Tiếp lửa nghệ thuật tuồng

Lê Thư 31/07/2017 08:59

Thông qua những trích đoạn tuồng mẫu mực, tinh hoa nghệ thuật sân khấu truyền thống được phát tiết, tài khí của lớp người xưa được nâng giữ, trao truyền. Các nghệ sĩ trẻ Nhà hát Tuồng Việt Nam đem đến niềm lạc quan về sự tiếp nối ngọn lửa văn hóa dân tộc.

Bỏ tâm sức để giữ vốn nghề

Nỗi phẫn uất tột đỉnh xen lẫn cảm xúc đau đớn khôn cùng của nữ tướng Đào Tam Xuân khi phất cờ xông trận “báo thù nhà, đền nợ nước”; cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé của Tỷ Can tự moi gan mình dâng vua; trạng thái thổn thức, điên loạn lúc Hồ Nguyệt Cô hóa cáo; phút bung biêng, mơ màng trong Đắt Kỷ đổi hồn… Các trích đoạn này đều được xếp vào hàng mẫu mực trong nghệ thuật tuồng. Đảm nhận nhân vật, diễn viên phải đồng thời hát, múa, biểu cảm gương mặt, ánh nhìn cho thật phù hợp, do đó thường được trao cho những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm, có chỗ đứng trong nghề. Song đây cũng là thử thách các nghệ sĩ trẻ Nhà hát Tuồng Việt Nam lựa chọn tham dự “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp 2017”. Nghệ sĩ Vương Đức Anh chia sẻ về tiết mục Hồ Nguyệt Cô hóa cáo: “Trích đoạn này mất rất nhiều sức, cần hát làm sao cho đầy đủ 3 câu nam, hình thể, vũ đạo, đong đưa đôi mắt sao cho đúng cái hồn của nhân vật… Lựa chọn vai khó như vậy, mình phải luyện tập rất lâu, học hỏi nắm bắt từng chi tiết quý giá”.

Diễn viên Ngô Ngọc Cường trong vai Phàn Định Công Ảnh: Thái Minh
Diễn viên Ngô Ngọc Cường trong vai Phàn Định Công Ảnh: Thái Minh

Có ý kiến cho rằng, nghệ thuật là một loại lao động đặc biệt. Công cụ sản xuất chính là bản thân nghệ sĩ, mọi động lực sinh ra từ đấy, thần thái, hồn cốt vai diễn nằm trọn trong ấy. Diễn viên bằng sự hứng khởi, nhập tâm làm cho nhân vật sống động, rõ ràng. Đối với tuồng, nhất là trong các vở tuồng cổ, càng đòi hỏi sự “lao tâm khổ tứ”. Theo NSND Ánh Dương, Quản lý đoàn I, Nhà hát Tuồng Việt Nam, nghệ thuật sân khấu truyền thống đã khó, nghệ thuật sân khấu tuồng càng khó hơn. Thổ tận can tràng nhưng ít ai hiểu được. “Động tác tưởng chừng đơn giản, một câu nói ngắn, một lớp diễn phụ thôi, nhưng nếu không bỏ tâm, bỏ sức vào thì kết quả không thành, tiết mục không chất lượng, như anh em tuồng chúng tôi hay nói chỉ thuộc lời, thuộc bài, chấm hết. Quan trọng phải thổi vào cái hồn, không là hỏng ngay” - NSND Ánh Dương cho biết.

Thể hiện đầy đủ những điển hình của nghệ thuật tuồng, các trích đoạn cổ cho thấy kỹ năng và lòng nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ. Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Hương Thơm nhận định, họ chính là những tinh tuyển, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, đã mang tâm huyết, tài năng để cống hiến. “Mỗi phần diễn các bạn phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình trên sân khấu. Và đằng sau đó, còn có các nghệ sĩ đàn anh, với tinh thần trách nhiệm của lớp người đi trước, đã tạo điều kiện, dạy dỗ, uốn nắn, động viên đội ngũ kế cận cùng giữ vốn truyền thống này”.

