“Ở đâu là nhà thì mới là hạnh phúc”

Lê Quân thực hiện 30/07/2017 08:27

“Sau 4 năm theo học tại trường nhạc Berklee (Mỹ), con gái tôi hiện đã tốt nghiệp và đang tính đến chuyện về nước, với mong muốn được sống gần gia đình và đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của đời sống âm nhạc trong nước - như lựa chọn của tôi và nhạc sĩ Huy Tuấn nhiều năm về trước” - Nhạc sĩ Anh Quân góp thêm một tiếng nói vào câu chuyện thời sự trong tuần qua: “Làn sóng ngầm di cư của người giàu”...

Tôi không muốn phải làm “khách” mãi

Nhạc sĩ Anh Quân đang trong những ngày bận rộn. Vừa phải tổ chức đêm Gala tổng kết trại hè âm nhạc Young Beat Young Hit (trường dạy nhạc do vợ chồng anh sáng lập, khởi xướng). Trại hè âm nhạc bằng tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam, có được sự kết hợp quốc tế (Tổ chức Music Bridge của nghệ sĩ đàn tranh Võ Văn Ánh, từ Mỹ), vừa diễn ra vào tối qua, 29.7 tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Tiếp nữa là đảm nhiệm vai trò Giám đốc âm nhạc đêm nhạc: “5 giọng ca vàng” (4 diva và Mỹ Tâm), diễn ra vào ngày 12.8 tới, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị... Công việc bề bộn vừa là những chuyển động đáng giá trong nghề, cũng là cách để cặp vợ chồng nghệ sỹ đối diện với việc con cái trưởng thành và dần rời xa tổ ấm, khi lần lượt lên đường du học. Sau con gái đầu Anna Trương 4 năm qua du học tại ngôi trường đào tạo âm nhạc danh tiếng của Mỹ thì vào tháng 1 tới, con trai thứ Trương Anh Duy cũng lại sẽ lên đường sang Australia, theo học về ngành tài chính - kinh doanh... 

- Nhìn các con lần lượt “vỗ cánh bay đi”, tâm trạng của anh thế nào?

- Vợ tôi cũng nhiều lần hỏi tôi rằng: “Liệu khi chúng nó đi hết, thì mình sống sao nhỉ?”, có vẻ hoang mang ra phết! (cười). Bọn trẻ đi học hết, nhà vắng đi là chắc! Kể cũng buồn đấy, nhất là mẹ cháu. Nhưng hẳn vì là đàn ông, lại từng du học xa nhà từ năm 14 tuổi nên có thể tôi đón nhận điều đó bình thản hơn. Mà đúng ra là phải vui mới phải chứ, khi chứng kiến con cái trưởng thành, có cơ hội du học tại những ngôi trường uy tín trên thế giới. Và thật ra bây giờ, điều kiện liên lạc cũng quá lý tưởng rồi, ngày nào chẳng gọi điện, nhìn thấy nhau trên facebook, chát chít.... Chứ có đâu như chúng tôi ngày trước: Muốn gọi về cho người nhà phải gọi vào số máy cơ quan của bố mẹ, xin hẹn trước; rồi trước lúc về phép lại phải đánh điện về nhà; cả mấy năm học cùng lắm chỉ được về nhà 1 - 2 lần, thiếu thốn đủ bề từ vật chất tới tinh thần...

- Đó có phải là lý do khiến anh và nhạc sĩ Huy Tuấn chọn con đường trở về, sau nhiều năm du học và làm nghề, thậm chí đã thành lập ban nhạc ở xứ người?

- Bất kỳ lựa chọn nào cũng có mặt này mặt nọ. Điều kiện sống ở nước ngoài có những điều trong nước khó mà có được, và ngược lại. Với một người tương đối nhạy cảm và nặng tình với gia đình như tôi thì việc luôn bị coi là “khách” ở xứ người quả là một cảm giác không lấy gì làm dễ chịu. Bước chân lên tàu điện ngầm hay vào một quán ăn, một nhà hát... ở đâu chúng tôi cũng bị xem là khách lạ, nhất là tại các nước châu Âu. Cũng không trách người ta được, vì đúng mình là “khách” thật mà, với những “đặc điểm nhân chủng học” như thế, lý do có mặt của mình là như thế... Đó là cảm giác tôi không chịu được lâu hơn. Vậy nên, đi chơi thì thích, đi học là cần thiết, nhưng để sống lâu dài ở đó thì tôi thực sự không cảm thấy thoải mái. Với tôi thì ở đâu phải cho cảm giác đấy thực sự là nhà mình, thì tôi mới cảm thấy bình yên và hạnh phúc.

