Kết hợp thiết kế hiện đại và nghề thủ công
Hội đồng Anh Việt Nam vừa chính thức công bố Cuộc thi Thiết kế và Thủ công 2017 - chương trình đầu tiên trong khuôn khổ dự án Crafting Futures, nhằm tạo nhiều cơ hội mới cho phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm thủ công trên cơ sở bền vững và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.
Các nghề thủ công ngày càng bị đe dọa khi đối mặt với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Các nữ nghệ nhân, chiếm phần lớn lực lượng lao động của ngành này, là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì hoạt động hoặc công việc kinh doanh của mình. Sự kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống và thiết kế hiện đại sẽ tạo ra mối quan tâm mới đối với hàng thủ công thông qua quá trình sáng tạo, các nghiên cứu và các câu chuyện được kể lại. Hơn thế nữa, phát triển các kỹ năng kinh doanh và tiếp thị là yếu tố tối quan trọng để nâng cao đời sống kinh tế.
Là một chương trình toàn cầu của Hội đồng Anh hỗ trợ phát triển bền vững ngành công nghiệp thủ công. Tại Đông Nam Á, Crafting Futures hướng tới tăng cường năng lực tự chủ về kinh tế thông qua phát triển các doanh nghiệp xã hội sáng tạo và kỹ năng thiết kế cho các nữ nghệ nhân và nhà thiết kế. Chương trình sẽ đặc biệt tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới xã hội, hợp tác công bằng, chuẩn mực và sự trân trọng các di sản văn hóa.
![]() Nghề thủ công ngày càng bị đe dọa trong quá trình toàn cầu hóa - Nguồn: Hội đồng Anh |
Tại Việt Nam, Crafting Futures sẽ hiện thực hóa mục tiêu bằng cách liên kết các nhà thực hành sáng tạo (nhà thiết kế) cùng doanh nghiệp xã hội và sáng tạo với các nữ nghệ nhân cũng như cộng đồng thợ thủ công nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc sản xuất sản phẩm thủ công trên cơ sở bền vững và đúng quy cách. Các hoạt động của chương trình sẽ tập trung nâng cao kỹ năng và năng lực trong các lĩnh vực thiết kế, đổi mới xã hội và quản lý di sản văn hóa.
Cuộc thi Thiết kế và Thủ công 2017 dành cho những sinh viên chuyên ngành thiết kế người Việt Nam (sinh viên năm cuối đại học hoặc sau đại học), các nhà thiết kế trẻ và chủ sở hữu doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm và uy tín trong thiết kế sản phẩm mang tính thủ công hoặc đã có kinh nghiệm điều hành dự án và/hoặc kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và thiết kế.
![]() Phụ nữ Mông tại Lào Cai mài sợi lanh - Nguồn: Hội đồng Anh |
Ban giám khảo cuộc thi, gồm những chuyên gia trong lĩnh vực thủ công, thiết kế và điều hành doanh nghiệp, sẽ lựa chọn 15 ứng viên phù hợp nhất với những tiêu chí sau: Có sự quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực thủ công và thiết kế, và mong muốn tạo ra những giá trị mới thông qua việc cộng tác thiết kế với các cộng đồng sản xuất thủ công; có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, làm nghề thủ công và/hoặc điều hành doanh nghiệp; cam kết tham gia đầy đủ tất cả các hoạt động và đạt được tất cả kết quả dự kiến.
15 ứng viên được lựa chọn sẽ nhận được thư mời tham gia vào các hoạt động sau nhằm chuẩn bị cho cuộc thi, gồm: Chuỗi ba hội thảo phát triển chuyên môn; chương trình lưu trú thực địa; chuẩn bị cho việc lên ý tưởng thiết kế mới và kế hoạch kinh doanh để tham gia cuộc thi. Thí sinh sẽ nhận được 10 triệu đồng để trang trải chi phí phát triển ý tưởng và kế hoạch kinh doanh; đồng thời được cố vấn và hướng dẫn từ hội đồng chuyên môn trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi. Hạn cuối nộp bài dự thi là tháng 2.2018. Các sản phẩm/dự án về thiết kế từ chất liệu thủ công của thí sinh nộp dự thi sẽ được trưng bày trong một triển lãm riêng tại Hà Nội.