Tụt hậu ngay từ tư duy xây dựng luật?
“Chúng ta đã quá chậm, quá muộn trong việc có một đạo luật về đo đạc và bản đồ nên cần trình QH ban hành càng sớm càng tốt” - Nhấn mạnh điều này tại Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức sáng qua, song, các ĐBQH, các chuyên gia cũng tỏ rõ sự e ngại khi ngay trong tư duy xây dựng luật đã cho thấy sự tụt hậu.
Công nghiệp 4.0 ở đâu?
Dự luật quy định tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được phép tiếp cận các nội dung đo đạc bản đồ không thuộc phạm vi mật nhưng lại không có quy định nào về việc dữ liệu đo đạc bản đồ nào là mật, dữ liệu nào không phải là mật. Bên quân sự đương nhiên muốn dữ liệu đo đạc bản đồ thuộc diện mật phải rộng hơn rất nhiều. Nhưng nếu mở quá rộng hoặc không quy định rõ ngay trong luật dữ liệu nào là mật, dữ liệu nào là dân sự có thể thoải mái tiếp cận, sử dụng thì “kìm hãm kinh khủng, làm cho con người bó tay, không ai dám làm cái gì, không dám phát triển, ứng dụng cái gì vì sợ… nhỡ đó là dữ liệu mật”. GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường |
Lĩnh vực đo đạc, bản đồ hiện được điều chỉnh bởi khoảng 85 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là có 2 Nghị định của Chính phủ, trong đó, Nghị định mới nhất là Nghị định số 45/205/NĐ-CP ban hành được hơn 2 năm. Cùng với đó là 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 80 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ trưởng. Số lượng văn bản QPPL đồ sộ này có lẽ đã phần nào lý giải cho tình trạng chồng chéo, lãng phí, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia có giá trị như hệ quy chiếu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế, sự cần thiết và tầm quan trọng của việc nâng tầm giá trị pháp lý của các văn bản QPPL hiện hành, ban hành một đạo luật nhằm thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý đối với lĩnh vực đo đạc, bản đồ đã dễ dàng nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên Ủy ban KH, CN và MT và các chuyên gia. Nhiều ý kiến còn nhấn mạnh, phải trình QH ban hành dự luật này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khi tiếp cận với nội dung cụ thể của dự luật, dù ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị tương đối kỹ, thì hầu hết các đại biểu “lại phải” đồng thuận ở một điểm nữa, đó là, tư duy xây dựng luật đã quá lạc hậu.
Minh chứng cho điều này, GS.TS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ, dự luật mới chỉ “điểm danh” các sản phẩm, các hoạt động đo đạc, bản đồ đã có và đang có chứ chưa tạo được cơ sở pháp lý cho những hoạt động sẽ có trong tương lai. Chúng ta đang nói rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng bóng dáng của cuộc cách mạng này trong dự luật rất nhạt nhòa.
![]() | |
Nguồn: ITN |
Đơn cử như công nghệ thực tế ảo hiện nay đã cho phép tiến hành đo đạc các vị trí trong thế giới thực và lập ra mô hình của thế giới thực mà ở đó, chúng ta có thể đi lại, tác động và quy hoạch thế giới thực ngay trong mô hình thực tế ảo. Tỷ lệ lúc đó giữa thực tế và mô hình thực tế ảo sẽ là 1:1, nói cách khác là không còn tỷ lệ nào nữa. “Tôi chắc chắn rằng, chỉ dăm năm nữa, khái niệm tỷ lệ bản đồ sẽ không còn nữa mà chỉ còn câu chuyện hiển thị bản đồ ở tỷ lệ nào. Vậy thì dự thảo luật vẫn đưa ra những quy định kiểu như đo đạc, bản đồ tỷ lệ 1:10.000 thì phải làm việc này, tỷ lệ 1: 50.000 phải làm việc kia có ý nghĩa gì không?”, ông Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.
