Bổ sung quyền chủ rừng

Chi Châu
Ý Nhi ghi
02/10/2017 08:20

Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) sẽ trình QH xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới. Với mong muốn trong Luật sửa đổi lần này, cộng đồng dân cư và hộ gia đình là người dân tộc thiểu số sẽ tiếp cận thuận lợi hơn với chính sách giao đất, giao rừng, sống được nhờ rừng, Nhóm chuyên gia của Trung tâm Cirum đã có những khuyến nghị cụ thể đóng góp cho dự án Luật với tư cách là chuyên gia Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc thực hiện chính sách, pháp luật giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2016.

Sinh kế chưa gắn với văn hóa rừng

Sau khi Luật Đất đai 2013 công nhận cộng đồng dân cư là người sử dụng đất (chủ sử dụng đất), Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 công nhận cộng đồng dân cư thôn là đối tượng được giao rừng, nhiều địa phương đã xúc tiến huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai giao đất, giao rừng cho làng bản - cộng đồng dân cư thôn. Kết quả bước đầu khá tích cực, tuy nhiên giao đất, giao rừng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sinh kế, cuộc sống hàng ngày của người dân, đặc biệt đối với chủ rừng là cộng đồng dân cư, làng bản.

Theo công bố hiện trạng rừng của Bộ NN - PTNT năm 2016, quỹ đất có rừng chưa giao do xã quản lý còn khoảng 3,1 triệu ha (chiếm 21,5% tổng đất có rừng), đất có rừng giao cho các tổ chức khoảng 7,2 triệu ha (chiếm 50,1%). Một số tỉnh còn quỹ đất có rừng chưa giao lớn như Gia Lai còn khoảng 200 nghìn ha, Kon Tum khoảng 175 nghìn ha, Đắk Nông 50 nghìn ha… Trong khi đó, chủ rừng là cộng đồng dân cư làng bản chủ yếu thực hiện theo chương trình, dự án thí điểm và một số chương trình dự án hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Diện tích rừng được giao cho cộng đồng làng bản chưa nhiều.

Đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số, diện tích rừng được giao cũng không đáng kể, theo báo cáo của Đắk Nông, chỉ có 8 hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng với diện tích 99ha; Lào Cai giao cho 427 hộ dân tộc thiểu số với diện tích 449ha…

Thực tế cho thấy, đồng bào dân tộc miền núi sinh sống dựa vào rừng và đất rừng là chính yếu. Nhưng, Nhà nước chưa có chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số (sinh kế gắn với văn hóa rừng) như giao đất sản xuất nông nghiệp cho người dân ở vùng đồng bằng chia theo khẩu (sinh kế gắn với văn hóa lúa nước). Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi chỉ được giao đất, giao rừng theo các chương trình, chứ không giao đồng loạt, theo khẩu nông nghiệp.

Cộng đồng, hộ gia đình tự đầu tư trồng rừng

Vướng mắc lớn nhất hiện nay được xác định trong chính sách, pháp luật đó là Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 quy định về chủ rừng là cộng đồng dân cư chưa rõ ràng và chưa tương thích với Luật Đất đai. Theo đó, định nghĩa chủ rừng là cộng đồng dân cư trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 bổ sung thuật ngữ “thôn” (cộng đồng dân cư thôn) dẫn đến tình trạng khi thực hiện được hiểu là thôn theo quản lý hành chính. Mặt khác, định nghĩa chủ rừng cộng đồng dân cư trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng chưa tương thích với Luật Đất đai về một số nội dung như các điểm dân cư tương đương, làng bản có cùng phong tục tập quán, dòng họ. Vì vậy, khi tổ chức thực hiện có sự bất đồng giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành lâm nghiệp gây cản trở triển khai giao đất giao rừng.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng chưa quy định rõ ràng về vị trí, loại rừng quản lý truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, việc chủ rừng cộng đồng dân cư làng bản không có tên trong danh mục quy định chủ rừng được giao quyền sử dụng theo các loại rừng (Điều 46, Điều 50, Điều 56, Luật Bảo vệ và phát triển rừng) gây ra tình huống giao hay không giao rừng cho cộng đồng, làng bản vẫn đúng Luật nếu cơ quan thẩm quyền không quan tâm giao đất, giao rừng cho làng bản…

Yêu cầu trên đòi hỏi, cần sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhằm giúp cộng đồng dân cư được tiếp cận thuận lợi hơn với chính sách giao đất giao rừng, sống được nhờ rừng và phù hợp hơn với phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số. Cụ thể, dự án Luật cần làm rõ và bổ sung khái niệm chủ rừng là cộng đồng dân cư tương thích với Luật Đất đai (cộng đồng dân cư là các thôn, bản, buôn, bon làng… điểm dân cư tương đương có cùng phong tục tập quán, chung dòng họ), không nhất thiết là thôn theo quản lý hành chính. Loại rừng của cộng đồng dân cư làng bản phải được đưa vào điều khoản về tiêu chí phân loại rừng và điều khoản quy định loại rừng giao cho cộng đồng dân cư. Bổ sung tên địa danh vào phân định ranh giới rừng theo tiểu khu, khoanh lô. Bổ sung sở hữu rừng đối với trường hợp hộ, cộng đồng làng bản tự đầu tư trồng rừng, bổ sung làm giàu rừng vào rừng tự nhiên được giao, sở hữu rừng tự nhiên khi tự đầu tư khoanh nuôi phục hồi rừng từ đất chưa có rừng.

Bổ sung trong dự án Luật quyền của chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Trong đó, hộ gia đình và cộng đồng dân cư có quyền được tự tổ chức, liên kết, liên doanh du lịch sinh thái, đào tạo, nghiên cứu… của các loại rừng được giao; quyền chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê rừng của hộ gia đình gắn với quyền sử dụng đất tương ứng. Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất). Nhà nước cần điều tiết nguồn thu chi trả công bằng kinh phí bảo vệ rừng cho các chủ rừng giữa các lưu vực, đặc biệt đối với vùng chưa có dịch vụ môi trường rừng.

Chi Châu<br>Ý Nhi ghi