Tôn trọng và lắng nghe

Anh Lương 18/09/2017 08:48

TXCT, tiếp công dân là hoạt động chủ yếu để giữ mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri và nhân dân. Thông qua tiếp xúc, đại biểu sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị chính đáng của cử tri, những bức xúc từ nhân dân; đồng thời có thêm nhiều thông tin từ thực tiễn phục vụ cho hoạt động của mình. Để những hoạt động này đạt hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu cần phải có kỹ năng.

Nguyên tắc 4T

Làm thế nào để TXCT đạt hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc? Trước hết, phải chọn hình thức, thời điểm tiếp xúc phù hợp. Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định về việc đại biểu TXCT sau mỗi kỳ họp. Như vậy, để thực hiện trách nhiệm của đại biểu là thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, cần và nên sử dụng nhiều cách thức tiếp xúc phù hợp, hiệu quả, như: TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp theo đơn vị bầu cử; TXCT nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu; TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Với các hình thức: Tổ chức hội nghị TXCT; gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhóm hoặc cá nhân cử tri, hoặc qua gửi thư, email, website...

Tùy theo đối tượng và cách thức để chọn thời điểm tiếp xúc phù hợp. Nhưng nên tránh tổ chức tiếp xúc ở khu vực nông thôn vào lúc mùa vụ, nông dân đang tập trung sản xuất; tránh tiếp xúc ở khu vực sản xuất công nghiệp vào ngày, giờ hành chính, sẽ khó có đông cử tri tham dự. TXCT theo nhóm, theo chuyên đề nên để cử tri chủ động bố trí thời điểm thích hợp.

Đại biểu cần tôn trọng và lắng nghe người dân trình bày ý kiến Ảnh: Nhật Huy
Đại biểu cần tôn trọng và lắng nghe người dân trình bày ý kiến Ảnh: Nhật Huy

Bên cạnh đó, nên phối hợp đại biểu nhiều cấp để tiếp xúc sẽ có diện tiếp xúc rộng, nhiều cử tri tham dự; không nhất thiết tổ chức ở hội trường xã mà có thể chia nhóm đại biểu xuống tiếp xúc tại nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Nắm trước vấn đề của cử tri ở nơi tiếp xúc để bố trí mời lãnh đạo các cơ quan cùng dự, tham gia giải trình, trả lời ý kiến cử tri và chuẩn bị tiếp thu, giải trình.

Về phía đại biểu, cần thực hiện “nguyên tắc 4T”: Thời gian - Trí tuệ - Thân thiện - Tươm tất. Thời gian, đại biểu đến nơi tiếp xúc đúng giờ, tốt nhất là đến sớm và không nên kéo dài thời gian tiếp xúc. Trí tuệ, đại biểu cần hiểu và nắm bắt các vấn đề kinh tế, xã hội, pháp luật..; có đủ thông tin về tình hình nơi tiếp xúc; xử lý thông minh các tình huống xảy ra khi tiếp xúc; không nên hứa điều gì nếu không chắc chắn giải quyết được. Thân thiện, thăm hỏi cử tri, bằng lời chào hỏi ân cần, ánh mắt thân thiện, những cái bắt tay ấm cúng, âm lượng, giọng nói thể hiện sự thân thiện, tôn trọng… hoặc gặp gỡ trao đổi riêng khi vấn đề khó nói trước tập thể. Tươm tất, sử dụng trang phục phù hợp với đối tượng tiếp xúc; giản dị, gọn gàng.

Mặt khác, đại biểu cũng cần tránh những điều không nên làm khi TXCT: Không chú ý nghe, không làm việc riêng khi nghe cử tri nói (nghe điện thoại, đọc tài liệu, nói chuyện riêng, bỏ ra ngoài...); không ghi chép ý kiến cử tri; không cắt ngang ý kiến, chỉ tranh luận khi thực sự cần thiết; không tóm tắt được ý kiến cử tri khi tiếp thu.

Kết hợp đạo lý và pháp lý

Đối với đại biểu HĐND, tiếp công dân là hoạt động mới từ khi ban hành Luật Tiếp công dân năm 2013 và quy định cụ thể tại Nghị quyết số 759 của UBTVQH. Qua đó, đại biểu tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tuyên truyền, giải thích để công dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; bảo đảm quyền công dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Khác với TXCT, tiếp công dân chủ yếu là những người đang bức xúc, căng thẳng, tâm trạng nóng nảy, thiếu bình tĩnh về những vấn đề khiếu nại, tố cáo. Người dân chủ động đề đạt, kiến nghị, phản ánh; nhiều người không phân biệt rõ giữa khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, hiểu biết về pháp luật hạn chế. Đại biểu phải tự xử lý mọi tình huống, giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Có nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo nhiều lần, kéo dài; có trường hợp lôi kéo số đông, gây áp lực, thậm chí gây gổ với người tiếp.

Để tiếp công dân đạt hiệu quả, trước khi đến địa điểm tiếp dân, đại biểu cần tìm hiểu thông tin để dự kiến phương án xử lý. Quan tâm, chân thành và đồng cảm với những bức xúc và mong muốn của nhân dân. Tôn trọng và lắng nghe để người dân trình bày ý kiến của họ, không được ngắt lời mà phải kiên nhẫn, bình tĩnh lắng nghe. Hỗ trợ thêm thông tin đối khi người dân trình bày thiếu cơ sở, chưa thấu đáo, không đúng quy định của pháp luật… trong quá trình giải thích, thuyết phục, lời lẽ phải dứt khoát, tự tin, kết hợp giữa đạo lý và pháp lý, giữa lý và tình để phân tích cho người nghe biết đúng - sai, tốt - xấu, lợi - hại.

Tiếp công dân là do cá nhân đại biểu tự xử lý mọi tình huống, vì thế đại biểu phải nắm chắc các nguyên tắc, quy định pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo để hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện quyền của họ. Giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình những người gặp khó khăn trong trình bày ý kiến; bình tĩnh, thuyết phục những trường hợp nóng nảy, quá khích.

Anh Lương