Kỳ XI : Cả trận chiến trong... một bức tranh!

Hồ Cúc Phương 20/08/2017 07:23

Một trận chiến kéo dài chỉ trong vài giờ đồng hồ nhưng đã gây ra con số thương vong khủng khiếp cho cả hai phía, dù rốt cuộc cả hai nhà cầm quân sừng sỏ đều tuyên bố giành chiến thắng. Một trận chiến mà sau đó, quân đội Nga quyết định tạm thời rút lui, để rồi thiêu trụi và để lại một Moscow “vườn không nhà trống” chờ đợi đội quân xâm lược của Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Một trận chiến mang tính chất quyết định, mở đường cho khúc khải hoàn ca giữa Paris của những người lính Nga kiên cường, dũng cảm...

>> Kỳ X: Kremlin - Trái tim Nga rực cháy

>> Kỳ IX: Những cung điện trong lòng đất

>> Kỳ VIII: Thánh đường của nghệ thuật hàn lâm

>> Kỳ VII: Mỗi viên gạch chứa một phần lịch sử

>> Kỳ VI “Versailles phiên bản Nga”

>> Kỳ V: Khám phá “Bảo tàng đá quý Nga”

>> Kỳ IV: “Kho báu” Hermitage

>> Kỳ III: Kỳ vỹ - nhà thờ chính thống giáo

>> Kỳ II : Choáng ngợp “Venice phương Bắc”

>> Kỳ I: Nước Nga du ký

Từ trận chiến bi hùng…

Lịch sử không thể chỉ là những con chữ vô hồn trên giấy. Khi được chuyển tải mềm mại, hấp dẫn thông qua một tác phẩm nghệ thuật, lịch sử sẽ được khoác lên ánh sáng lấp lánh đầy mê hoặc.

Tôi từng say mê Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Liev Tonstoy, từng khóc lóc sụt sùi khi chàng Công tước Andrei Bolkonsky mà mình vô cùng thần tượng đã hy sinh, sau vết thương quá nặng trong trận chiến Borodino. Và những trang văn tái hiện sinh động cuộc giao tranh bi hùng, đẫm máu nhất trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm thế kỷ XIX của dân tộc Nga là động lực khiến tôi quyết tâm tìm đến bảo tàng có lẽ là “độc nhất vô nhị” trên thế giới mang tên Bức tranh tròn “Trận chiến Borodino”.

Đúng 205 năm về trước, ngôi làng Borodino - cách Moscow 125km về phía Tây đã trở thành chiến địa, nơi diễn ra trận đánh ác liệt của 25 vạn quân cả Nga lẫn Pháp. Chỉ kéo dài 13 giờ đồng hồ (từ 5h đến 18h ngày 7.9.1812), cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai thủ lĩnh quân sự đại tài - Hoàng đế Napoleon và Nguyên soái Kutuzov đã khiến xấp xỉ tám vạn binh lính ở cả hai chiến tuyến thiệt mạng. Chỉ tính riêng số lượng tướng lĩnh, 49 tướng Pháp và 23 tướng Nga đã tử trận - một thiệt hại quá nặng nề!

Vị Tổng tư lệnh của quân đội Nga, vì những lý do mang tính chiến thuật, sau khi tuyên bố chiến thắng trong “trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử”, đã đưa ra một quyết định rất đỗi khó khăn. Trong “túp lều Kutuzov”, ông đã tuyên bố “mất Moscow nhưng không mất nước Nga”. Bởi “bằng cách rút khỏi thành phố này, chúng ta chuẩn bị mồ chôn quân thù”. Nhờ quyết định đúng đắn, lùi một bước để tiến hai bước này, đại chiến Borodino chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của xứ sở Bạch dương, mang lại vinh quang cho nước Nga cận đại trên võ đài quốc tế.

Đến bức tranh tròn độc đáo

Trước dịp kỷ niệm tròn một thế kỷ Borodino, ý tưởng độc đáo nhằm tôn vinh trận chiến bi hùng này đã được họa sĩ, Viện sĩ Viện hàn lâm Franz Alexeevic Roubaud thực hiện, bằng tác phẩm hội họa toàn cảnh  (panorama - tiếng Hy Lạp cổ là “nhìn thấy xung quanh”). Chu vi vòng tròn (cũng là chiều dài bức tranh) lên tới 115m, rộng 15m. Miêu tả chân thực những sự kiện chính diễn ra trên chiến trường trong khoảng thời gian giữa trưa, cây cọ tài hoa đã khắc họa sinh động sự khốc liệt nằm ngoài sức tưởng tượng của con người, khi “tất cả các binh chủng - kỵ binh, bộ binh, pháo binh đều chiến đấu một cách tuyệt vọng”.

Sau vài năm trời dồn hết tâm sức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng từ một biển dữ liệu, tư liệu khổng lồ (văn bản, hình ảnh, tranh vẽ…), nghệ sĩ bắt tay hiện thực hóa ý tưởng. Được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu cho hội họa lịch sử - chiến tranh đầu thế kỷ XX (có kế thừa xuất sắc những tinh hoa thể loại cuối thế kỷ XIX), đã có hơn bốn nghìn nhân vật được tái hiện tỉ mỉ trong bức tranh, sau 11 tháng trời làm việc liên tục miệt mài.

