Cờ đỏ trong tim mỗi người

Tùy bút của Mỹ Hằng 02/09/2017 08:23

Dù lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình, Trường Sa Lớn hay ở những đất nước xa xôi trên địa cầu thì đều chan chứa tình yêu Tổ quốc...

1. Bạn kể, mùa hè năm 1998, bạn đi công tác châu Âu lần đầu tiên. Cô phóng viên trẻ mới ra công tác được vài năm đến trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneve, Thụy Sỹ. Trong sảnh rộng và tràn đầy ánh sáng của tòa nhà là cả rừng cờ, quốc kỳ của các thành viên WHO treo san sát nhau trên tường cao. Bạn mừng rỡ khi nhận ra lá quốc kỳ Việt Nam giữa rừng cờ ấy. Lá cờ đỏ sao vàng thân thuộc. Như một đứa trẻ, bạn reo lên háo hức, chỉ cho đồng nghiệp đến từ các nước một cách thật tự hào: Lá quốc kỳ của Việt Nam chúng tôi kia kìa! Lúc đó, Việt Nam đang trên đường hội nhập mạnh mẽ, nhưng hơn một thập kỷ sau đổi mới, cánh cửa mở ra thế giới phẳng của chúng ta còn hẹp, vì internet vừa phổ biến ở Việt Nam năm đó.

Thật kỳ lạ, hình như ở nước ngoài, cách xa đất nước hàng nghìn cây số, lòng tự hào dân tộc, sự thiêng liêng của lá cờ nhân lên gấp bội? Không hẳn thế. Lòng yêu nước là một tình cảm rất tự nhiên, của bất kỳ ai cũng vậy. Chỉ là trong những bối cảnh đặc biệt hơn một chút, thì tình cảm đó nổi bật, mạnh mẽ hơn ngày thường.

Kể tiếp câu chuyện của cô bạn phóng viên năm ấy. Cuối năm đó, bạn về nước. Bạn hòa vào biển người ở sân vận động Hà Nội (Hàng Đẫy) dự Tiger Cup 98. Trận chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore. Chao ôi, một biển cờ đỏ sao vàng rực rỡ khán đài. Chưa bao giờ bạn thấy ngợp trong màu cờ đến thế. Màu đỏ chói chang. Tiếng trống, tiếng kèn rộn rã. Những làn sóng đỏ dồn dập cuốn đi trên khán đài, nối tiếp không ngừng. Quốc thiều Việt Nam trang trọng vang lên. Cả biển người cùng hát Quốc ca hùng tráng. Rất nhiều khán giả và nhà báo đã khóc. Tiếc rằng, VTV không phát trực tiếp trận đấu, chỉ vì một lý do là trận đấu trùng giờ với chương trình thời sự.

Cờ đỏ trong tim mỗi người ảnh 1
Ảnh: Lê Thanh Tùng

Thời chiến đã xa, cuộc mưu sinh lo cơm áo với kinh tế thị trường và lo lắng riêng tư làm ai cũng bận rộn. Dịp để bộc lộ những tình cảm lớn cũng ít hơn. Nhưng nhịp đập vì Tổ quốc thì luôn luôn tiềm ẩn trong mỗi người. Thời bình, khó có điều gì khơi gợi lòng yêu nước một cách tự nhiên hơn là không khí đầy hứng khởi của một trận bóng đá mà 70 triệu người đầy hy vọng như thế. Những làn sóng đỏ trên khán đài sẽ là một ấn tượng không thể quên với mỗi người xem, hay may mắn hơn, là có được một tấm vé hòa mình vào không khí đó. Nhưng rồi giấc mơ vô địch không thành. Những làn sóng đỏ rời khán đài, trên đường phố. Nhưng hy vọng không bao giờ tắt. Mỗi mùa Tiger Cup hay AFF Cup, lá cờ đỏ sao vàng lại ngập đường, tung bay trên vai người hâm mộ, những dải băng đỏ in hình sao vàng buộc trên đầu, hay lá quốc kỳ bé xíu dán trên má, tự hào vô cùng hai tiếng Việt Nam. Hai tiếng “Việt Nam! Việt Nam!” và cờ đỏ sao vàng đã chung thủy đi cùng đội tuyển Việt Nam suốt 10 năm đến vinh quang vô địch năm 2008. Người Việt Nam lại tiếp tục được ôm cờ tràn khắp đường, hát Quốc ca và được khóc.

