Áp dụng cứng nhắc
Theo báo chí, ngày 25.8 tới, TAND tỉnh Hà Nam sẽ đưa vụ án “người làm vỡ cạnh bàn bị xử 12 tháng tù” ra xét xử lại. Vụ việc xảy ra khi bị cáo dùng cốc thủy tinh đập vào mặt bàn làm vỡ mép bàn đá tại một quán karaoke. Mặc dù đã bồi thường 6 triệu đồng nhưng bị cáo vẫn bị khởi tố, truy tố về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Lo sợ sự việc tiếp tục bị hình sự hóa như lần xét xử đầu tiên, bị cáo đã gửi đơn kêu cứu lên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hay phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thế nhưng, việc khởi tố bị cáo trong vụ án trên, lại căn cứ trên cơ sở định giá thiệt hại của toàn bộ tài sản, trong khi tài sản đó chỉ bị hư hại một phần nhỏ và vẫn tiếp tục được sử dụng bình thường. Xử lý hình sự trong trường hợp này có thực sự cần thiết?
Trên thực tế, không hiếm vụ việc tương tự xảy ra. Còn nhớ, cuối năm 2015, một người bị khởi tố về hành vi hủy hoại tài sản vì làm vỡ một cái chum giá trị khoảng 2,7 triệu đồng; 4 học sinh ở Hải Phòng bị khởi tố về tội “cướp giật tài sản” chỉ vì giật mũ bạn; hay vụ cướp giật bánh mì bị tuyên phạt tù từng gây xôn xao dư luận... Đó là những dẫn chứng cho thấy, việc áp dụng pháp luật hình sự có phần “cứng nhắc” của cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân do các cơ quan tiến hành tố tụng đã sai lầm trong việc định tội danh hay do quy định của luật về cấu thành tội phạm chưa rõ ràng?
Các luật gia cho rằng, do quy định của luật dẫn đến việc định tội sai. Bởi quy định tù mù, không rõ ràng thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khó xác định hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Trong khi, nhiều luật sư lại khẳng định, nguyên nhân chính là do cách hiểu, cách xử hay “thói quen” của những người “cầm cân nảy mực”. Ở đâu đó, còn có biểu hiện “tùy tiện”, cảm tính khi áp dụng pháp luật.
Đúng là pháp luật khó có thể “mười phân vẹn mười” trước sự biến đổi của thời cuộc, vì vậy mà rất nhiều quy định thường xuyên bị sửa đổi, bổ sung, thậm chí bãi bỏ. Thế nhưng, cũng không thể dựa vào lý do pháp luật chưa hoàn thiện để trả lời cho câu hỏi vì sao cơ quan tố tụng lại áp dụng pháp luật một cách “cứng nhắc” với những vụ việc kể trên. Tại sao những vụ gây thương tích trên 11% nhưng vẫn không khởi tố bị can còn những vụ giám định thương tật chỉ vài % vẫn bị khởi tố; hay những vụ hủy hoại tài sản với thiệt hại hàng chục triệu đồng nhưng không xử lý hình sự trong khi chỉ làm “sứt mép bàn”, “vỡ cái chum” lại bị xử phạt tù? Đâu phải do pháp luật không quy định cụ thể, rõ ràng.
Phải nói rằng, với những vụ việc kể trên, dường như các cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ nhìn vào thiệt hại và mức độ nghiêm trọng để xử lý mà coi nhẹ những căn cứ quan trọng khác để xác định có xử lý hình sự hay không, đơn cử như động cơ, mục đích, lỗi vô ý hay cố tình, đã khắc phục hậu quả chưa và những tình tiết giảm nhẹ…
Những yếu tố đó không phải tự nhiên mà có! Vì nó liên quan mật thiết đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tài sản nên đã được ghi nhận rất cụ thể trong Bộ luật Hình sự. Thậm chí, để đề phòng oan sai, nhiều nguyên tắc có lợi cho người bị áp dụng cũng được đưa ra như nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng hay nguyên tắc suy đoán vô tội. Tức là khi xây dựng cái “lý” đã chứa cái “tình”, “tình trong quy định đã có sẵn”, quan trọng là cơ quan tiến hành tố tụng có nhìn nhận và vận dụng hay không mà thôi!