“Thầy già, con hát trẻ”

 Nhà hát Tuồng Việt Nam có 9 nghệ sĩ tham dự “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp 2017”, với 7 trích đoạn tuồng cổ. Sau buổi biểu diễn báo cáo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhận định: “Một số trích đoạn cho thấy các nghệ sĩ trẻ đã có sự chuẩn bị tương đối công phu, hăng say, thể hiện đúng tinh thần, cốt cách vai diễn. Qua đó, bước đầu có thể yên tâm về tác dụng của cuộc thi, về đội ngũ kế cận trong loại hình nghệ thuật truyền thống vốn rất khó khăn về lực lượng”.

Đối với các nghệ sĩ trẻ, thế hệ đi trước chính là người dẫn dắt, truyền lửa. Một trong các diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam tham dự cuộc thi năm nay, Vũ Mạnh Linh cho biết, để làm tròn vai diễn Đổng Kim Lân (lớp qua đèo), một phần ở công sức rèn luyện nhưng quan trọng nhất là sự chỉ dạy tận tình của các bậc tiền bối. “Đảm nhận vai này, tôi được thầy là NSND Lê Tiến Thọ hướng dẫn. Không chỉ vì cuộc thi, mà mỗi bước đi dưới sự theo sát của bậc tiền bối giúp chúng tôi có được rất nhiều kinh nghiệm, học được cái tinh túy của nghệ thuật tuồng. Từ vốn cổ đó, chúng tôi có thể tự tin thể hiện, phát triển những vai lịch sử, vai hiện đại”.

Mấy chục năm gắn bó với sân khấu tuồng, dìu dắt nhiều thế hệ trưởng thành, theo NSND Ánh Dương, đối với nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng, những lớp diễn cổ, tinh hoa phát huy giá trị khi được trao truyền. Vai trò của thế hệ đi trước không phải chỉ truyền ngón nghề mà còn lan tỏa tình yêu sân khấu tuồng, cháy hết mình với tuồng. “Chúng tôi là những người ăn lộc tổ nghề, mà không có trách nhiệm truyền cho đội ngũ kế cận thì mai một truyền thống, là có lỗi với tổ nghề, với dân tộc. Các cụ ta có câu: Thầy già, con hát trẻ. Đến giờ, tuổi cũng cao nhưng tôi vẫn dạy, vẫn diễn hỗ trợ, nâng các bạn trẻ lên. Vất vả, khổ nhọc mấy cũng cứ hăng say”.

Nhiều người tin rằng, với sự tiếp sức của nghệ sĩ đi trước, thế hệ trẻ với điều kiện học tập thuận lợi hơn, có bản lĩnh và giàu khả năng sáng tạo, sẽ tiếp bước phát huy giá trị nghệ thuật cổ truyền. NSND Minh Gái so sánh, như “con sáo quen bạn”, bước vào nghệ thuật tuồng là vất vả nhưng ai đã yêu rồi là cứ đắm đuối với nó. Mỗi vai diễn trên sân khấu, các cuộc thi là cơ hội để người trẻ nâng vốn nghề. Quá trình họ lao vào luyện tập hăng say cũng là lúc họ học được nhiều nhất, từ thầy cô và từ khám phá chính mình. “Lớp trước nối lớp sau để nghệ thuật tuồng trẻ mãi với thời gian. Tất nhiên, trong ấy sẽ có những cái chưa chín, có những phút vội vàng, những điều làm chưa tới, nhưng vẫn rất đáng để động viên, khuyến khích. Quan trọng hơn cả, là sau khi các nghệ sĩ trẻ nắm được lối cổ, phát huy nó như thế nào, tránh trường hợp đã từng giành huy chương, đạt một số vai diễn rồi dừng lại ở đấy”, NSND Minh Gái nói.

Lê Thư