Ngày 7.11.2006, Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Buổi lễ ký kết hồ sơ gia nhập của Việt Nam trang trọng mà giản dị. Các nhà báo có mặt hôm đó nhắc lại, sau tiếng gõ búa của Tổng Giám đốc Pascal Lamy chính thức xác nhận Việt Nam hoàn thành đàm phán, trở thành thành viên thứ 150 của WTO, tất cả các nhà đàm phán Việt Nam cũng như những nhà báo Việt Nam có mặt hôm đó không ai kìm được xúc động. 8 năm đàm phán đấu trí căng thẳng cũng là một chặng đường trưởng thành của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ đặt trên bàn ký kết giữa Tổng Giám đốc WTO với Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển lúc đó đánh dấu một trang mới - Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại đa phương lớn nhất toàn cầu, tham gia quyết định luật chơi của thương mại quốc tế. Trên bản đồ của WTO đã có lá quốc kỳ Việt Nam.

2. Lễ chào cờ, lễ hạ cờ ở Lăng Bác đã thành một nghi thức cấp Nhà nước từ hơn 10 năm nay, bắt đầu từ 19.5.2001. Cứ đều đặn ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng là lễ chào cờ và 9 giờ tối là lễ hạ cờ. Hình ảnh đội tiêu binh với lễ phục trắng, mạnh mẽ và chuẩn xác từng bước đi, tay nâng lá cờ, trông thật hào hùng. Nghi lễ thượng cờ và hạ cờ được thực hiện với chuẩn mực nhất định: Đi đầu đoàn rước cờ là khối trưởng, tiếp theo là tổ Quốc kỳ 3 người, tổ quân kỳ 3 người và khối nghi lễ gồm 27 chiến sĩ bồng súng. 34 người lính này tượng trưng cho 34 chiến sĩ của Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cùng hát Quốc ca trong ngày lễ. Cùng hát Quốc ca nơi biên cương. Cùng hát Quốc ca trên những xứ sở xa quê. Tất cả sẽ thấy gần nhau hơn, ai cũng rưng rưng và hình Việt Nam hiện lên trong tim thêm sâu đậm.

Dù thời tiết thế nào, mưa gió bão bùng, lễ kéo cờ trên Quảng trường Ba Đình cũng vẫn được thực hiện. Những buổi sáng không mưa, rất đông người dân Hà Nội cùng chứng kiến lễ kéo cờ. Trong sớm mai tinh khiết, không khí của một ngày mới có sôi động đến thế nào, nhưng đến sát 6 giờ, khi tiếng nhạc truyền thống Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho, đội rước cờ bắt đầu tiến ra, là tất cả những người có mặt đều tụ lại, háo hức chờ buổi lễ. Và khi Quốc ca vang lên, lá cờ từ từ lên cao, mọi người đứng nghiêm, mắt ngước dõi theo, trái tim hòa cùng cùng nhịp Quốc ca, trang trọng mà nghẹn ngào. Không chỉ những người có tuổi từng trải qua chiến tranh và mất mát của đất nước, mà cả rất nhiều bạn trẻ, đã chứng kiến lễ kéo cờ trên quảng trường Ba Đình biết bao lần rồi, mà lần nào cũng cảm thấy xúc động như lần đầu dự lễ. Lễ chào cờ là nghi thức quen thuộc từ những ngày đầu tiên đi học, nhưng có thể, khi còn nhỏ, bạn không cảm thấy buổi lễ thiêng liêng như lúc bạn đã trưởng thành. Phải chăng vì khi trưởng thành, những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, của bản thân, về trách nhiệm, về lòng tin, về sự cống hiến, mới là đầy đủ và trọn vẹn nhất?

