chiếm 8,1% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; hiện còn khoảng 175ha chưa giao. Như vậy, còn hơn 713.000ha rừng và đất rừng của tỉnh do các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các ban quản lý rừng quản lý, bảo vệ.

Một thực tế đáng chú ý là rừng giao cho người dân chủ yếu là rừng nghèo kiệt. Phần lớn hộ dân nhận đất, nhận rừng là hộ nghèo, không có khả năng tự đầu tư trên diện tích rừng được giao. Người nghèo nhận rừng nghèo ắt hưởng rất ít lợi ích nhưng phải tốn nhiều công sức để quản lý, bảo vệ.

Tuần tra, bảo vệ rừng ở huyện Kon Plông, Kon Tum Ảnh: Hải Hiển
Tuần tra, bảo vệ rừng ở huyện Kon Plông, Kon Tum Ảnh: Hải Hiển

Theo quy định hiện hành, khi hộ gia đình và cộng đồng được giao rừng thì họ được quyền hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích rừng đó; được thu hoạch, sử dụng lâm sản dưới tán rừng mà không phải nộp thuế tài nguyên; được trồng xen cây dược liệu, cây nông nghiệp, chăn thả gia súc; được sử dụng đất lâm nghiệp được giao trong thời hạn 50 năm và được thừa kế, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất và các quyền lợi khác theo quy định của Luật Đất đai hiện hành; được hưởng các chế độ ưu đãi theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia… Được rất nhiều quyền lợi như thế, nhưng nhiều hộ dân trả lại diện tích rừng, đất rừng đã được giao và không muốn tiếp tục tham gia quản lý, bảo vệ.

Nguyên nhân được xác định do chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng có điểm chưa sát với thực tế ở Tây Nguyên; cơ chế để người dân khai thác sản phẩm từ rừng quá phức tạp, làm cho người dân khó hiểu, khó thực hiện… Nhưng điều quan trọng nhất là việc “trao” rừng cho dân phải bảo đảm vừa thực thi pháp luật nghiêm minh, vừa phải bình đẳng, gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ.

 “Trao” rừng đúng nghĩa

Cũng như một số tỉnh ở Tây Nguyên và miền Trung, rừng ở Kon Tum vẫn bị tàn phá không thương tiếc, mặc dù rừng đã được giao và có chủ. Năm 2014 phát hiện 486 vụ; năm 2015 phát hiện 360 vụ; năm 2016 phát hiện 585 vụ và 6 tháng đầu năm 2017 phát hiện 362 vụ. Tuy nhiên, số vụ bị điều tra, khởi tố hình sự rất thấp (1.793/84 vụ). Điều mà ai cũng dễ nhận thấy là hầu hết những vụ lâm tặc triệt hạ rừng là rừng do các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các ban quản lý rừng quản lý và bảo vệ, vì cây to, gỗ quý không còn ở rừng nghèo.

Sự tàn phá của con người không những làm suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, tạo điều kiện để lấn chiếm đất rừng mà còn nhấn chìm nhà cửa, bản làng, thậm chí cướp đi sinh mạng của người dân qua các trận lũ lịch sử năm 1996 và 2009 ở Kon Tum. Nhìn những cánh rừng bị tàn phá, hơn ai hết chính những đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, sinh ra và lớn lên từ rừng, sống nhờ rừng, xót xa nhất và chịu thiệt thòi nhất.

Ai bảo rừng không có “hồn”? “Rừng che Bộ đội, rừng vây quân thù”. Rừng cho người dân tộc thiểu số nguồn nước mát, môi trường sống trong lành, nguồn sản vật dưới tán rừng vô cùng phong phú đã từng cung cấp cho họ nguồn thực phẩm dồi dào, giàu năng lượng. Rừng lưu giữ những thanh âm trầm hùng của cồng chiêng khi vào mùa lễ hội. Rừng tôn lên vẻ đẹp của những mái nhà rông cao vút và uy nghiêm trên các buôn, làng. Rừng mang lại nguyên liệu để chế tác các loại nhạc cụ như: Đàn T’rưng, Đinh Tút, Klông pút, Tin ning… dân dã, đắm say. Những điều đó đã ăn sâu và đang âm ỉ chảy trong tâm khảm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như suối nguồn róc rách từ nghìn đời nay. Hãy trao lại cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên những điều đó thì rừng sẽ tồn tại và phát triển.

HẢI HIỂN