Thà chậm mà… chắc
Chỉ còn chưa đầy 1 năm để triển khai đại trà việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13 nhưng đến giờ này, nhiều khâu chuẩn bị và điều kiện bảo đảm thực hiện vẫn manh mún và nhiều bất cập. Việc Bộ GD - ĐT kiến nghị được giãn tiến độ là có cơ sở, song băn khoăn của các đại biểu là lộ trình, thời hạn và chất lượng đi kèm sẽ như thế nào.
Cần thêm thời gian
Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ diễn ra ngày 25 - 26.9, Bộ GD - ĐT đã Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình phổ thông và Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Ưu điểm, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình đổi mới giáo dục gần 20 năm qua được nhìn nhận một cách thẳng thắn. ĐBQH Mùa A Vảng băn khoăn: “Qua tiếp xúc cử tri, dư luận thắc mắc chương trình, SGK hiện hành “vấp” ở đâu mà phải đổi mới? Nghị quyết 40 thực hiện trong thời gian chưa dài, cũng có nhiều học sinh đi thi quốc tế đạt giải cao, chứng tỏ SGK tương đối chuẩn. Đành rằng đổi mới lần này là theo hướng phát triển năng lực, sở trường của người học nhưng cần làm rõ hơn…”.
![]() Bộ Giáo dục - Đào tạo đang kiến nghị được dãn tiến độ thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới |
Nguồn: ITN |
Trên cương vị lãnh đạo ngành giáo dục Khánh Hòa, ĐBQH Lê Tuấn Tứ tán thành xu hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 88 nhưng tâm tư về tiến trình. “Chương trình hiện hành chuẩn bị 9 năm, thí điểm 3-4 năm trước khi làm đại trà. Dồn lực như vậy mà thực hiện vẫn lúng túng. Lần này, ta chuẩn bị chưa kỹ mà viết chương trình, SGK, đưa vào giảng dạy không biết sẽ thế nào?” Theo ĐB Lê Tuấn Tứ, mỗi địa phương với những đặc thù về vật lực, con người… không phải muốn gì cũng đáp ứng ngay được. Đơn cử, kế hoạch là tháng 2.2018 bắt đầu viết tài liệu địa phương, xong thì Bộ phê duyệt nhưng năng lực của nhiều địa phương còn hạn chế. “Kinh nghiệm ở Khánh Hòa viết địa lý, lịch sử địa phương có quần đảo Trường Sa, phải lấy ý kiến các bộ, ngành nên không dễ”. ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đồng tình: “Chương trình mới phải khắc phục được bất cập, hạn chế nêu trong đánh giá thực hiện Nghị quyết 40, các địa phương cần được chuẩn bị tâm thế. Nếu không, dù chương trình xong cũng không thực hiện được. Chưa khả thi như vậy thì nên mạnh dạn lùi thời gian”.
Đích đến là chất lượng
“Đến giờ, điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chưa bảo đảm yên tâm. Không hẳn giáo viên mà toàn xã hội cũng chưa thật sự có tâm thế đồng hành với chương trình mới. Đây là điều rất quan trọng rút ra khi triển khai Nghị quyết 40. Khi triển khai chương trình mới, liên quan đến từng người, từng nhà mà , kiến nghị giãn tiến độ thực hiện chương trình, rất mong được chia sẻ, có sự đồng khởi và quyết tâm sẽ có chất lượng”. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Tương quan so sánh hai Nghị quyết, dù thời điểm, cách thức tiếp cận khác nhau nhưng mục tiêu chung vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 88 ra đời khi chưa có đánh giá đầy đủ, khoa học về quá trình thực hiện Nghị quyết 40 là “muộn”. ĐBQH Chu Lê Chinh (Lai Châu) đặt câu hỏi: Có quan điểm, nội dung xuyên suốt giá trị. Vậy quá trình thực hiện không như kỳ vọng thì nguyên nhân từ đâu, nhìn nhận thực sự đầy đủ chưa? Ông Chinh cho rằng: “Chừng nào chưa đánh giá đúng, đủ bản chất, cốt lõi của Nghị quyết 40 thì hiện thực hóa tinh thần nêu trong Nghị quyết 88 khó có bước đi đúng”.
Dự thảo Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 40 về đổi mới chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT ít nhiều đã chỉ ra cái được, chưa được trong thời gian qua, tuy chưa thực sự đầy đủ. Nhưng đáng quan tâm hơn là việc đổi mới chương trình, SGK theo Nghị quyết 88 có phát huy những điểm nổi bật và khắc phục được hạn chế đó? Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Tạ Văn Hạ nhận định: “Theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, tôi thấy cái “mở” trong chương trình mới rồi, nhưng là mở quyền chủ động của địa phương và nhà trường chứ không phải cho học sinh. Phải tháo cái chốt chính này thì giáo dục mới khắc phục được bất cập thời gian qua. Vì đích đến của đổi mới căn bản, toàn diện là chất lượng học sinh. Đây là sản phẩm đặc thù, là thế hệ tương lai Việt Nam, nếu không cẩn thận, kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn”.
Nhìn sâu sắc, làm bài bản
Ghi nhận quá trình đổi mới giáo dục đã có hiệu quả nhất định nhưng theo các đại biểu, quá trình thực hiện có nhiều bất cập, khiến dư luận phản ứng. Lấy ví dụ mô hình trường học mới VNEN, sau một thời gian triển khai, dự án kết thúc vào tháng 5.2016, ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình) phân tích: Bộ GD-ĐT tổng kết, đánh giá hiệu quả của mô hình, đồng thời định hướng để các địa phương, các trường có điều kiện thì làm tiếp, không có điều kiện thì dừng. So sánh với quá trình đổi mới chương trình, SGK hiện nay càng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. “Một dự án như vậy, còn đổi mới GDPT mới liệu có để cơ sở nào đáp ứng thì thực hiện, không đáp ứng thì thôi không? Từ thực tế hiện nay, tôi nhất trí đề nghị lùi lại, để áp dụng thận trọng, có thời gian tổ chức chuẩn bị, làm cho chắc chắn, đồng bộ”.
Cho rằng giãn thời gian triển khai chương trình, SGK mới là đề xuất cần thiết, tuy nhiên theo các đại biểu, lộ trình và thời hạn lùi cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhận định: “Nhìn lại một cách căn cơ, nghiêm túc, từ Nghị quyết 40, ta biết Nghị quyết 88 triển khai như thế nào, phải chịu trách nhiệm đến cùng ra sao… Đổi mới giáo dục đang chậm nhịp nhưng không thể vội mà phải tính về lâu dài, phải nhìn sâu sắc để làm bài bản, tránh lần này làm không được, vài năm sau lại đặt vấn đề sửa chương trình”.