Cả với lễ hạ cờ mỗi 9 giờ tối hàng ngày cũng vậy. Đó là giờ rất đông gia đình cho các em bé ra Quảng trường vui chơi. Cứ đến giờ là tự các em biết đứng sau ranh giới chứng kiến lễ hạ cờ. Bài Quốc ca thân thuộc ấy, nhiều em thuộc lòng từ khi mới 3 - 4 tuổi. Có lý do để hy vọng rằng, lớn lên, các em sẽ sống có trách nhiệm hơn, có ích hơn, nỗ lực hơn.

Ngay cả khách du lịch nước ngoài hay người Việt ở mọi miền Tổ quốc, nếu có dịp đến Hà Nội, cũng không bỏ lỡ việc chứng kiến lễ thượng cờ, hạ cờ mỗi ngày ở Lăng Bác. Nghi lễ ấy làm người Việt khắp nơi trở nên gắn kết hơn trong hai tiếng Tổ quốc, và làm cho người nước ngoài hiểu hơn về sức mạnh tiềm ẩn của một xứ sở có 4.000 năm lịch sử, hiểu quá khứ, hiện tại và tương lai của một Việt Nam đang không ngừng xây dựng và trưởng thành.

3. Trường Sa, những ngày đầu tháng 6.2012. Lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ được khánh thành nơi đây có thể nhìn thấy trọn vẹn từ trên máy bay xuống. Giữa biển xanh, màu đỏ của lá cờ càng rạng ngời như một sự khẳng định hiển nhiên chủ quyền của sông núi nước Nam. Lá cờ này đặc biệt ý nghĩa đối với tầm nhìn từ không trung.

  Với góc nhìn từ mặt đất, Quốc kỳ ở Trường Sa không chỉ là lá cờ gốm sứ ấy. Trước hết là Quốc kỳ trên cột mốc chủ quyền ghi rõ tọa độ của Trường Sa: 8° 38’ 30’’ độ vĩ bắc, 111° 55’ 55’’ độ kinh đông. Hàng ngày, những người dân trên đảo vẫn lao động bên cột mốc, những người lính Hải quân vẫn vững vàng tay súng bên lá cờ đỏ của quê hương.

 Đó là lá cờ trong lớp học trên đảo Trường Sa Lớn. Tiếng giảng bài và tiếng hát, tiếng cười luôn đầy ắp trong lớp học với ảnh Bác Hồ hiền hậu và lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Ở nơi đầu sóng này, các em thấm thía tinh thần cha ông qua lá cờ đó. Và các em chính là những lá cờ nhỏ, nối tiếp màu quốc kỳ tươi thắm mãi.

  Nắng Trường Sa làm lá cờ thêm rực rỡ, gió Trường Sa quanh năm không ngừng làm lá cờ tung bay kiêu hãnh. Màu đỏ ấy được tô bằng rất nhiều gian khổ và máu xương của các chiến sĩ hải quân, xa gia đình, người thân, sống giữa trời nước mênh mông, chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng. Màu cờ ấy cũng là sự hy sinh của nhiều chiến sĩ nhà giàn hay các chiến sĩ đảo Gạc Ma năm xưa - những chiến sĩ Hải quân đã đứng thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ thiêng liêng thấm máu đồng đội. Đó là vòng tròn bất tử của những người con cảm tử vì Tổ quốc. Họ ngã xuống để giữ trọn chủ quyền biển đảo quê hương.

4. Để bộc lộ lòng yêu nước có nhiều cách: Bằng lời, bằng âm thanh giai điệu, nhưng không thể thiếu hình ảnh. Mọi quốc gia, phong trào cách mạng trên thế giới đều có lá cờ tượng trưng của mình. Việt Nam cũng phải có lá cờ tương xứng để kết nối sức mạnh.

