Ban hành Luật về tổ chức thi hành pháp luật - nên hay không?

Lê Bình 27/07/2017 08:36

Đây là câu hỏi được một số chuyên gia đặt ra tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây. Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt nên quan tâm đến điều kiện bảo đảm thực thi quy định pháp luật, xây dựng kế hoạch tiến hành, quy trách nhiệm cụ thể…

Không đi kèm điều kiện, khó đạt kết quả tốt

Tại Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đều mới quy định Chính phủ có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật (Hiến pháp 1980 không quy định trách nhiệm này áp dụng với các thành viên Chính phủ và chính quyền địa phương). Nhưng đến Hiến pháp 2013, công tác thi hành pháp luật đã trở thành thẩm quyền độc lập và riêng có của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp. Công tác này cũng được đưa lên thành nhiệm vụ số một trong quy định chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ hiện nay.

Dù vậy, sau 4 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn được nhận định chưa có chuyển biến đáng kể từ nhận thức đến thực hiện. Không khó để thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thông qua hoạt động lập pháp ngày càng nhiều, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Nhưng tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để, thậm chí hiện tượng “nhờn luật” diễn ra tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp, tình trạng này đã ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, tác động xấu đến phát triển kinh tế, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Sự chuyển biến chậm chạp của chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo các chuyên gia, có nguyên nhân do tư duy xây dựng pháp hiện chưa được đổi mới triệt để, dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã rất tiến bộ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành xuất phát từ nhu cầu quản lý, chưa hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu khách quan của xã hội, nên quy định còn chung chung, thiếu tính quy phạm, khó thực hiện trong thực tế. Việc lấy ý kiến người dân về hiệu quả điều chỉnh của văn bản, cơ chế tổ chức thi hành… càng hiếm khi được.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương, dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 đã quy định Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh phải tiến hành xây dựng Báo cáo đánh giá tác động trước khi trình ra UBTVQH, QH, song đến nay, các điều kiện bảo đảm thực thi trong quá trình xây dựng dự thảo luật, pháp lệnh vẫn chưa được tính toán cụ thể, chặt chẽ và bài bản. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đi cùng với các điều kiện bảo đảm thi hành đầy đủ và hợp lý, nên việc tổ chức thi hành khó đạt được kết quả như mong muốn.   

Nên quan tâm đến giải pháp thiết thực

Đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng nhấn mạnh một nguyên nhân khác của các hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật. Đó là do thiếu thể chế về thi hành pháp luật, nên hiện không xác định rõ trách nhiệm, mục tiêu, phương pháp, quy trình, cơ chế thi hành pháp luật, cũng như các điều kiện bảo đảm thi hành. Vì vậy, tại dự thảo Đề án, Bộ Tư pháp đã đề xuất giải pháp nghiên cứu, xây dựng và trình QH ban hành Luật về tổ chức thi hành pháp luật và nên được thực hiện xuyên suốt trong thời gian triển khai Đề án (từ năm 2018 - 2026).

Ủng hộ quan điểm này, nguyên Chủ nhiệm VPQH Trần Ngọc Đường nêu lý do: Tổ chức thi hành pháp luật và xây dựng pháp luật là những hoạt động phức tạp, phải tiến hành bằng các phương thức có cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định. Sau nhiều năm tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động lập pháp đã dần hình thành cơ sở luật định, đã ra đời Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với nhiều lần sửa đổi để nâng cao chất lượng hoạt động này. Nhưng hoạt động thi hành luật pháp đến nay vẫn chưa được thể chế hóa để tổ chức thực hiện, dù Hiến pháp 2013 khẳng định đây là công việc có vai trò quan trọng.

Dù vậy, từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, một số chuyên gia khuyến nghị, nên quan tâm đến những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Giám đốc thường trú tại Việt Nam của Dự án phát triển lập pháp quốc gia Canada Jacob Gemmelgaard cho rằng, trước mắt, cần tổ chức lập kế hoạch triển khai thi hành pháp luật, định ra mục tiêu cụ thể cho thi hành pháp luật với mỗi lĩnh vực, cũng như theo dõi sát sao quá trình thực hiện. Trong trung hạn, nghiên cứu đặt ra chuẩn mực với thông tin, số liệu báo cáo việc thực hiện mục tiêu thi hành pháp luật với từng cơ quan chức năng, và công bố công khai với người dân những báo cáo này. Về dài hạn, nghiên cứu chỉ định một cơ quan Trung ương điều phối việc theo dõi thi hành pháp luật, có thẩm quyền xử lý đơn vị chậm triển khai hoặc làm sai lệch mục tiêu phấn đấu của pháp luật.
Trước đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đã xác định sẽ chuyển trọng tâm chỉ đạo, điều hành từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhưng khi hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi cơ quan chức năng, thì liệu có cần tiếp tục thực hiện cách làm quen thuộc (xây dựng luật điều chỉnh công tác này), hay nên suy nghĩ tìm ra những giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá hơn? Đây là câu hỏi cần được tiếp tục phân tích để tìm ra câu trả lời thấu đáo, thỏa đáng hơn.

Lê Bình