“Tôi nợ dòng sông những bản nhạc lòng”

Nguyên Lê 27/08/2017 08:04

Một chân dung khá đa tài: Vừa làm thơ, làm nhạc, lại còn biết cả cầm cọ..., nhưng phải “quá nửa đời phiêu dạt”, nhạc sĩ, nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO mới chịu làm một đêm thơ nhạc riêng cho mình, mang tên ca khúc nổi tiếng của ông: “Khúc hát sông quê”, dự kiến diễn ra vào đêm 8.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thích những miên man, dài rộng...

- Sở hữu khá nhiều “hoa tay”: Làm thơ, viết nhạc, vẽ bìa sách..., cả thơ và nhạc đều có được những tác phẩm “để đời”, vì sao tận tới “quá nửa đời phiêu dạt”, ông mới chịu làm một đêm thơ nhạc riêng?

- Tôi thậm chí còn chẳng định làm là khác, nếu như không được bạn bè, con cái xúi, nhân sinh nhật lần thứ 70 của mình. Thôi thì cũng gọi là có một dịp ngồi lại để soi mình trong “một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng” vậy!

- Vừa biết làm thơ vừa biết làm nhạc, vì sao ông lại chuyển sang phổ thơ người khác (chẳng hạn như “Làng quan họ quê tôi” - phổ thơ Nguyễn Phan Hách, “Khúc hát sông quê’ - phổ thơ Lê Huy Mậu...), trong khi các nhạc sĩ nổi tiếng như Phú Quang, Giáng Son lại có được những nhạc phẩm phổ thơ ông rất thành công như: “Một dại khờ, một tôi”; “Cỏ và mưa”...?

- Thì thế mới là “dại” đấy! Vợ anh hàng xóm bao giờ cũng hay hơn vợ mình mà! (cười). Thật ra là thơ mình sẵn có tính nhạc rồi, nên tôi thấy không cần phổ nữa. Phổ thơ người khác, thêm vào đó phần nhạc tính, cảm xúc nó mới mẻ hơn chứ!

- Rất nhiều nhạc phẩm của ông là gắn liền với những dòng sông: Khúc hát sông quê, Tình ca bên một dòng sông... Ông “nợ” những dòng sông điều gì, hay ngược lại, ông mới là “chủ nợ”?

- Ở thời điểm mới mày mò sáng tác nhạc, tôi từng bị hấp dẫn bởi những ca khúc như “Em đi giữa biển vàng”, “Tình ca Tây Bắc”... Thích cái dài rộng, cao vọi, miên man ấy của nó. Tới lúc viết được nhạc, tự dưng cái nhịp lòng mình nó cũng tỏa ra những vòng tròn đồng tâm như là những con sóng trên mặt sông vậy. Rồi chẳng biết nhạc hay là lời đến trước nữa, cứ thế mà ngân lên thôi. Chỉ còn nước “úp mặt vào sông quê” mà viết. Tôi nợ những dòng sông bản nhạc lòng mà nó ban tặng ấy...

Đừng thờ ơ trước đời sống!

 Đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo - Khúc hát sông quê” dự kiến diễn ra vào tối 8.9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sẽ trình diễn 18 ca khúc của nhạc sĩ (sáng tác cả nhạc và lời, hoặc phổ thơ người khác), cũng như những bài thơ được phổ nhạc của ông như: Làng quan họ quê tôi, Tình ca bên một dòng sông, Khúc hát sông quê, Một dại khờ một tôi, Cỏ và mưa... Đêm nhạc quy tụ nhiều ca sĩ và nhóm nhạc nổi tiếng như Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh, nhóm Năm Dòng Kẻ... cùng hai nhạc sĩ khách mời Phú Quang, Giáng Son...

- Có thể thấy một Nguyễn Trọng Tạo rất đỗi chân quê trong những ca khúc mang đậm hồn quê, con đò bến nước..., nhưng lại rất “phố thị” trong thơ, với những bài thơ trữ tình từng gây chấn động thi đàn như “Tản mạn thời tôi sống”, “Đồng dao cho người lớn”... Đó là một phép cân bằng nội tâm của ông, hay là một “chiến thuật phân thân” để làm giàu trải nghiệm?

- Thì tôi vốn xuất thân là một anh trai làng, thoát ly từ làng (quê Diễn Châu, Nghệ An), tới lúc vào bộ đội lại để lại một phần tuổi trẻ ở những cánh rừng và những ngôi làng Việt khác, nơi chúng tôi đóng quân. Cái “hồn làng vía xóm” vì thế mà cứ ngấm rất tự nhiên vào con người mình, để tới một lúc nào đó cất lên thành giai điệu.

Nhưng một mặt, tôi cũng lại là một cái anh làm báo (Tạp chí Cửa Việt, Sông Hương một thời thu hút được bao cây viết, rồi tờ báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam sau này... - PV), từng chứng kiến những đổi thay của xã hội, thế thời thời thế dưới nhãn quan của một anh nhà báo. Những gì không tiện “gói” được vào bài báo hay trang báo, thì tôi bèn đem gửi gắm hết vào thơ. Thơ vừa có thể phản chiếu được thời đại, nhưng lại không bị lệ thuộc vào thời sự, hoặc vẫn có thể giữ được tính thời sự theo cách riêng của nó, một khi đạt đến sự thành thực, chân tình, cả về cảm xúc lẫn thái độ viết...

- Hơn một lần, trong biên độ giãn cách 10 năm, thơ ông từng nhắc đến những câu hỏi và câu trả lời: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi!” (Tản mạn thời tôi sống), và: “Có câu trả lời biến thành câu hỏi” (“Đồng dao cho người lớn”). Báo hay thơ, với ông, có đều cùng là hành trình đi tìm những câu trả lời?

- Cũng tùy, bạn ạ! Có những câu trả lời không phải mình chủ định tìm, mà theo trải nghiệm và thời gian, nó sẽ tự bật lên từ đời sống. Đời sống là vậy, đôi khi tìm lại không thấy, và không tìm thì lại gặp. Có những câu hỏi thậm chí cần đến không chỉ một câu trả lời, lại cũng có những câu hỏi không cần đến câu trả lời, hoặc chỉ có thể trả lời bằng hành động. Thường thì tìm được câu trả lời là tốt nhất, nhưng đôi khi chỉ cần biết hỏi thôi, cũng đã là quý! Vì nó chứng tỏ “anh” đang không quá lãnh đạm thờ ơ trước đời sống này, trước những phận người, và cả chính “anh”...

- Xin cảm ơn ông!

Nguyên Lê