Đau đáu sáng tác về đồng đội

Thành Công 27/07/2017 10:45

Đã có hơn 500 bức tượng, khoảng 3.000 bức tranh và nhiều tác phẩm cổ động cho quân đội, cùng gần 50 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước, thế nhưng hiện nay họa sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Duy Ứng vẫn đau đáu với sáng tác về “Tổ 3 người” đồng đội, đồng môn một thời của mình…

Bức huyết họa nổi tiếng

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang, họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Niềm say mê hội họa đã khiến cậu học trò trường làng không mấy băn khoăn khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Tại ngôi trường này, ông đã được học những họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng như: Nguyễn Đức Nùng, Trần Huy Oánh, Lương Xuân Nhị, Diệp Minh Châu...

Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên lên đường ra trận. Sau thời gian huấn luyện tại Cầu Gồ, Nhã Nam, Yên Thế, ông có mặt tại chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, được biên chế về C20 lính trinh sát, Trung đoàn 101, sau đó về Ban Tuyên huấn Trung đoàn 101. Tại Thành cổ, họa sĩ Lê Duy Ứng có được nhiều ký họa phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Quảng Trị anh hùng. Ông tiếp tục tham gia chiến đấu, sáng tác cho đến những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại: “Sáng 28.4.1975, có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn với nhiệm vụ chụp ảnh và ký họa chiến tranh, tại căn cứ Nước Trong, tôi bị thương và hỏng hai mắt bởi súng chống tăng của địch. Khi tỉnh dậy, mắt không nhìn thấy gì. Nghĩ mình khó qua khỏi, tôi muốn làm một việc gì đó thật ý nghĩa. Dưới làn bom đạn ác liệt, tôi lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương ở mắt vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, dưới bức chân dung, ghi đậm dòng chữ: Ánh sáng niềm tin/ Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. Tôi gấp cẩn thận bức tranh, cho vào túi áo ngực và lại ngất đi. Đến tận bây giờ tôi vẫn vô cùng biết ơn những đồng đội mà tôi chưa hề biết tên, những người đã cứu sống tôi, giúp tôi lưu giữ bức huyết họa này trong suốt thời gian tôi bị thương vô cùng khó khăn ấy”.

Họa sĩ Lê Duy Ứng giới thiệu sáng tác của mình Ảnh: Thành Công
Họa sĩ Lê Duy Ứng giới thiệu sáng tác của mình                                                       Ảnh: Thành Công

Bức tranh chân dung Bác Hồ được vẽ bằng máu của anh hùng, họa sĩ Lê Duy Ứng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Suốt đời theo đuổi đề tài cách mạng

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Duy Ứng đã sáng tác hơn 500 bức tượng, khoảng 3.000 bức tranh và nhiều tác phẩm cổ động cho quân đội, cùng gần 50 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước… Ở tuổi 70, trong sâu thẳm tâm hồn họa sĩ thương binh ấy vẫn đau đáu sáng tác về đồng đội, về những người đã ngã xuống cho quê hương Việt Nam, về những người mẹ, người vợ đã dâng tặng người thân của mình cho Tổ quốc... “Chủ đề sáng tác chính mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời mình là về lực lượng vũ trang nhân dân, đề tài cách mạng. Tuy nhiên, với bản thân, tôi vẫn đau đáu sáng tác về các đồng đội, đồng môn của mình trong “Tổ 3 người” nhưng đến nay chưa tìm được chất liệu phù hợp”.

“Tổ 3 người” nói trên gồm họa sĩ Lê Duy Ứng, Hoàng Tuyết Minh (con trai họa sĩ Hoàng Tích Chù) và họa sĩ Phạm Mai Châu. Cả 3 người cùng học tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, cùng nhập ngũ một ngày (7.6.1971). Sau huấn luyện, “Tổ 3 người” được phân về 3 đơn vị khác nhau thuộc Trung đoàn 101. Với người lính, con số 3 vô cùng quan trọng: 3 người thành 1 tổ, 3 tiểu đội thành 1 trung đội, 3 trung đội thành 1 đại đội, 3 đại đội thành 1 tiểu đoàn… “Nhóm 3 người Ước - Minh - Châu cùng học, cùng nhập ngũ một ngày dường như có những tình cảm thiêng liêng, tình cảm mà những người lính chúng tôi chỉ cần nói ngắn gọn là tổ 3 người” - họa sĩ Lê Duy Ứng giải thích.

Năm 1972, họa sĩ Hoàng Tuyết Minh đã hy sinh tại chiến trường Bắc Quảng Trị, khoảng 2 tháng sau cuộc gặp lại tình cờ với họa sĩ Lê Duy Ứng và được ông vẽ tặng một bức ký họa chân dung. Bùi ngùi nhớ Minh Tào Phớ (tên gọi vui của liệt sĩ Hoàng Tuyết Minh), họa sĩ Lê Duy Ứng khẳng định: “Là người lính, tôi may mắn sống sót trở về và sẽ quyết tâm thực hiện tác phẩm này, không chỉ vì nhóm 3 người chúng tôi, vì Hoàng Tuyết Minh, mà còn vì tất cả đồng đội của tôi đã ngã xuống cho quê hương”.

Thành Công