 Lòng yêu nước được cụ thể hóa bằng hình vẽ đầu tiên là lá Quốc kỳ năm 1940, khi phong trào cách mạng đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau này, lá cờ được chọn làm Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là nước CHXHCN Việt Nam.

 Tác giả Quốc kỳ là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, người con của Hà Nam, chưa từng được đào tạo về mỹ thuật. Nguyễn Hữu Tiến hoạt động từ những năm 1930 và đã trải qua tù đày Côn Đảo. Ông đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh và in ấn phổ biến trước khởi nghĩa Nam Kỳ (23.11.1940), lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được in trên trang nhật báo Tiến Lên, cùng với một bài thơ do chính Nguyễn Hữu Tiến viết. Những câu thơ mạnh mẽ đầy ý nghĩa qua hình ảnh:

      “… Hỡi những ai máu đỏ da vàng
            Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
            Nền cờ thắm máu đào vì nước
            Sao vàng tươi da của giống nòi
            Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi
            Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh
            Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh...”.

Khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp, Nguyễn Hữu Tiến bị bắt và xử bắn. Trước khi ra pháp trường, ông đã để lại lời nhắn bằng thơ đầy hào khí kiên cường:

       “… Án chém Hà Nam đà rũ sạch
            Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
            Anh em đi trọn con đường nhé
            Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Qua bố cục lá cờ, có thể thấy sự chặt chẽ cả hình và màu. Sắc đỏ cùng vàng tạo sự ấm áp và nhiệt huyết. Màu đỏ và vàng mang tính tượng trưng khúc chiết và mạnh mẽ. Sức truyền cảm của lá cờ đã mang giá trị tinh thần lớn lao, động viên tinh thần cả dân tộc đạp bằng gian khó trong mọi giai đoạn cách mạng. Cờ đỏ sao vàng luôn có mặt trên mọi trận tuyến, mọi thắng lợi và đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong tim mỗi người dân. Tiếp nối tinh thần của Quốc kỳ, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vẽ nên Quốc huy của nước Việt Nam và họa sĩ Trần Văn Cẩn đã chỉnh sửa hoàn thiện để đất nước có một biểu tượng mạnh mẽ.

Có thể nói, Quốc kỳ là một tác phẩm mỹ thuật có tầm ảnh hưởng lớn của Việt Nam trong thời đại mới. Hình cờ giản dị một màu đỏ tươi. Ngôi sao ở trung tâm tỏa 5 cánh rạng rỡ. Hình ảnh đẹp đẽ đó mã hóa toàn bộ sức mạnh của con người Việt Nam, không chỉ trong chiến đấu mà trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, cờ đỏ sao vàng được đưa vào trang phục cả nam và nữ. Nhìn những thanh niên mặc trang phục đó, không chỉ thấy đẹp đẽ, mà còn thấy tràn căng sức sống. Đó là màu sắc của tình yêu. Đó là hình ảnh của tương lai tươi sáng.

Dù lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình, Trường Sa Lớn hay ở những đất nước xa xôi trên địa cầu thì đều chan chứa tình yêu Tổ quốc. Không chỉ là nghi lễ mà đó là khi tình cảm sâu nặng được lan tỏa. Lễ chào cờ trong cờ đỏ sao vàng cùng tiếng hát Quốc ca luôn nhắc nhở mỗi con dân Việt Nam nỗ lực sánh vai với năm châu từng ngày từng giờ.

Cùng hát Quốc ca trong ngày lễ. Cùng hát Quốc ca nơi biên cương. Cùng hát Quốc ca trên những xứ sở xa quê. Tất cả sẽ thấy gần nhau hơn, ai cũng rưng rưng và hình Việt Nam hiện lên trong tim thêm sâu đậm.

<i>Tùy bút của</i> Mỹ Hằng