Bài 1: Vân Đồn - từ thương cảng đến đặc khu

Hồng Loan - Lê Tùng 02/10/2017 08:26

Thời điểm này nếu hỏi “Quảng Ninh sốt ruột điều gì nhất?”, câu trả lời chắc chắn là Vân Đồn. Không quá lời khi nói Quảng Ninh là địa phương chủ động và quyết liệt hơn cả trong câu chuyện đặc khu. Suốt 5 năm qua, Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được Ban soạn thảo chỉnh sửa, cập nhật từng ngày, chứ không phải theo tuần hay tháng. Trên thực tế, hình hài của đặc khu Vân Đồn cũng đang rõ dần với những dự án hạ tầng mang tính động lực đón đầu thời khắc hệ trọng…

Chưa có Đề án nào chuẩn bị công phu đến vậy!

 Nếu mọi việc “xuôi chèo mát mái” thì vào giữa năm 2018, Việt Nam mới có 3 đặc khu kinh tế đầu tiên. Trong khi đó, từ những năm 1960, mô hình này đã phát triển mạnh ở nhiều nước châu Á. Cho đến nay, thế giới có khoảng 4.500 đặc khu tại 140 quốc gia nhưng con số thành công không nhiều. Đi sau trong một cuộc đua tranh khốc liệt, Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong phải được trao cho thể chế đột phá, không chỉ so với “ta” mà phải so với “người” mới hy vọng những nhà đầu tư “hạng nhất” để mắt tới. Nhưng nếu không có niềm tin và tư duy mới thì sẽ không thể có thể chế đột phá cho 3 khu vực này.

Tháng 4 vừa rồi, nhiều vị khách “không mời” ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có mặt tại TP Hạ Long dự hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với cộng đồng doanh nghiệp. Họ là những doanh nhân và phần lớn trong số đó đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Vân Đồn - thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt và cũng là thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong suốt 7 thế kỷ kể từ khi thành lập vào năm 1149.

Một tháng trước đó, Bộ Chính trị ra Kết luận số 21-TB/TW đồng ý cho Vân Đồn cùng với Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc tỉnh. Phải ở trong cuộc mới thấu hiểu được giá trị của thông tin này! Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nói rằng, Kết luận của Bộ Chính trị không chỉ mở ra trang sử mới cho Vân Đồn mà còn như một món quà ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh trong nhiều năm. Lãnh đạo vùng đất mỏ bắt tay vào xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn từ năm 2012, với tham vọng đưa thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt ngày nào trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao mà trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí casino... Không những thế, trong tầm nhìn của Quảng Ninh, Vân Đồn cũng sẽ được phát triển thành một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Cơ chế, chính sách cho Vân Đồn phải “cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.

Cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh Nguồn: ITN
Cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh Nguồn: ITN

Theo lời một thành viên của Ban soạn thảo, chưa từng có Đề án nào của tỉnh được chuẩn bị công phu đến vậy. Những hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã vượt quá con số 50. Tư vấn hoàn thiện chiến lược phát triển, cho ý kiến phản biện dự thảo Đề án đều là các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới như: Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), Công ty Tư vấn PricewaterhouseCoopers, Limited (PwC). Quảng Ninh cũng đã vài lần mời lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang cùng thảo luận về việc xây dựng đề án phát triển các đặc khu, cũng như góp ý xây dựng Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Riêng tổ công tác của Quảng Ninh đã rà soát 234 luật, bộ luật hiện hành để đưa ra đề xuất về những chính sách vượt trội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Vân Đồn. Đề án cũng được chỉnh sửa, cập nhật từng ngày chứ không tính bằng tuần hay tháng.

Hạ tầng phải đi trước một bước

Lẽ dĩ nhiên công việc chuẩn bị cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn không chỉ ở bàn giấy, trên văn bản. Ngay từ lúc bắt tay xây dựng Đề án, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi đó (Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc) đã bỏ nhiều thời gian “ngoại giao con thoi”, gặp gỡ, thuyết phục hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước rót vốn vào các dự án hạ tầng. Vân Đồn muốn “cất cánh” không thể thiếu “đường băng” này. Còn nói như TS. Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm làm cố vấn cho các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn trên thế giới, để đón “đàn chim lớn”, Vân Đồn phải xây cho được cái tổ chắc chắn, rộng rãi. “Không ai chấp nhận ngồi hàng giờ đồng hồ trên đường đầy ổ gà để đi chơi bài và nghỉ ngơi trong những resort 5 sao cả. Đã lựa chọn dịch vụ chất lượng cao làm trụ cột thì hạ tầng nhất định phải đi trước một bước”.

Một góc khu đô thị Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh Ảnh: Đ. Phương
Một góc khu đô thị Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh Ảnh: Đ. Phương

Cho đến nay, rất nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được Quảng Ninh đầu tư với tổng vốn lên tới trên 40 nghìn tỷ đồng. Cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm tới, 85km đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và Hạ Long - Vân Đồn sẽ hoàn thành. Khi đó từ Hà Nội đi Vân Đồn chỉ mất 2 giờ đồng hồ thay vì 6 tiếng như hiện nay. Cũng chỉ ít lâu nữa thôi, sân bay Vân Đồn (đang được đề xuất nâng cấp lên sân bay quốc tế) sẽ đi vào vận hành. Cảng Hàng không Vân Đồn có công suất 5 triệu khách/năm và được xây dựng theo tiêu chuẩn 4E, tức là có thể tiếp nhận máy bay thân rộng thế hệ mới như Boeing 787, Airbus A350, A380 hoặc tương đương. Cả nhà đầu tư (Tập đoàn Sun Group) và chính quyền địa phương đang kỳ vọng sẽ đón chuyến bay đầu tiên trong năm 2018. Khi ấy, khoảng cách giữa Vân Đồn với thế giới không còn xa. Chỉ mất 1 - 2 giờ bay, đã có thể đến với các trung tâm kinh tế, tài chính và du lịch lớn trong khu vực như Nam Ninh, Thượng Hải, Hồng Kông, Macao, Thâm Quyến… Mất thêm 3 - 4 giờ nữa sẽ đến được thủ đô của các nước trong khu vực. Với các hạ tầng còn lại, Quảng Ninh đã có kế hoạch cụ thể với Tập đoàn Điện lực và các tập đoàn viễn thông trong nước để hoàn thiện đồng bộ với hệ thống giao thông và đô thị trong năm 2018. Đó cũng là thời điểm dự kiến Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Không quá lời nếu nói rằng, trong số 3 địa phương có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh chủ động, quyết liệt và quyết tâm hơn cả. Nhờ đó, cho đến giờ phút này, Vân Đồn đã có được nhà đầu tư chiến lược và các dự án động lực, một trong những yếu tố mà các chuyên gia kinh tế cho là quan trọng để phát triển đặc khu. Nhưng liệu thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong quá khứ và cả Phú Quốc, Bắc Vân Phong có thể trở thành những đặc khu thịnh vượng trong tương lai? Câu trả lời phụ thuộc vào việc 3 đặc khu này có được trao cho một thể chế đột phá, vượt trội đủ để cạnh tranh toàn cầu hay không!

Hồng Loan - Lê Tùng