Những gương mặt căm hờn, những binh khí bén nhọn gây sát thương đối thủ. Những xác người chồng chất, những con ngựa gục xuống vì đuối sức. Lửa cháy rừng rực. Khói bụi mịt mờ. Phần chân tranh, người ta đã khéo léo tạo tác những thảm cỏ úa vàng, những ngôi nhà gỗ nham nhở (lửa vẫn đỏ rực âm ỉ, không khí vẫn thoảng mùi cháy khét), những xe ngựa kéo gãy gục, những cái xác vật nuôi ngổn ngang… khiến người xem phải nhìn rất kỹ mới phân định được ranh giới thực của bức tranh. Bàn tay cầm cọ đã miêu tả chính xác hiện thực tới mức, du khách được hướng dẫn viên chiếu đèn laze giới thiệu từng nhân vật nổi tiếng đang điều binh, khiển tướng từ vị trí nào trong đám đông hỗn độn lao vào chém giết không ngơi tay. Và cả cách bày binh bố trận của từng đạo quân, từng binh chủng với quân phục và loại vũ khí đặc trưng cũng được mô tả kỹ lưỡng. Sự cộng hưởng của tất cả những yếu tố đó khiến công chúng yêu nghệ thuật sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm đều có chung cảm giác bàng hoàng, thậm chí sợ hãi trước sự tàn khốc, ác liệt, phi nhân tính của chiến tranh.

Và bảo tàng hình tròn ấn tượng

Bảo tàng ban đầu lưu giữ bức tranh tròn độc đáo được Nga Hoàng Nikolai II ra lệnh xây dựng đúng dịp kỷ niệm 100 năm diễn ra trận chiến bi hùng, tại khu Chytye Prudy ở Moscow. Những ngày đầu mở cửa, bảo tàng là nơi lưu giữ, nghiên cứu và trưng bày toàn bộ di vật tôn vinh và tưởng niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc 1812. Hơn 150 nghìn lượt khách tham quan đã đến bảo tàng trong 5 năm đầu hoạt động. Nhưng nó đã chính thức đóng cửa vào năm 1918. Bức tranh thần thánh bị cuộn lại, nằm vạ vật trong kho chứa với điều kiện bảo quản tệ hại, dẫn đến hư hỏng nặng nề.

Đã có lúc người dân Nga những tưởng phải vĩnh viễn chia tay kiệt tác này, khi một số chuyên gia khẳng định, mong muốn phục chế bức tranh tròn là điều không tưởng. Phải chờ đến đúng dịp kỷ niệm 150 năm, bức tranh mới được trả lại sinh khí ban đầu, nhờ nỗ lực rất lớn của tập thể nghệ sĩ phục chế tài năng và tâm huyết. Cũng từ đó, du khách lại có cơ hội đứng giữa làng Borodino, ngắm trận chiến trong vòng tròn 360 độ ở một bảo tàng mới nằm trên đại lộ mang tên vị Nguyên soái lẫy lừng Kutuzov.

Đặt chân lên đại lộ này, ngay trước khuôn viên bảo tàng hình tròn màu xanh, tôi bắt gặp hình ảnh vị tướng huyền thoại phô bày vẻ uy dũng trên con chiến mã, xung quanh là những người lính Nga quả cảm đã sát cánh cùng ông trong trận tử chiến huyền thoại. Không chỉ trưng bày bức tranh tròn, đến bảo tàng, du khách có cơ hội tiếp cận một bộ sưu tập lớn (bao gồm tranh, bản vẽ, đồ thủ công mỹ nghệ cũng như quân trang - quân dụng - vũ khí…) để từ đó có cái nhìn tổng thể về nước Nga đau thương nhưng vô cùng quả cảm của năm 1812.

Cũng trên đại lộ này, cách bảo tàng Bức tranh tròn không xa, tôi được ngắm vẻ ngạo nghễ của Khải Hoàn Môn cao 28m, với sáu cặp cột gang nâng đỡ mái vòm. Phù điêu “Đánh đuổi quân Pháp” và “Giải phóng Moscow” nằm bên dưới cỗ xe sáu ngựa, với nữ thần Chiến thắng nâng cao vòng nguyệt quế. Sau bốn ngày đêm Moscow đỏ lửa, đội quân xâm lược của Napoleon tiến vào một thành phố trống trơn, để rồi kiệt quệ, hao tổn sinh lực dần dần giữa mùa đông Nga buốt lạnh, không lương thực, không đạn dược tiếp tế. Một kết cục không thể bi thảm hơn, khi hai năm sau, quân Nga đã hùng dũng tiến vào Khải Hoàn Môn của thủ đô Paris, giải phóng cả châu Âu khỏi nhà độc tài từng bách chiến bách thắng.

Hôm tôi ở đấy, Bảo tàng đón khá đông học sinh tới tham quan. Nhìn ánh mắt háo hức của các em, khi cố ghi nhớ từng thông điệp lịch sử mà bức tranh gửi lại cho muôn đời hậu thế, tôi thấy nể cách làm bảo tàng của nước bạn. Lịch sử không thể chỉ là những con chữ vô hồn trên giấy. Khi được chuyển tải mềm mại, hấp dẫn thông qua một tác phẩm nghệ thuật, lịch sử sẽ được khoác lên ánh sáng lấp lánh đầy mê hoặc. Dễ nhớ, dễ tiếp cận vô cùng! 

Hồ Cúc Phương