Hay quy định về bản đồ giấy. Nếu trước đây, khi trình độ công nghệ còn hạn chế thì chúng ta quy định phải mất đến 2 năm mới có thể thể hiện được kết quả đo đạc trên bản đồ, trên mô hình. Nhưng với trình độ công nghệ hiện nay, nhanh thì 1 ngày, chậm thì vài tuần là đã có thể lập được bản đồ, mô hình. Chỉ vài năm nữa thì bản đồ giấy liệu có tồn tại nữa hay không? Nếu dự luật vẫn quy định lập bản đồ giấy thì sẽ lãng phí như thế nào?
Tác động của công nghiệp 4.0 sẽ làm cho nhiều khái niệm đang được sử dụng phổ biến hiện nay mất đi, thay vào đó là những khái niệm mới. Dự luật đã quy định được một vài điều mang tính nguyên lý về mục đích của đo đạc, bản đồ là xác định được vị trí trong không gian, thể hiện trên bản đồ, thể hiện thành mô hình nhưng để đáp ứng được yêu cầu hiện nay, tranh thủ được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải “vươn xa hơn nữa”. Phải xác định rõ ngay trong luật này đo đạc bản đồ là hạ tầng của công nghiệp 4.0, tức là, việc chúng ta đi đo đạc để lập ra bản đồ, lập ra mô hình của đất nước này còn mô hình đó được thể hiện theo ngôn ngữ bản đồ hay dưới dạng thông tin địa lý, mô hình thực tế ảo thì sẽ do sự phát triển của công nghiệp 4.0 quyết định.
“Kìm hãm kinh khủng”
Với cách thức quản lý hiện nay thì ngay giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã không muốn và không thể chia sẻ dữ liệu đo đạc, bản đồ với nhau với đủ thứ lý do. Mỗi bộ, ngành vẫn một mảnh riêng với những cơ sở dữ liệu rất khác nhau.
![]() | |
Ảnh: Phạm Thúy |
Ủy viên Thường trực Ủy ban KH, CN và MT Nguyễn Phi Thường kể lại, năm 2001, ông và các cộng sự làm việc tại một Trung tâm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng bản đồ metro cho Thủ đô. “Chúng tôi tiếp cận với tất cả các đơn vị, tổ chức có liên quan nhằm tìm được các thông tin, dữ liệu đo đạc bản đồ để có thể tích hợp thành một bản đồ chung của TP Hà Nội. Nhưng dữ liệu nơi thì tỷ lệ 1:10.000, nơi thì tỷ lệ 1:5.000, nơi tỷ lệ 1:2.000. Đến mức, có những chỗ để ghép vào được với nhau, chúng tôi phải dùng biện pháp thủ công là nối từ những mảnh ghép đó để vẽ lên một bản đồ chung của TP. Chưa nói đến những câu chuyện khác khi chúng tôi phải tiếp cận một cách không chính thức với danh nghĩa là một Trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Nói như vậy để thấy rằng, việc không công khai và không chia sẻ các dữ liệu đo đạc bản đồ sẽ cực kỳ cản trở sự phát triển chung”, ông Nguyễn Phi Thường nói. Nhưng để công khai và chia sẻ được thì hệ thống cơ sở dữ liệu phải thống nhất, phải được tích hợp đầy đủ các dữ liệu đo đạc chuyên ngành...
Dự án Luật Đo đạc hiện nay mới chỉ trong giai đoạn “cày vỡ của cày vỡ”. Việc lắng nghe ý kiến đa chiều của các chuyên gia, các ĐBQH sẽ cung cấp thêm thông tin để Ủy ban KH, CN và MT thẩm tra trước khi báo cáo UBTVQH và trình ra QH. Nhưng rõ ràng, nếu không nhìn thẳng vào thực tế nước ta đang lạc hậu quá xa so với các nước thì chắc chắn, dự luật không thể đưa ra được những định hướng, chính sách phù hợp nhằm phát huy và thực sự khai thác được sức mạnh của dữ liệu đo đạc bản đồ, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phục vụ cho quản lý nhà nước cũng như triển kinh tế - xã hội.