Nhạc sĩ Anh Quân và con gái Anna Trương
Nhạc sĩ Anh Quân và con gái Anna Trương

“Tôi mừng là con muốn trở về”

- Điều gì ở quê nhà lúc đó vẫy gọi anh nhất?

  “Dù xa nhà nhiều năm và xa nhà từ rất sớm; lúc đi, gia cảnh cũng như đời sống xã hội nói chung còn đầy rẫy khó khăn... thế nhưng gia đình, và rộng hơn là Hà Nội, với những bữa ăn, những câu nói, những lề lối sinh hoạt đậm chất Hà Nội... vẫn luôn đủ sức vẫy gọi tôi về”

- Gia đình. Gia đình lớn, bao gồm cả ông bà, bố mẹ, em út, cô dì chú bác... Tận tới giờ vẫn vậy, vì tôi vốn rất coi trọng các mối quan hệ gia đình, họ hàng. Dù xa nhà nhiều năm và xa nhà từ rất sớm (năm 14 tuổi); lúc đi, gia cảnh cũng như đời sống xã hội nói chung còn đầy rẫy khó khăn; bản thân gia đình tôi cũng không hẳn là một gia đình quá ư “kiểu mẫu”, nhưng gia đình, và rộng hơn là Hà Nội, với những bữa ăn, những câu nói, những lề lối sinh hoạt đậm chất Hà Nội... vẫn luôn đủ sức vẫy gọi tôi về. Phần nữa, còn là mong muốn được góp thêm một phần nào đấy vào sự phát triển của đời sống âm nhạc trong nước, bằng vào những gì mình đã tích cóp, thu lượm được trong những năm tháng du học và làm nghề ở xứ người...

- Anna Trương, con gái anh liệu có tính đến chuyện ở lại, sau khi tốt nghiệp ngôi trường đào tạo âm nhạc danh tiếng thế giới, lại sẵn mang quốc tịch Đức?

- Quyết định là ở cháu, bố mẹ không can thiệp. Nhưng tôi mừng là con đã bày tỏ mong muốn được trở về. Cách đây mấy tháng, cháu đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee, chuyên ngành sản xuất và kỹ sư âm thanh, nhưng sau đó, do giành thêm được một suất học bổng hè (mà theo như bà giáo của cháu nói là 20 năm nay mới lại có một nữ sinh của trường giành được) nên cháu ở lại thêm. Đồng thời, tranh thủ đi biểu diễn tại nhiều bang của nước Mỹ, cùng ban nhạc Lands của mình (ban nhạc sinh viên gồm những sinh viên ưu tú của trường Berklee, đến từ 9 quốc gia, trong đó Anna Trương là ca sĩ chính - PV).

Dĩ nhiên từ giờ tới lúc đó, có thể vẫn còn những ngả rẽ và lựa chọn bất ngờ khác, tùy theo cơ hội mà cháu có được. Tuy nhiên, sớm hay muộn, tôi tin là Anna sẽ vẫn chọn con đường trở về. Vì cũng như tôi, Anna rất gắn bó và coi trọng những mối quan hệ gia đình. Cháu yêu ngôi nhà mà chúng tôi đã sống yên vui cùng nhau nhiều năm qua, và trên hết, là mong muốn được góp một phần vào sự phát triển của đời sống âm nhạc lúc này. Chuyên ngành mà Anna theo học (sản xuất và kỹ sư âm thanh) là một trong những chuyên ngành “đặc sản”, nổi tiếng nhất của ngôi trường danh tiếng này - nơi trước giờ từng “mát tay” mang đến cho giải thưởng âm nhạc đình đám Grammy rất nhiều ứng viên nặng ký... Tin và mong rằng khi cháu trở về, hẳn là sẽ góp thêm được một tiếng nói đáng kể, bằng vào những gì cháu đã được học, và sức trẻ của cháu...

- Xin cảm ơn anh!

Lê Quân thực hiện